1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sắp có một Syria hoàn toàn khác?

Từ 0 giờ ngày 5-5, một lệnh ngừng bắn tạm thời được thiết lập ở thành phố Aleppo và vùng phụ cận dưới sự bảo lãnh của Mỹ và Nga, các nước “bảo lãnh” cho những phe phái đối nghịch ở Syria. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy cục diện Syria sẽ thay đổi trong những ngày tới bởi lẽ dường như các cường quốc đã thỏa thuận được điều gì đó.

Mới tuần trước, Mỹ và Nga còn rất căng thẳng với nhau về vấn đề Syria. Ngày 29-4, Ngoại trưởng John Kerry đã nói chuyện qua điện thoại rất lâu với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về tương lai của tiến trình hòa giải ở Syria. Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Moskva hãy tạo thêm áp lực lên chính quyền Damas cũng như đồng minh của họ là ngưng, hay ít nhất là giới hạn các cuộc tấn công ở Aleppo.

Bất chấp lệnh ngừng bắn, một vụ đánh bom liều chết ở thành phố Homs, phía Tây Syria hôm 5-5 đã làm ít nhất 6 người chết, 28 người bị thương.
Bất chấp lệnh ngừng bắn, một vụ đánh bom liều chết ở thành phố Homs, phía Tây Syria hôm 5-5 đã làm ít nhất 6 người chết, 28 người bị thương.

Mặc dù Ngoại trưởng Lavrov không đáp ứng ngay yêu cầu của đồng nghiệp Mỹ nhưng Nga đã có câu trả lời chính thức. Nga sẽ không yêu cầu chính quyền Damas ngừng oanh kích thành phố Aleppo, hiện đang là chiến trường chính tại Syria. Trong buổi phỏng vấn với hãng tin Nga Interfax ngày 30/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Guennadi Gatilov khẳng định: “Không, chúng tôi sẽ không gây sức ép (với chế độ Damas để ngừng tấn công) vì cần phải hiểu đây là một cuộc chiến chống mối đe dọa khủng bố”.

Ngày 1-5, ông Kerry đến Thụy Sĩ để thảo luận với đặc sứ LHQ về Syria Staffan de Mistura, và Ngoại trưởng Arập Xêút Adel al-Jubeir cùng Ngoại trưởng Jordan Nasser Judeh, rồi trở về Washington hôm 2-5. Hôm đó, ông Lavrov đã không xuất hiện tại Geneva.

Qua ngày hôm sau, ông Staffan de Mistura tức tốc bay sang Nga gặp Ngoại trưởng Lavrov để bàn về vấn đề Syria. Sau khi trở về từ Moskva, ông de Mistura bay thẳng sang Berlin chiều 4-5 để gặp gỡ các ngoại trưởng Đức, Pháp và điều phối viên đối lập Syria, ông Riad Hijab. Sau cuộc gặp này, Hội đồng Bảo an LHQ họp lại tại New York theo yêu cầu của Pháp và Anh để thảo luận về tình hình thành phố Aleppo ở miền bắc Syria.

Sau các cuộc gặp liên tiếp, dường như Nga và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận bí mật nào đó. Tại cuộc nói chuyện với ông de Mistura ở Moskva hôm 3-5, ông Lavrov cho biết một thỏa thuận ngừng bắn có thể đạt được “trong tương lai gần nhất, thậm chí là trong những giờ tới” tại Syria.

Sau cuộc họp khẩn với đại diện Liên Hiệp Quốc tại Syria và Ngoại trưởng Nga ở Moskva hôm 3-5, Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đưa ra tối hậu thư cho Tổng thống Bashar al-Assad và những lực lượng ủng hộ ông ở Moskva và Tehran. “Thời hạn cho sự chuyển tiếp chính trị của Syria là ngày 1-8. Bây giờ đã bắt đầu tháng 5. Vì vậy, hoặc là có chuyện gì đó xảy ra trong vài tháng tới hoặc họ (lực lượng Chính phủ Syria) yêu cầu một hướng đi khác”, ông Kerry nói với các nhà báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ, theo AP ngày 4-5.

“Nếu ông Assad không thực hiện được điều này, sẽ có những hậu quả khôn lường, mà một trong số những hậu quả đó là sự sụp đổ hoàn toàn của thỏa thuận ngừng bắn và khi đó Syria sẽ quay trở lại với cuộc nội chiến đã kéo dài 5 năm qua. Tôi không nghĩ Nga muốn điều này” - ông Kerry cảnh báo.

Sắp có một Syria hoàn toàn khác? - 2

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura tại Moskva, ngày 3-5.

