1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Rò rỉ tài liệu mật tàu ngầm lớp Scorpene: Lỗi ở Pháp

Việc rò rỉ các thông tin dữ liệu tàu ngầm lớp Scorpene (Bọ Cạp) đã xảy ra tại văn phòng của Tập đoàn DCNS ở Pháp.

Ngày 17/9, Tư lệnh hải quân Ấn Độ Sunil Lanba cho biết vụ rò rỉ lớn các số liệu kỹ thuật bí mật của tàu ngầm lớp Scorpene không phải ở Ấn Độ mà ở Pháp.

Hãng thông tấn PTI dẫn lời Tư lệnh Lanba khẳng định: "Cuộc điều tra sơ bộ về vụ việc phát hiện rằng vụ rò rỉ đã không xảy ra ở Ấn Độ mà xảy ra tại văn phòng của Tập đoàn DCNS ở Pháp".

Ông nêu rõ: "Tại Pháp, DCNS và Chính phủ Pháp đã triển khai một cuộc điều tra. Căn cứ vào cuộc điều tra này, chúng tôi sẽ xem xét cần phải làm gì".

Khoảng 22.400 trang tài liệu mật ghi rõ chi tiết về các khả năng chiến đấu của tàu ngầm lớp Scorpene do nhà thầu quốc phòng Pháp DCNS sản xuất cho hải quân Ấn Độ đã bị rò rỉ cho một tờ báo của Australia hồi tháng 8 vừa qua.

Một trang dữ liệu về tàu ngầm Scorpene. Ảnh: NDTV
Một trang dữ liệu về tàu ngầm Scorpene. Ảnh: NDTV

DCNS bóng gió rằng vụ rò rỉ này có thể xuất phát từ Ấn Độ.

“Đây không phải là rò rỉ mà là một vụ ăn trộm”, Reuters ngày 24/8 đã dẫn lời một quan chức chính phủ Pháp bình luận về vụ việc này.

Song các phát hiện ban đầu trong cuộc điều tra cấp cao do New Delhi tiến hành lại cho thấy kết quả ngược lại. Ấn Độ cũng trấn an rằng vụ rò rỉ không gây tổn hại đến an ninh nước này bởi những thông tin nhạy cảm nhất đã được giữ kín.

Vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm liên quan đến thiết kế tàu ngầm Scorpene của DCNS đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về tình trạng bảo mật của tập đoàn này. Liệu tập đoàn của Pháp có giữ được bí mật các thông số kỹ thuật của Scorpene hay không, trong khi Bắc Kinh luôn quan tâm đến khả năng của tàu ngầm này?

Nhiều quốc gia khác đang đặt tàu Scorpene của Pháp, như Chile, Malaysia và Brazil, cũng lo ngại trước sự kiện đánh cắp thông tin trên.

Tập đoàn DCNS hiện đang cạnh tranh để giành được các hợp đồng đóng tàu ngầm cho Ba Lan và Na Uy. Theo nhận định của ông Gaudez, phát ngôn viên của DCNS, "vấn đề cạnh tranh ngày càng trở nên khó khăn và đánh cắp thông tin có thể là phương thức được sử dụng".

Âm mưu sau vụ đánh cắp tin bảo mật: Cuộc chiến tàu ngầm

Dẫu vậy, đài RFI (Pháp) cho rằng, vụ rò rỉ dữ liệu liên quan đến thế hệ tàu ngầm mới của Ấn Độ đã cho thấy rõ hơn cuộc chiến tàu ngầm đang trở thành trọng tâm trong cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, ngay sau vụ việc này được phát giác, New Delhi ngay lập tức yêu cầu chính quyền Pháp điều tra vì sao một nhà sản xuất nổi tiếng như DCNS lại có thể để mất các dữ liệu trên.

Chính quyền Australia - quốc gia vừa chọn tập đoàn của Pháp để đóng thế hệ tàu ngầm mới - cũng nhanh chóng lên tiếng cảnh báo nhà thầu Pháp tăng cường an ninh bảo mật.

Hình ảnh tàu ngầm lớp Scorpene. Ảnh: Sputnik
Hình ảnh tàu ngầm lớp Scorpene. Ảnh: Sputnik

Những phản ứng gay gắt trên cho thấy vị trí quan trọng của tàu ngầm trong cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á.

Thông qua tàu ngầm, các quốc gia đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển quân sự của Trung Quốc muốn gửi một tín hiệu rằng: Họ không khoanh tay đứng nhìn những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh qua các biện pháp cưỡng chế và đơn phương hành động, đặc biệt là ở Biển Đông.

Theo nhận định của ông Bryan Clark, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, mặc dù Trung Quốc chi hàng tỷ USD để nâng cấp mọi mặt của quân đội (từ chiến đấu cơ đến tàu khu trục) nhưng khả năng chiến đấu chống tàu ngầm của họ thì lại ì ạch. Và kẽ hở này đã để mở một chiến lược cho các đối thủ của Trung Quốc.

Một cựu thành viên Hải Quân Mỹ, đồng thời là cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực tàu ngầm cũng nhận định: "Các nước này thật sự thấy tàu ngầm là yếu tố quan trọng cho đội tàu của họ".

Chính vì vậy, tiết lộ về vụ rò rỉ dữ liệu thiết kế của tàu ngầm Scorpene khiến cả 2 khách hàng của tập đoàn Pháp DCNS (Ấn Độ và Australia) lo sợ vì những tài liệu trên chứa rất nhiều thông tin vô cùng quan trọng, như thời gian lặn, các loại ngư lôi và mọi kiểu tiếng ồn trong thời gian vận hành dưới nước.

Cuộc chạy đua tàu ngầm xuất phát từ việc Bắc Kinh ngăn cản đối thủ của mình thâm nhập vào các vùng biển bằng hệ thống tên lửa và căn cứ hải quân. Các giàn radar hùng hậu của Trung Quốc càng khiến các đội tàu của Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia khác tăng cường tuần tra tại Tây Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn triển khai vài chục hệ thống tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu cách bờ biển nước này hàng trăm dặm.

Clip hạ thủy tàu ngầm Scorpene (Bọ Cạp) của Ấn Độ:

Theo Đông Phong (Tổng hợp)

Đất Việt