“Quyền lực mềm” trong chiến dịch tại Libya
(Dân trí) - Cuộc họp tại London ngày 29/3 đã cho thấy phần “quyền lực mềm” của chiến dịch ở Libya. Lãnh đạo các nước Ả rập, châu Âu và Mỹ đã thảo luận về một tương lai hậu Gadhafi và thiết lập một “nhóm liên lạc”, chỉ đạo chính trị cho chiến dịch.
Họ đã đưa ra một “tầm nhìn mới” cho tương lai của Libya, mà theo Thủ tướng nước chủ nhà Anh David Cameron, đó là “một khởi đầu mới”. Bản thân Thủ tướng Anh đã nói về một “tiến trình chính trị” và một hiến pháp mới, trong trường hợp ông Gadhafi quyết định ra đi.
Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh thành tích mà nỗ lực quốc tế đạt được tại Libya, sau 12 ngày “hành động”. Bà cho hay một lệnh ngừng bắn chỉ có thể đạt được “khi các điều kiện nhân đạo được đáp ứng”. Bà cũng cho biết thêm, theo cách hiểu của bà, thì Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hoàn toàn cho phép các nước bên ngoài cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Song bà khẳng định một quyết định như thế đến nay vẫn chưa được đưa ra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cũng cho biết Pháp đã “sẵn sàng thảo luận” về việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy.
Cuộc họp tại London đã công bố sự ra đời của một “nhóm liên lạc”, nhằm điều hành cách hoạt động của liên quân và tư vấn cho người Libya giao chiến trên bộ. Nhóm chính trị này gồm đại diện của 15 quốc gia, Liên hợp quốc, Liên đoàn Ảrập, các quan chức Hồi giáo, EU và Liên minh châu Phi, nhằm “cung cấp một trung tâm...để liên lạc với các bên ở Libya”.
Qatar, một trong 2 đối tác Ảrập trong liên minh, sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của “nhóm liên lạc”. Tại London, Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jabor al-Thani đã hối thúc ông Gadhafi ra đi và cho rằng đó là “giải pháp duy nhất”. Đó là “giây phút buồn, song là hi vọng cho tương lai”, nhà lãnh đạo Qatar cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người đồng cấp Anh William Hague đã gặp lãnh đạo phe đối lập của Libya Mahmoud Jabril bên lề hội nghị, mặc dù không có bức ảnh nào về sự kiện được công bố. Chủ đề được xem là “nhạy cảm” bởi giới chức Mỹ mới chỉ bắt đầu gặp gỡ và tìm hiểu mục đích của ban lãnh đạo phe đối lập Libya.
Bà Clinton cho hay quan điểm về chính trị, xã hội dân sự của ông Jabril “hoàn toàn giống với những gì mà phe đối lập đã nêu”. Nhưng bà cho biết thêm cho đến tận những ngày gần đây, họ “không có bất kỳ thông tin cụ thể nào” về cái gọi là hội đồng lâm thời, hiện được tập trung chủ yếu ở thành phố Benghazi, miền đông Libya. “Chúng ta vẫn phải tìm hiểu để biết thêm về những người đang lãnh đạo” cuộc chuyển giao.
Phan Anh
Theo CSmonitor