1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sông Mekong nhiễm độc thủy ngân nặng nề

(Dân trí) - Theo báo cáo mới đây của WWF (Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên), ô nhiễm tại sông Mekong đã đẩy quần thể cá heo Irrawaddy tại khu vực này đến bờ tuyệt chủng do nhiễm độc thủy ngân có tại sông Mekong.

Sông Mekong nhiễm độc thủy ngân nặng nề - 1
Cá heo ở sông Mekong, khu vực thuộc làng Kampi, tỉnh Kratie, tây bắc Campuchia (Ảnh AP).
Loài cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris) sinh sống trên  đoạn sông Mekong dài 190 km giữa Lào và Campuchia. Từ năm 2003 đã có 88 con bị chết, 60% số đó là cá heo con dưới hai tuần tuổi. Ước tính hiện nay chỉ còn có khoảng 64-76 cá thể loài này còn sống.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chất thuốc trừ sâu như DTD và chất gây ô nhiễm như PCBs khi mổ xác cá heo con . Những chất này có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ người dân sinh sống dọc theo sông Mekong vì họ cùng ăn cá và sử dụng nguồn nước sông giống như cá heo.

Hàm lượng thủy ngân cao cũng được tìm thấy trên một số con cá heo đã chết. Thủy ngân, được cho là do hoạt động khai thác vàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch do đó làm cho cá dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm hơn.

Bác sỹ Verne Dove, tác giả của báo cáo và là bác sỹ thú y làm việc cho WWF Campuchia cho biết: “Phân tích giải phẫu cho thấy cá bị chết do nhiễm khuẩn. Điều này sẽ không gây tử vong nếu hệ thống miễn dịch của cá không bị suy giảm do ô nhiễm môi trường”.
 
Cũng theo bác sỹ Dove, những chất này được phân tán rộng rãi trong môi trường và như vậy ô nhiễm có thế bắt nguồn từ các nước có sông Mekong chảy qua. Từ năm 2004, cá heo Irrawady sinh sống trên sông Mekong đã được liệt vào loại bị đe dọa nghiêm trọng trong sách Đỏ của IUCN.

Sông Mekong chảy qua Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đây là một trong những sông có nguồn lợi thủy sản lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, đoạn sông Mekông chảy qua được gọi là sông Cửu Long

Thanh Trầm

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm