1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc hội Mỹ tán thành kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông

(Dân trí) - Hạ viện Mỹ ngày 6/3 đã biểu quyết tán thành việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông, sau khi diễn ra một cuộc tranh luận ngắn ngủi, trong đó không hề đề cập đến phản đối của Nga về kế hoạch này.

Trong một tuyên bố, Hạ viện Mỹ đã lên tiếng ủng hộ nghị quyết kêu gọi "kết nạp kịp thời" Anbani, Croatia, Macedonia và hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trước đây) là Grudia và Ucraina. Hạ nghị sỹ Dân chủ bang Tennessee, ông John Tanner, cho rằng mục đích của động thái này là nhằm khuyến khích năm quốc gia châu Âu nói trên gia nhập NATO. Hạ nghị sĩ Tanner nói: "Đó là tuyên bố chính thức của quốc hội và chúng tôi tin rằng điều mà chúng tôi đang làm rất quan trọng. Chúng tôi cũng tin rằng năm quốc gia này đang đi đúng hướng".

 

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp cho rằng nghị quyết trên chỉ là một sự bày tỏ ủng hộ thông thường của Mỹ đối với một loạt tham vọng của NATO trong tương lai. Trước đây, NATO đã mở rộng ở Đông Âu, thậm chí tiến sát các đường giới của Nga, khi một số nước cộng hòa tại khu vực Bantích gia nhập NATO vào năm 2004.

 

Ông Gary Schmitt, phụ trách các chương trình chiến lược tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington, cho rằng các nhà lập pháp Mỹ đã phát đi một thông điệp quan trọng. Ông nói: "Do những quyết đoán mới đây của Moscow, việc Quốc hội Mỹ tuyên bố tiếp tục ủng hộ kế hoạch mở rộng NATO là một động thái vô cùng quan trọng".

 

Ngày 6/3, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng đã phê chuẩn một nghị quyết liên quan tới việc kết nạp năm quốc gia Đông Âu nói trên vào NATO, bất chấp sự phản đối của Nga. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Richard Lugar nói: "Mục đích của nghị quyết này là nhằm khẳng định một lần nữa sự ủng hộ của Mỹ đối với kế hoạch mở rộng NATO tới những quốc gia dân chủ có khả năng và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn thành viên NATO... Tôi tin rằng việc năm quốc gia Đông Âu nói trên gia nhập NATO sẽ là một thành công của châu Âu, NATO và Mỹ, thông qua việc tiếp tục mở rộng khu vực hòa bình và an ninh".

 

Cuộc họp của Thượng viện Mỹ đã diễn ra bất chấp sự phản đối quyết liệt của Moscow đối với việc NATO bành trướng.

 

Hội đồng An ninh Quốc gia Nga ngày 5/3 cho biết họ đang soạn thảo một học thuyết quân sự quốc gia mới, trong đó có tính đến vai trò ngày càng tăng của các lực lượng vũ trang trên chính trường toàn cầu. Tuyên bố này dường như phản ánh những căng thăng ngày càng tăng trong các mối quan hệ của Nga với Mỹ, nước vốn chẳng mấy dễ chịu trước lời chỉ trích gay gắt của Moscow đối với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và thường bất đồng với Nga trong các cuộc khủng khoảng  toàn cầu.

 

Mặc dù không đề cập tới Mỹ, tuyên bố này đã ám chỉ việc NATO tăng cường sức mạnh như một trong những nhân tố chính trị toàn cầu để giải thích cho việc Nga cần phải điều chỉnh học thuyết quân sự. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Washington không lạm dụng sức mạnh quân sự trên toàn thế giới.

 

Tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho rằng những thay đổi địa chính trị và sự phát triển kinh tế của Nga kể từ khi thông qua học thuyết quân sự hiện nay (năm 2000) đòi hỏi một văn kiện mới, được sửa đổi. Tuyên bố có đoạn: "Một phân tích tình hình quốc tế cho thấy lực lượng quân sự đã trở nên ngày càng quan trọng trong chính sách của các nước lớn. Các cường quốc hàng đầu thế giới đang ngày càng quan tâm tới việc hiện đại hóa các lực lượng quân sự và nâng cấp vũ khí. Các phương pháp chiến tranh hiện đại đang được ráo riết thực hiện, cách thức sử dụng lực lượng đang được xem xét, thể thức hiện diện quân sự đang thay đổi và các liên minh quân sự, cụ thể là NATO, đang được tăng cường. Các lực lượng quân sự vẫn đang được sử dụng như một công cụ quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu chính trị và kinh tế".

 

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Yuri Baluyevsky đã nói rằng việc mở rộng về kinh tế, chính trị và sự hiện diện của Mỹ tại các khu vực truyền thống mà Nga vốn có ảnh hưởng đã trở thành nguy cơ an ninh quốc gia hàng đầu. Theo ông, nước Nga thậm chí hiện đang đối mặt với những nguy cơ quân sự lớn hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh và nước Nga cần có một học thuyết quân sự mới.

 

Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho biết những nỗ lực hiện đại hóa quân đội phụ thuộc vào phát triển kinh tế của đất nước - một sự ám chỉ rõ ràng tới sự phát triển kinh tế nhờ vào dầu lửa của Nga, điều đã cho phép Điện Cremlin tăng chi tiêu cho quốc phòng trong những năm qua.

 

Tháng trước, chính phủ Nga đã công bố một chương trình hiện đại hóa vũ khí đầy tham vọng trong giai đoạn 2007-2015 trị giá vào khoảng 5 nghìn tỷ rúp (190 tỷ USD).

                                                                       

N. S

Theo AFP, Reuters