Sát thủ đến từ vũ trụ của trái đất mới được tìm ra
(Dân trí) – 65 triệu năm trước, một khối thiên thạch khổng lồ đã lao vào trái đất, làm chết hết khủng long và nhiều sinh vật khác. Đây là kết quả nghiên cứu mới khẳng định thêm về giả thuyết này với những chứng cớ rõ ràng, mới được công bố hôm 29/11 vừa qua.
Kết quả phân tích các mẫu đá trầm tích lấy từ 5 điểm khác nhau ở dưới đáy Đại Tây Dương đã giúp nhóm nghiên cứu do giáo sư địa chất học Ken MacLeod của Đại học Missouri-Columbia (Mỹ) đứng đầu có thêm cơ sở để khẳng định quan điểm cho rằng một khối thiên thạch khổng lồ đã đâm vào trái đất, khiến khủng long và nhiều loài khác tuyệt chủng.
Các nhà học cho rằng 65,5 triệu năm trước, vào cuối Kỷ phấn trắng, một khối thiên thạch có đường kính khoảng 6 dặm đã lao vào trái đất, tạo ra hố thiên thạch Chicxulub rộng tới 110 dặm ở bán đảo Yucatan ngoài khơi Vịnh Mexico. Cú va chạm này đã gây ra một thảm họa lớn. Hàng tấn đá bụi đã bị cuốn tung lên trời, gây ra các trận sóng thần cực lớn, chôn vùi mọi sinh vật và Trái đất đã bị bóng tối bao trùm trong nhiều năm liền.
Loài khủng long đã thống trị trên trái đất trong suốt 160 năm không thoát khỏi định mệnh trong khi một số loài chim lại sống sót.
Động vật có vú cũng may mắn thoát nạn và trở thành loài thống trị trên mặt đất, tạo tiền đề cho quá trình tiến hóa của loài người.
26 năm trước, các nhà khoa học đã phát hiện thấy dấu tích kim loại Iridi có niên đại từ kỷ phấn trắng, mở ra giả thuyết về việc một khối thiên thạch cực lớn đã đâm vào Trái đất và để lại dấu tích kim loại này trên ở đây. Iridi là loại kim loại hiếm trên trái đất nhưng lại rất sẵn có ở thiên thạch. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Gerta Keller thuộc Đại học Princeton đã đưa ra giả thuyết cho rằng hố thiên thạch Chicxulub được hình thành từ 300.000 năm trước đây, do đó không thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Giáo sư MacLeod đã cho lấy mẫu đá ở độ sâu hơn nhiều so với mẫu đá của nhóm nghiên cứu Gerta Keller vì cho rằng các mẫu đá lấy ở các vị trí quá nông (tính từ mặt hố thiên thạch) có thể không cho kết quả nghiên cứu chính xác do đã bị thay đổi bởi các sự cố xảy ra ngay sau cú va chạm nói trên, ví dụ như sóng thần, động đất và lở đất.
Các nhà khoa học trong nhóm MacLeod đã lấy mẫu đá ở tầng lộ, tức là không có gì ở trên hay dưới, vì cho rằng như vậy tức là các mẫu đá này không hề bị một tác động nào khác.
Đặng Lê
Theo Reuters