1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sau Mỹ, đến Nhật ra sức lôi kéo Myanmar khỏi Trung Quốc

(Dân trí) – Chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Obama tiếp Tổng thống Myanmar trong chuyến thăm lịch sử tại Washington, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tới thăm chính thức nước láng giềng của Trung Quốc cùng với tuyên bố sẽ cung cấp “mọi hỗ trợ có thể có”.

Ông Abe đang muốn thắt chặt quan hệ với Myanmar
Ông Abe đang muốn thắt chặt quan hệ với Myanmar

Tuyên bố trên được ông Abe đưa ra trong chuyến đi tới một khu công nghiệp lớn gần cố đô Yangon. Theo hãng tin AFP, ông Abe đã hết lời ngợi khen dự án Thilawa với quy mô 2400 ha được Nhật và Myanmar cùng triển khai như một biểu tượng cho sự “hợp tác song phương”. Dự án trên bao gồm một hải cảng và một đặc khu kinh tế.

Vị thủ tướng Nhật cũng khẳng định chính phủ của ông “sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể có” cho quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong công cuộc tái thiết đất nước. “Nhật Bản rất vui được hỗ trợ quá trình xây dựng đất nước của Myanmar”, ông Abe tuyên bố.

Chuyến thăm của ông Abe được xem là nhằm khẳng định trình độ cao của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, với giới chức Myanmar. Hiện Myanmar đang rất cần các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, vốn đang rất được chờ đợi.

“Đặc khu kinh tế Thilawa là một dấu ấn trong quan hệ giữa hai chính phủ cũng như lĩnh vực kinh tế tư nhân”, Set Aung, thứ trưởng Bộ kế hoạch và phát triển kinh tế quốc gia của Myanmar khẳng định.

“Dự án này sẽ đem lại những thành công nhanh chóng cho người dân Myanmar cũng như các doanh nghiệp Nhật”, nhất là trong việc tạo công ăn việc làm và “hỗ trợ kỹ thuật”, vốn rất cần thiết, ông Aung nói tiếp.

Dự án nêu trên được Nhật và Myanmar quyết định triển khai hồi tháng 12 vừa qua với dự định hoàn tất vào năm 2015.

Chuyến đi của ông Abe đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1977 một thủ tướng Nhật tới thăm quốc gia từng bị chính quyền quân sự cai trị này. Không giống các quốc gia phương Tây, Tokyo vẫn duy trì quan hệ thương mại với Myanmar cả trong giai đoạn chính quyền quân sự nắm quyền cho tới tận năm 2011, với lập luận rằng một chính sách quá cứng rắn có thể khiến quốc gia này ngả về phía Trung Quốc.

Trong chuyến thăm này, ông Abe dự kiến sẽ công bố khoản hỗ trợ phát triển lên tới 1 tỷ USD và kế hoạch xây dựng mạng lưới điện toàn quốc cho Myanmar, như một phần trong chiến lược quảng bá cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng của Nhật ra thế giới.

Là chủ nợ lớn nhất của Myanmar, Nhật Bản năm ngoái đã đồng ý xóa nợ 6,6 tỷ USD cho Myanmar đồng thời cung cấp thêm các khoản vay để giúp nước này trả nợ cho ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và ngân hàng thế giới (WB).

Thanh Tùng
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm