1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

So kè Trung - Ấn trên vũ đài thế kỷ

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đang có chuyến thăm Trung Quốc nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng tranh chấp biên giới và thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên, không khí hòa dịu này vẫn không thể che lấp hố sâu bất đồng, cũng như sự cạnh tranh ngày một gay gắt giữa hai quốc gia trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Trong cuốn “Giấc mộng Trung Hoa” gây ồn ào, Lưu Minh Phúc tuyên bố thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc. Trong mắt người Trung Quốc, chỉ có Mỹ xứng đáng là đối thủ duy nhất, là kẻ giữ chiếc vương miện cần phế bỏ để đoạt lấy vị thế siêu cường.

Những nước như Ấn Độ chỉ đáng xếp ở “chiếu dưới”, không thể đua tranh với Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ cũng tuyên bố thế kỷ 21 thuộc về họ và quốc gia Nam Á này không đùa. Trong ba thập niên qua, Trung Quốc phát triển thần tốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng thế giới cũng phải trầm trồ thán phục trước những kỳ tích phát triển của Ấn Độ.

Từ khi cải cách tận gốc nền kinh tế trì trệ vào thập niên 1990, Ấn Độ đã có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc và nay thực sự trở thành một thế lực kinh tế và chính trị trong cuộc chơi toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự đoán, đến giữa thế kỷ 21, Ấn Độ trở thành cường quốc thế giới bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc xem Mỹ là đối tượng cạnh tranh chiến lược để giành quyền lãnh đạo thế giới, còn Ấn Độ luôn coi người láng giềng khổng lồ là đối trọng đặc biệt trong chiến lược sinh tồn của mình. Lịch sử quan hệ sóng gió Trung-Ấn mấy chục năm qua phản ánh rõ nét nhận thức cũng như nhãn quan chiến lược phát triển của hai bên.

Cải thiện quan hệ, hợp tác cùng thắng là xu hướng chủ đạo, nhưng trong khi các lãnh đạo chính trị và giới ngoại giao chừng mực thì giới học giả, tướng lĩnh ở cả Trung Quốc và Ấn Độ chẳng hề giấu giếm sự nghi kỵ, luôn tranh thủ bài bác, công kích nhau.

Ấn Độ tỏ ra không hề kém cạnh Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, trong đó có lịch sử nền văn minh lâu đời, dân số đông, kinh tế năng động (đều là thành viên khối BRIC và G-20)… Trung Quốc tiếp quản ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ; Ấn Độ cùng Nhật Bản, Brazil đang nỗ lực vận động để giành chiếc ghế quyền lực xứng đáng với vị thế của mình.

Trung Quốc là công xưởng của thế giới, còn Ấn Độ là văn phòng của thế giới và đang trên đường trở thành siêu cường về công nghệ sáng tạo. Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ cường quốc hạt nhân.

Ấn Độ đã phát triển tên lửa đạn đạo thế hệ mới có tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc nhằm đáp trả mối đe dọa từ tên lửa Đông Phong, hợp tác với Nga chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5 FGFA nhằm đối phó máy bay tàng hình J-20.

Đối phó tham vọng hạm đội biển xanh của Trung Quốc, Ấn Độ đã mau chóng hiện đại hóa hải quân, vừa hạ thủy tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân tự sản xuất trong nước...

Trên nhiều vấn đề, quan hệ Trung-Ấn cũng đầy trắc trở, bằng mặt mà không bằng lòng. Ngoài việc Trung Quốc tranh chấp biên giới, tăng cường trợ giúp kinh tế, quân sự cho kình địch Pakistan, Ấn Độ còn lo lắng về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại một số quốc gia Himalaya sát sườn như Bhutan, Nepal.

Ấn Độ cũng bất an trước việc Trung Quốc triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai” với kế hoạch xây dựng các cơ sở tại Pakistan, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives, cùng ý đồ hiện diện hải quân thường xuyên ở Ấn Độ Dương.

Trước luận thuyết “Trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, Ấn Độ lập tức đáp trả bằng chính sách “Hướng đông”. Ngang cơ với Trung Quốc, Ấn Độ lại nhiều bạn bè, đồng minh chia sẻ lợi ích thiết thân, rõ ràng là thế lực không thể xem thường. Trên sân khấu đâu chỉ có “cặp đôi” Trung-Ấn mặc lòng diễn tấu. Còn có nhiều tay chơi quyền lực khác như Nga, Nhật Bản, nhất là Mỹ cũng đang ngắm nghía, toan tính.

Theo Đặng Vương Hạnh
Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm