1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quyết định dừng tập trận: Cuộc chơi rủi ro của liên minh Mỹ - Hàn

(Dân trí) - Mỹ và Hàn Quốc hy vọng có thể sử dụng “quân bài” dừng tập trận chung để thuyết phục Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, đây có thể là một cuộc chơi rủi ro của liên minh Washington - Seoul.

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung tại bờ biển Pohang, Hàn Quốc năm 2016 (Ảnh: AP)
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung tại bờ biển Pohang, Hàn Quốc năm 2016 (Ảnh: AP)

Giới chức Mỹ và Hàn Quốc hy vọng việc hai nước dừng các cuộc tập trận quân sự chung có thể giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định đây là một cuộc chơi liều lĩnh. Nếu các cuộc đàm phán giữa các bên không suôn sẻ và buộc liên minh Mỹ - Hàn phải nối lại các cuộc tập trận, điều đó sẽ chọc giận Triều Tiên và gây ra cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng.

Quyết định hủy tập trận quân sự được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 12/6 tại Singapore. Lầu Năm Góc sau đó đã chính thức thông báo quyết định này. Cùng lúc, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận dừng cuộc tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi (UFG) với Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới. UFG là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của liên minh Mỹ - Hàn, bao gồm chủ yếu các bài tập tác chiến mô phỏng trên máy tính.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore, Tổng thống Trump nói rằng các cuộc tập trận là hành động “khiêu khích” và việc dừng tập trận “sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được một khoản tiền lớn”. Quyết định này của Tổng thống Trump dường như được đưa ra khi chưa tham khảo ý kiến của Hàn Quốc hay Lầu Năm Góc và khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt là những ai vẫn tin rằng các cuộc tập trận là trụ cột trung tâm trong liên minh quân sự kéo dài 7 thập niên giữa Mỹ và Hàn Quốc từ thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quân sự chung nhằm giảm nhiệt căng thẳng với Triều Tiên và thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bắt đầu từ thập niên 1990, liên minh Mỹ - Hàn đã dừng cuộc tập trận mùa xuân lớn nhất khi đó là Tinh thần Đồng đội. Triều Tiên sau đó đã đóng băng các cơ sở hạt nhân của nước này theo một thỏa thuận giải giáp vũ khí mà nay đã sụp đổ. Cuộc tập trận này cho đến nay vẫn chưa được nối lại.

“Tháo rời bánh xe liên minh”

Lực lượng Mỹ - Hàn làm việc trong phòng kiểm soát không lưu trong cuộc tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi ở căn cứ Osan, Hàn Quốc năm 2015 (Ảnh: Stripes)
Lực lượng Mỹ - Hàn làm việc trong phòng kiểm soát không lưu trong cuộc tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi ở căn cứ Osan, Hàn Quốc năm 2015 (Ảnh: Stripes)

Nhà bình luận quân sự Hàn Quốc Lee Illwoo mô tả việc Mỹ - Hàn dừng tập trận là “tạm thời tháo rời bánh xe liên minh”. Trong khi đó, các chuyên gia khác nhất trí rằng việc dừng tập trận quân sự chung sẽ làm suy yếu, hoặc ít nhất là tạm thời làm suy yếu, thế phòng thủ của liên minh Mỹ - Hàn trước Triều Tiên, đồng thời tạo ra những lỗ hổng trong năng lực răn đe phối hợp.

Theo lập trường của Mỹ và Hàn Quốc, việc dừng tập trận là biện pháp trước mắt để kéo dài bầu không khí hòa hoãn đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời làm tăng cơ hội thành công của các cuộc đàm phán ngoại giao về hạt nhân với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên không đáp lại thiện chí của Mỹ - Hàn bằng các bước đi nghiêm túc, hai nước đồng minh có thể sẽ buộc phải nối lại các cuộc tập trận. Điều này chắc chắn sẽ khiến Triều Tiên nổi giận vì Bình Nhưỡng vẫn luôn xem các cuộc tập trận là hành động chuẩn bị cho kịch bản xâm lược Triều Tiên.

“Việc dừng tập trận là hành động nguy hiểm vì nó tạo ra lỗ hổng trong an ninh quốc gia. Tuy nhiên nối lại tập trận cũng gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn vì nó có thể dẫn đến sự phản kháng cực đoan hơn từ phía Triều Tiên”, chuyên gia Lee nhận định.

Người Bảo vệ Tự do Ulchi là một trong 3 cuộc tập trận quân sự chung lớn được liên minh Mỹ - Hàn tổ chức từ hàng chục năm nay nhằm tăng cường năng lực đối phó với nguy cơ xung đột từ Triều Tiên. Hai cuộc tập trận lớn còn lại được tổ chức vào mùa xuân, trong đó có một cuộc tập trận mô phỏng máy tính và một cuộc tập trận trên thực địa.

Xe tăng Hàn Quốc khai hỏa trong cuộc tập trận chung với Mỹ tại trường bắn Seungjin ở Pocheon, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Xe tăng Hàn Quốc khai hỏa trong cuộc tập trận chung với Mỹ tại trường bắn Seungjin ở Pocheon, Hàn Quốc năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Hàn Quốc và Mỹ vẫn thường tuyên bố rằng các cuộc tập trận chỉ đơn thuần mang mục đích phòng vệ. Tuy nhiên, chúng lại là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng đặt lực lượng quân sự với 1,1 triệu quân của nước này vào tình trạng báo động, đồng thời tiến hành các vụ thử vũ khí hoặc các cuộc tập trận quân sự tương tự để đáp trả.

Các chuyên gia cho rằng Mỹ và Hàn Quốc cần duy trì các cuộc tập trận thường kỳ để chuẩn bị cho các chỉ huy quân sự, những người được triển khai công tác luân phiên, khả năng phối hợp hiệu quả trong các tình huống khủng hoảng nhằm đáp trả các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Triều Tiên cũng như thích nghi với sự thay đổi trong việc triển khai các khí tài chiến lược của Mỹ.

“Không thể phủ nhận rằng vấn đề liên quan tới lỗ hổng an ninh vẫn tồn tại và liên minh Mỹ - Hàn cần chuẩn bị để tiếp tục nối lại các cuộc tập trận trong trường hợp Triều Tiên không có những bước đi thực sự để phi hạt nhân hóa”, Yeol Soo Kim, nhà phân tích cấp cao tại Viện Các vấn đề quân sự tại Hàn Quốc, nhận định.

Theo chuyên gia Kim, để chứng minh quyết định dừng tập trận là hợp lý, Mỹ cần thuyết phục Triều Tiên “đáp lễ” bằng những bước đi cụ thể, từ đó thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa. Những động thái của Bình Nhưỡng có thể bao gồm việc thống nhất về lộ trình phi hạt nhân hóa, các biện pháp xác minh cam kết phi hạt nhân hóa cũng như từ bỏ các vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Các chuyên gia cho rằng quyết định dừng tập trận dường như là nhượng bộ duy nhất mà Tổng thống Trump có thể trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào thời điểm ông Kim Jong-un vẫn đang mơ hồ trước cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”. Ngoài dừng tập trận, Bình Nhưỡng cũng đang chờ đợi những nhượng bộ khác từ phía Washington như nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và giảm số lượng quân Mỹ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không thể trao cho Triều Tiên những “phần thưởng” này nếu Bình Nhưỡng không có những bước đi cụ thể trên con đường phi hạt nhân hóa.

“Ông Trump không có nhiều quân bài đàm phán trong tay”, Yang Uk, chuyên gia từ Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định.

Thành Đạt

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm