1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quốc vương Bỉ chấp nhận chính phủ từ chức

(Dân trí) - Quốc vương Bỉ ngày 26/4 đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ sau khi các cuộc đàm phán cuối cùng không giải quyết được bất đồng âm ỉ từ lâu giữa những chính trị gia nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan.

 
Quốc vương Bỉ chấp nhận chính phủ từ chức - 1
Trước đây ông Leterme đã hai lần đệ đơn từ chức lên Quốc vương Bỉ.

 

Quốc vương Albert II đã đợi từ tuần trước để xem các cuộc đàm phán “vớt vát” có thể giữ được chính phủ liên minh của Thủ tướng Yves Leterme hay không. Nhưng vào cuối ngày hôm qua, 26/4, bất đồng giữa các nhóm ngôn ngữ vẫn rất lớn.

 

“Tôi rất tiếc khi cuộc đối thoại cần thiết để đạt được một thỏa thuận không có kết quả nhưng chúng ta mong muốn”, Thủ tướng Leterme cho biết trong một tuyên bố.
 

Hoàng gia Bỉ cũng cho biết Quốc vương yêu cầu ông Leterme ở lại cho đến khi thành lập được một chính phủ mới.

 

Thủ tướng Leterme đã đệ đơn từ chức vào tuần trước sau khi đảng VLD Mở rộng rút khỏi liên minh trong chính phủ vì tranh cãi bấy lâu về quyền của người nói tiếng Pháp ở những khu vực nói tiếng Hà Lan quanh thủ đô Brussels. VLD Mở rộng là một chính đảng chủ chốt theo đường lối tự do của cộng đồng nói tiếng Hà Lan.

 

Đây là lần thứ ba ông Leterme đệ đơn từ chức kể từ tháng 7/2008.

 

Các nhà phân tích cho rằng bầu cử có thể sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, ngay trước khi Bỉ bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch EU kéo dài 6 tháng của mình.

 

Bất đồng giữa cộng đồng người nói tiếng Hà Lan chiếm đa số và người nói tiếng Pháp thiểu số đã nhiều lần đe dọa chính phủ Bỉ, nhưng giới phân tích nhận định cuộc khủng hoảng hiện tại rất đáng lo ngại. Đất nước 10,6 triệu dân vừa mới bước ra khỏi đường hầm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vì vậy bế tắc chính trị sẽ gây phương hại đến kinh tế Bỉ.
 
Sơ lược "cội nguồn" khiến chính phủ Bỉ sụp đổ
 

Chính phủ liên minh của ông Yves Leterme nhậm chức vào ngày 20/3/2008 sau một bế tắc chính trị liên quan đến cuộc tranh cãi về ngôn ngữ kéo dài kỷ lục 194 ngày.

 

Bất đồng về ngôn ngữ (xuất phát từ trong lịch sử) và khác biệt về kinh tế từ lâu đã thống trị chính trường Bỉ, với 6,5 triệu là người nói tiếng Hà Lan và 4 triệu người nói tiếng Pháp.

 

Bỉ được chia làm các vùng: vùng Flanders nói tiếng Hà Lan ở miền bắc, vùng Wallonia nói tiếng Pháp ở miền nam, và vùng song ngữ Brussels ở giữa. Sự thống trị về ngôn ngữ xác định ngôn ngữ được dùng trong mọi văn bản, từ các văn tự thế chấp, cho đến các biển hiệu giao thông, các lá phiếu và giấy ly hôn ở mỗi vùng.

 

Tuy nhiên vào năm 2003, Tòa án hiến pháp ra quyết định việc quận bầu cử Brussels-Halle-Vilvoorde dùng song ngữ là bất hợp pháp, do vi phạm quy định phân chia các khu vực nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan.

 

Quận bầu cử này gồm thủ đô Brussels, nơi chính thức sử dụng song ngữ, nhưng cũng bao gồm cả 20 thị trấn lẻ nói tiếng Hà Lan xung quanh thủ đô. Do vậy, các chính khách nói tiếng Hà Lan phàn nàn rằng quận Halle-Vilvoorde để tiếng Pháp trên lá phiếu để cử tri bỏ phiếu cho các đảng nói tiếng Pháp ở thủ đô. Cuộc tranh cãi này kéo dài, trở thành vấn đề lớn ở Bỉ. Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của ông Leterme với đảng Tự do và Xã hội đã định hạn chót giải quyết vấn đề bỏ phiếu của quận này vào tháng trước, nhưng thất bại, dẫn tới chính phủ sụp đổ.

 

Phan Anh

Theo AP, BBC