1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sao chổi thế kỷ chưa “chết”?

(Dân trí) - Sao chổi Ison, vốn mang biệt danh “sao chổi thế kỷ”, được cho đã là bị đốt cháy khi bay gần mặt trời vào sáng sớm nay 29/11. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn hi vọng rằng sao chổi Ison, hoặc một phần của nó, có thể sống sót sau cuộc “chạm trán” này.

Sao chổi Ison rực sáng hôm 8/11.
Sao chổi Ison rực sáng hôm 8/11.
 
Ban đầu, sao chổi Ison được tuyên bố là đã tan biến khi nó bay qua mặt trời ở khoảng cách quá gần - khoảng 1,2 triệu km. Sức nóng tỏa ra từ mặt trời với nhiệt độ lên tới trên 2.000 độ C được cho là đã thiêu đốt sao chổi Ison.

Tất cả những gì có thể được nhìn thấy sau khi Ison tiếp cận gần mặt trời là một vết mờ trong các bức ảnh chụp bằng kính thiên văn. Các nhà khoa học cho rằng phần nhân và đuôi của nó đã bị thiêu đốt.

Nhưng các bức ảnh chụp sau đó cho thấy một đốm sáng, có thể là một phần nhỏ của sao chổi Ison. Các nhà thiên văn học tỏ ra ngạc nhiên và vui mừng trước thông tin này, và thận trọng cho rằng bất kỳ điều gì có thể xảy ra trong thời gian tới.

Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA), một trong những nơi đầu tiên thông báo về cái chết của Ison, cũng đã phải đánh giá lại tình hình. Một phần nhỏ của nhân sao chổi có thể vẫn nguyên vẹn, các chuyên gia của ESA cho hay.

Tuy nhiên, bao nhiêu phần của sao chổi Ison, từng có đường kính khoảng 2 km, sống sót sau khi tiếp cận gần mặt trời là điều chưa thể kết luận.

Sao chổi Ison được các nhà thiên văn Nga phát hiện vào tháng 9/2012 và kể từ đó đã thu hút sự chú ý của giới thiên văn. Khi tiến lại gần mặt trời, độ sáng của nó được dự đoán là sánh ngang trăng rằm, thậm chí nhìn thấy rõ vào ban ngày, vì vậy nó được mệnh danh là "sao chổi của thế kỷ".
 
Video sao chổi Ison biến mất khi "chạm trán" với mặt trời:
 
 
An Bình
Theo BBC