1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc

(Dân trí) - Lực lượng Mỹ đã đóng ở Hàn Quốc từ năm 1950, khi bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên, với cam kết “giúp duy trì hòa bình và ổn định” trên bán đảo này. Nhưng thực tế, Washington có tìm được lối thoát cho những vấn đề hóc búa ở đây hay không?

Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc - 1
 
Lính Mỹ tiến vào khu vực xung đột …
 
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc - 2

Và ném bom xuống Triều Tiên năm 1950

Năm 1945, sự thống trị của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt khi Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Vĩ tuyến 38 là ranh giới chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia là CHDCND Triều Tiên (được Liên bang Xô Viết ủng hộ) và Hàn Quốc (được Mỹ hậu thuẫn). Từ năm 1950 đến 1953, sau khi lính Mỹ và Liên Xô rời bán đảo Triều Tiên, chiến tranh nổ ra giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc làm khoảng 4 triệu người thiệt mạng. Mỹ đã “đáp lời kêu gọi” của chính phủ Hàn Quốc khi đó, nhảy vào can thiệp, trong khi Trung Quốc đứng về phía CHDCND Triều Tiên.

Theo Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Hàn năm 1953, Mỹ đồng ý giúp Hàn Quốc “tự vệ trước các cuộc xâm lược từ bên ngoài”. Kể từ đó, Mỹ đã duy trì một lực lượng hàng chục nghìn lính ở Hàn Quốc, bao gồm Sư đoàn Bộ binh số 2 và các phi đội của Lực lượng Không quân. Vào thời điểm bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, Mỹ không có căn cứ không quân nào trên bán đảo Triều Tiên.

Để phối hợp hoạt động giữa những đơn vị này và lực lượng vũ trang gồm hơn 680.000 binh sĩ của Hàn Quốc, Bộ tư lệnh Các lực lượng Phối hợp (CFC) được thành lập năm 1978. CFC ban đầu do Tướng John Tilelli chỉ huy. Ông cũng là Tổng tư lệnh Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC), khi đó gồm quân đội của 16 nước thành viên, và Các lực lượng Mỹ tại bán đảo Triều Tiên (USFK).
 
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc - 3
 
Bản đồ căn cứ quân sự và huấn luyện của lính Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc công bố tháng 4/2009

Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc - 4


Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối chiến dịch tái triển khai quân đội Mỹ

Năm 1991, cùng năm CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc, Mỹ giảm lực lượng ở bán đảo Triều Tiên từ 43.000 xuống còn 36.000 quân.

Năm 2001, quan hệ Mỹ-Triều xấu đi sau khi George W.Bush trở thành Tổng thống Mỹ và đưa CHDCND Triều Tiên vào danh sách các nước thuộc “Trục Ma quỷ”. Cũng cùng năm này, Mỹ và Hàn Quốc đã thương lượng có kết quả một số vấn đề song phương, trong đó có kế hoạch củng cố sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên đất Hàn Quốc. Kế hoạch này sẽ giảm số căn cứ chính của Mỹ ở Hàn Quốc từ 41 xuống còn 26 trong khi tăng cường công tác huấn luyện và khả năng chiến đấu. Thỏa thuận này cũng bao gồm việc đóng cửa hoàn toàn 24 cơ sở hoặc khu trại của lực lượng Mỹ đặt trong các căn cứ của Hàn Quốc. Trong khi đó, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc xây dựng 95 kho quân sự khắp bán đảo Triều Tiên – nhiều kho rất nhỏ và được đặt ở những nơi hẻo lánh, để tăng cường khả năng phối hợp tác chiến.

Một thỏa thuận năm 2002 do hai bên ký kết đã bố trí lại lực lượng Mỹ thành ít căn cứ hơn, nhưng là những căn cứ lớn hơn, và những khu vực huấn luyện đặt trên đất Hàn Quốc. Những căn cứ trước đây co cụm ở Đường ranh giới với Triều Tiên đã bị đóng cửa, nhưng những căn cứ ở sâu hơn về phía nam bán đảo Triều Tiên lại được mở rộng. Cuối cùng, nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường đã được chuyển giao cho quân đội Hàn Quốc. Năm 2003, Sư đoàn Bộ binh số II của Mỹ đã được "nam tiến", chuyển từ Yongsan đến Trại Humphreys ở Pyeongtaek, trong khi thỏa thuận Bố trí lại Các căn cứ Mỹ năm 2004 đã phải hoãn lại 5 năm do vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân địa phương những nơi có căn cứ quân sự Mỹ được tái bố trí.
 
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc - 5
 
Trại Humphreys …
 
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc - 6

Và căn cứ quân sự Osan ở Hàn Quốc

Tháng 5/2004, Mỹ loan báo kế hoạch chuyển 3.600 quân từ Hàn Quốc đến Iraq. Đây là lần đầu tiên Mỹ giảm lực lượng vũ trang ở Hàn Quốc kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Mỹ và Hàn Quốc cũng đồng ý chuyển giao các hoạt động kiểm soát thường trực thời chiến cho quân đội Hàn Quốc vào ngày 17/4/2012.

Năm 2007, sau khi vào đầu năm, các bên tham gia đàm phán 6 bên (hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc) đạt được thỏa thuận theo đó Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ năng lượng và các điều kiện thuận lợi về an ninh và ngoại giao, thì đến cuối năm, hầu hết lực lượng Mỹ được di chuyển ra khỏi những khu vực quanh thủ đô Seoul. 23 căn cứ đã được trao trả cho Hàn Quốc, nhưng chưa được khử độc. Trong khi đó, chi phí di rời các căn cứ quân sự đã vượt quá con số ước tính ban đầu là 10 tỷ USD – vì vậy Mỹ muốn Hàn Quốc đóng góp 55%.

Mỹ hiện đang có 29.000 quân đồn trú ở Hàn Quốc và sẵn sàng tham chiến nếu xung đột nổ ra. Tổng thống Barack Obama mới đây đã ra lệnh cho quân đội Mỹ sẵn sàng “đánh chặn mọi cuộc xâm lược trong tương lai”. Mỹ đang gây sức ép đòi Triều Tiên phải nhận trách nhiệm và xin lỗi về vụ chìm tàu Cheonan. Tuy nhiên, Mỹ không muốn và cũng không có đủ ngân sách để phát động một cuộc chiến tranh mới ở Triều Tiên, khi mà cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq chưa kết thúc. Nhật Bản cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhật Bản hiện chỉ ủng hộ Hàn Quốc trong việc đưa ra nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà thôi. Thực tế là Washington đã thất bại trong việc tìm lối thoát cho những vấn đề hóc búa trên bán đảo Triều Tiên suốt mấy thập kỷ qua.

Nguyễn Viết
Tổng hợp