1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rumani và Bungari chính thức gia nhập EU

(Dân trí) – Rumani và Bungari đã tổ chức ăn mừng việc chính thức gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào đúng đêm giao thừa đón năm mới 2007 với nhạc rock và những điệu nhảy truyền thống.

Như vậy là từ ngày 1/1/2007, EU sẽ chính thức có 27 quốc gia thành viên với tổng dân số khoảng nửa tỷ người. Cách đây 3 năm, EU mới chỉ có 15 thành viên.

 

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã tham gia vào một điệu nhảy vòng tròn truyền thống ở Bucharest, thủ đô của Rumani và Chủ tịch EU Jose Manuel Barroso có một bài diễn văn tại thủ đô Sofia của Bungari.

 

Các hoạt động ăn mừng sự kiện trong đại này diễn ra rất sôi nổi ở Rumani. Lá cờ EU được kéo lên ở bên ngoài các cơ quan chính phủ ở thủ đô Bucharest. Bài hát EU và bản nhạc Ode to Joy (Ca ngợi niềm vui) của thiên tài Beethoven được mở lớn.

 

Chủ tịch nghị viện và các quan chức khác của EU cùng đứng ngắm nhìn pháo hoa thắp sáng bầu trời đêm.

 

Thủ tướng Calin Tariceanu nói đây là thời khắc mà người Rumani đã mong chờ từ nhiều năm nay. Tổng thống Traian Basescu cảm ơn sự nỗ lực của tất cả người dân Rumani và sự ủng hộ của các nước thành viên EU.

 

Trong khi đó, ở thủ đô Sofia của Bungari, một kim tự tháp kết bằng ánh sáng rực rỡ trên nền trời đêm, với các chùm sáng phát ra từ nhà thờ Chính thống giáo của thành phố, nhà thờ của người Armenia, một giáo đường Do thái, một nhà thờ Hồi giáo và một nhà thờ khác.

 

Mừng mà lo…

 

Sự gia nhập của 2 thành viên mới đến vào đúng thời điểm mà các quốc gia thành viên EU đang giảm nhiệt tình với việc mở rộng khối kinh tế chính trị này.

 

Kết quả một cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến gần đây cho thấy chỉ có 41% người dân của 15 nước thành viên EU từ trước năm 2004 ủng hộ việc tiếp tục mở rộng khối này.

 

Hai nước thành viên mới được kết nạp sẽ bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo những bước tiến mới trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

 

Rumani và Bungari sẽ bị cấm xuất khẩu một số mặt hàng thực phẩm. Thêm vào đó, 55 chiếc máy bay của Bungari có thể sẽ không được cất cánh nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn của EU.

 

Đã có một số lo ngại về việc tiền trợ giúp của EU không được sử dụng đúng mục đích hay việc 2 nước thành viên mới không đủ năng lực cạnh tranh với các thành viên còn lại của EU một khi các rào cản thương mại đã bị hạ thấp hoặc dỡ bỏ.

 

Còn một mối lo ngại nữa là Bungari và Rumani là 2 nước nghèo hơn tất cả các thành viên còn lại, với GDP bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 33% mức trung bình của EU.

 

Do đó, người ta lo ngại rằng sẽ có một làn sóng người nhập cư mới đổ vào các nước Tây Âu phát triển hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo của 2 nước khẳng định rằng hầu hết những người muốn ra nước ngoài làm việc thì cũng đã rời tổ quốc.

 

Hầu như tất cả 15 nước thành viên cũ của EU (trừ Phần Lan và Thụy Điển) đều đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn làn sóng người lao động nhập cư từ 2 nước thành viên mới.

 

Trong khi đó, 10 nước thành viên mới (kết nạp vào năm 2004) tuyên bố sẽ không áp dụng biện pháp hạn chế nào.

 

Bungari đã đóng cửa 2 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Kozloduy vài giờ trước khi chính thức gia nhập EU. Đây là một trong những điều kiện cuối cùng để được trở thành thành viên của khối kinh tế này.

 

Cũng vào ngày 1/1/2007, Slovenia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong số 10 thành viên mới gia nhập EU vào năm 2004 chính thức sử dụng đồng tiền châu Âu - euro. Đồng nội tệ của Slovenia sẽ vẫn được sử dụng song song trong vòng 14 ngày.

 

Đặng Lê

Theo BBC