1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rác thải nhựa đe dọa các vùng biển Việt Nam

(Dân trí) - Rác thải nhựa đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Điều này đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng nhằm duy trì tài nguyên quý giá này.


Tiến sĩ Margaret Leinen tại hội thảo ngày 7/5 (Ảnh: Minh Phương)

Tiến sĩ Margaret Leinen tại hội thảo ngày 7/5 (Ảnh: Minh Phương)

Tại hội thảo về đại dương và ô nhiễm nhựa do Đại sứ quán Mỹ tổ chức chiều 7/5 tại Hà Nội, Phái viên Hoa Kỳ phụ trách khoa học, Tiến sĩ Margaret Leinen, cùng với nhiều học giả, chuyên gia khác đã có những trình bày thiết thực về thực trạng môi trường biển quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng trước mối đe dọa từ rác thải nhựa.

Trong khi đại dương tiếp tục phải đối mặt với những mối đe dọa từ rác thải nhựa, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tính đến năm 2017, các khu bảo tồn biển chỉ chiếm 6% diện tích đại dương trên thế giới, và hướng tới mục tiêu 10% vào năm 2020 và ít nhất 30% vào năm 2030.

Các vùng biển ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa. Một nghiên cứu của Đại học Georgia năm 2015 cho thấy Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới với việc xả thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Về lượng rác thải nói chung, năm 2015, rác thải ở các vùng biển và ven biển của Việt Nam là hơn 14 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 60% rác thải toàn quốc.

Trước thực trạng đáng báo động này, các tổ chức, cơ quan đoàn thể đã đưa ra nhiều sáng kiến, hành động mang tính chất cả cá nhân và cộng đồng với tiêu chí 3R hoặc 5R: Refuse (Nói không với rác thải nhựa), Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế), Redesign (tái thiết kế theo mô hình sản xuất xanh).

Tiến sĩ Leinen cho biết, các tổ chức phi chính phủ sẽ là một trong những nguồn lực đáng kể để phát động các chiến dịch làm trong sạch đại dương. Tại hội thảo, đại diện của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, cho biết WWF sẽ bắt đầu các chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển tại Phú Quốc từ tháng 5 này. Theo đó, chương trình của WWF sẽ có sự tương tác với người dân, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hoạt động tại đây.


Đại diện của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, trao đổi tại hội thảo (Ảnh: Minh Phương)

Đại diện của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, trao đổi tại hội thảo (Ảnh: Minh Phương)


Đông đảo các bạn trẻ tham gia buổi trao đổi về mối nguy hiểm của rác thải nhựa đối với môi trường (Ảnh: Minh Phương)

Đông đảo các bạn trẻ tham gia buổi trao đổi về mối nguy hiểm của rác thải nhựa đối với môi trường (Ảnh: Minh Phương)

Minh Phương