Theo ông Kerry, kế hoạch đang thực hiện ở Syria là làm sao đảm bảo một lệnh ngừng bắn có thể kéo lâu dài hơn và cố gắng tách các lực lượng đối lập khỏi dân quân - lực lượng không bị chi phối bởi thỏa thuận ngừng bắn và khó bị kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định Mỹ sẽ không chấp nhận một sự chuyển đổi ở Syria với sự ở lại của ông Assad.

“Nếu chiến lược của Assad là tìm cách cắt một phần Aleppo hay một phần đất nước, thì tôi tin chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc ở Syria”, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố. Ông Kerry nhấn mạnh: “Chừng nào ông Assad còn tại vị thì phe đối lập sẽ tiếp tục chiến đấu với lực lượng của ông ta, bằng cách này hay cách khác”.

Trong một tuyên bố hoàn toàn gây bất ngờ khác, ngày 4-5, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói Tổng thống Syria Assad không phải đồng minh của Moskva. Ông Lavrov khẳng định, Nga ủng hộ Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng vị này không phải là đồng minh như trường hợp Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ông Lavrov phủ nhận nguồn tin của báo Debka (Israel) cho rằng Nga đã đồng ý thảo luận với Mỹ về việc “loại bỏ” ông Assad khỏi “cuộc chơi” ở Syria.

Một chuyển động khác đáng chú ý là trong ngày 4-5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, khoảng 30 chiếc máy bay cường kích Su-25 của không quân nước này đã được rút khỏi các căn cứ ở Syria về nước.

Xâu chuỗi những thông tin trên, trang tin Debka của Israel cho rằng, Nga đã đồng ý thảo luận với Mỹ về việc “loại bỏ” ông Assad khỏi “sân chơi” ở Syria. Không những thế, trang tin này còn cho rằng, Moskva chấp nhận khởi động đàm phán về tương lai của các tướng lĩnh quân đội Syria - những người đang chỉ huy cuộc chiến chống quân nổi dậy. Một danh sách các nhân vật đã được lập ra, xem ai là người buộc phải ra đi, ai là người tại vị.

Một trong những tín hiệu rõ ràng nhất liên quan đến tiến trình này chính là việc hầu như toàn bộ các thủ lĩnh chiến trường thuộc phe đối lập tại Syria đã tụ hợp ở Sở chỉ huy tác chiến Mỹ đặc trách chống khủng bố đặt tại Amman/Jordan, có sự tham gia của đại diện đến từ Mỹ, Jordan, Saudi Arabia. Cuộc gặp kéo dài trong 2 ngày (2-3/5) là kết quả từ hàng loạt các cuộc tiếp xúc ở Geneva trong những ngày gần đây giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu ba nước Mỹ, Arập Xê út và Jordan.

Các nguồn tin của Debka nói rằng, quan chức cấp cao của Mỹ phụ trách chiến lược của Nhà Trắng về tình hình Syria đã cung cấp cho thủ lĩnh phe nổi dậy hàng loạt những “thỏa thuận” đạt được giữa Washington và Moskva về cách thức chấm dứt cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này. Một trong những điểm chính yếu nhất là việc ông Assad thoái vị và cùng với gia đình rời khỏi Syria - vốn là yêu sách hàng đầu mà phe đối lập đặt điều kiện để tiếp tục tham gia các cuộc hòa đàm.

Tại các cuộc tiếp xúc, giới chức Mỹ cũng yêu cầu giới chóp bu phe nổi dậy cùng với quan chức Arập Xêút, Jordan hỗ trợ thúc đẩy việc thực thi các giải pháp đã đạt được (với phía Nga), không có hành động can thiệp mang tính cản phá, nói cách khác là ngừng các cuộc giao tranh.

Theo một số nhà quan sát, hòa bình cho Syria không khó nếu một khi các cường quốc, nhất là Nga và Mỹ đã thống nhất chia sẻ lợi ích được với nhau. Những lợi ích đó là gì thì còn phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết được.

Thật ra thì không phải Nga, Mỹ muốn bắt tay nhau để chia sẻ quyền lợi bất chấp đồng minh khu vực. Theo chuyên gia địa chính trị Nga Fyodor Lukiakov, Tổng biên tập Tạp chí Nga trong chính sách toàn cầu và cũng là Chủ tịch Ủy ban Chính sách ngoại giao và quốc phòng thì 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga và Mỹ đều nhận thấy chỉ có họ mới hợp tác được với nhau như thời còn Liên Xô cũ. Đây là “trật tự mới” của thế giới hiện nay. Các nước khác, hoặc không muốn hoặc không đủ sức làm.

Theo M.Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới