1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sochi và chuyến thăm Nga lịch sử của Chủ tịch nước

Lần đầu tiên, cuộc hội đàm cấp cao giữa nguyên thủ LB Nga và nguyên thủ Nhà nước Việt Nam sẽ diễn ra tại thành phố biển nổi tiếng Sochi bên bờ Biển Đen.

Chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin (26-30/7) là hoạt động trao đổi viếng thăm cấp cao theo thông lệ quan hệ song phương.

Song, lần đầu tiên, cuộc hội đàm cấp cao của hai nguyên thủ được ấn định diễn ra tại Sochi là sự kiện đặc biệt lớn, chưa từng có trong tiền lệ các chuyến trao đổi viếng thăm cấp cao trước đây, gợi mở những bước phát triển cao hơn trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Nga V.Putin trong sắc lệnh về chính sách đối ngoại nhiệm kỳ mới đã xếp Việt Nam vào nhóm đối tác quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương: ngay sau Trung Quốc, ngang với Ấn Độ.
 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống V.Putin lần đầu tiên gặp nhau trên cương vị hai nguyên thủ Nhà nước. Với Chủ tịch nước, sau nhiều chuyến công du kể từ khi nhậm chức, LB Nga là điểm đến đầu tiên tại châu Âu của ông.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, dựa trên khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược.

Nga luôn được nhớ đến là đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam, khi năm 2000, lần đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống V.Putin đã cùng nguyên thủ cấp cao Nhà nước Việt Nam ký văn kiện nâng cấp quan hệ song phương.

Hợp tác dầu khí

Theo lịch trình, ngoài cuộc hội đàm quan trọng tại Sochi với Tổng thống Putin, Chủ tịch nước Trương Tân Sang sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng đồng thời là Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev, Chủ tịch Thượng viện, các lãnh đạo cấp cao khác.

Một trong hoạt động đáng chú y, đó là điểm dừng chân tại khu tự trị Nhenhetsky. Tại đây, ông sẽ tham dự lễ đón dòng đầu tiên của mỏ dầu Tây Khosedai của liên doanh Rusvietpetro.

7 văn kiện dự kiến được ký kết trong chuyến thăm liên quan các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, tương trợ tư pháp…

Cơ quan báo chí Điện Kremlin cho hay hai nhà lãnh đạo Nga và Việt Nam sẽ bàn triển vọng củng cố các mối quan hệ nhân văn; thực hiện các dự án chung quy mô lớn, trước hết trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, chế tạo máy và hợp tác khoa học - kỹ thuật.
 
Sochi và chuyến thăm Nga lịch sử của Chủ tịch nước - 2

Thành phố biển Sochi - nơi lần đầu tiên diễn ra hội đàm cấp cao giữa nguyên thủ LB Nga và nguyên thủ Nhà nước Việt Nam


Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế cấp bách, kể cả việc chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra ở Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông Nga tháng 9 tới.

Kinh tế, thương mại là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương Việt - Nga. Năm 2011, thương mại song phương đạt 1,98 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2010. Trong đó, Việt Nam xuất siêu gần 1,3 tỷ USD.

Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 3 tỉ USD trong năm nay, tiến tới 10 tỉ USD vào năm 2020.

Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong những năm trở lại đây tăng nhanh, từ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008 tăng lên 776 triệu USD tính đến hết tháng 5.

Nga hiện có nhiều dự án đầu tư quan trọng tại Việt Nam với 78 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 919 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Một trong những dự án hợp tác quan trọng nhất hiện nay là Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận do Nga hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay.
Lĩnh vực hợp tác quan trọng, hiệu quả trong nhiều năm qua - an ninh, quốc phòng - sẽ là một trong những nội dung trọng tâm đề cập trong chuyến thăm của Chủ tịch nước.

Năm 2010, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Medvedev, dựa trên những thỏa thuận ký kết, nguyên thủ cấp cao hai nước bày tỏ ủng hộ việc thiết lập tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương một cấu trúc an ninh hợp tác cởi mở, bình đẳng và công khai, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tính đến quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên.
Theo Linh Thư
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm