1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc:

Quan tham ngã ngựa, con cháu nối gót vào tù

Người xưa vẫn nói “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nhưng khi người làm quan rớt đài vì tham nhũng thì họ hàng cũng bị liên đới.

Dư luận Trung Quốc nhiều tháng nay đang bàn luận sôi nổi chuyện có tới 14 thành viên trong gia đình của nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc Tô Vinh đang bị điều tra về vấn đề tham nhũng hủ bại.

Rể quý "thả dù" thăng chức vù vù

Theo Tân Hoa xã ngày 19/2, Hội nghị Ban thường vụ đã phê chuẩn quyết định của tỉnh ủy Hồ Nam về việc khai trừ đảng tịch đối với Trình Đan Phong, nguyên Ủy viên Thường vụ (UVTV) thành ủy, Phó thị trưởng thành phố Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc).

Trình Đan Phong, rể quý của Tô Vinh
Trình Đan Phong, 'rể quý' của Tô Vinh

Phong đã “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, móc nối với người khác đối kháng tổ chức thẩm tra; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm khiết, hoạt động kinh doanh kiếm lợi trái quy định, lợi dụng chức quyền, địa vị của bố vợ là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây Tô Vinh làm điều kiện thuận lợi để giúp người khác mưu lợi rồi nhận hối lộ tiền vật số lượng cực lớn, hành vi này đã cấu thành vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội…”.

Cơ quan chức năng đã chuyển hồ sơ và manh mối phạm tội của Phong sang cơ quan tư pháp để điều tra xử lý theo pháp luật. Báo chí Trung Quốc cho biết, Trình Đan Phong là người thứ 14 trong gia tộc Tô Vinh bị điều tra.

Trước đó, Trình Đan Phong bị đình chỉ chức vụ, tạm giữ để điều tra về “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” từ ngày 17/11/2015. Ngày 2/2/2016, Viện Kiểm sát tỉnh Hồ Nam đã quyết định bắt giam Phong để hoàn chỉnh hồ sơ, chuyển tòa án xét xử về tội nhận hối lộ. Phong quê ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), sinh năm 1970, tốt nghiệp Học viện Tài chính Ngân hàng Trung ương năm 1992, Tiến sĩ kinh tế, vào Đảng năm 2000.

Với thế lực của bố vợ, Phong được về công tác tại Vụ Quốc khố, Bộ Tài chính, đến năm 2011 thì được “thả dù” về Hồ Nam làm Cục phó Quản lý kim loại màu, sau 1 năm được đưa vào Ban thường vụ Thành ủy Trương Gia Giới và được đưa lên làm thị trưởng từ tháng 12/2012 đến khi ngã ngựa.

Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, chưa công bố những vi phạm, tội lỗi cụ thể của Phong. Hiện chưa rõ vợ Phong là Tô Hiểu Quyên có nằm trong danh sách 14 thành viên gia đình tham nhũng hay không. Điều này sẽ được làm rõ, khi Phong bị đưa ra tòa xét xử.

Tô Vinh làm quan cả họ được nhờ

Tô Vinh, quê ở Cát Lâm, sinh năm 1948, là “người lãnh đạo Đảng, Nhà nước” đầu tiên bị hạ gục kể từ sau Đại hội 18. Khi bị rớt đài năm 2014, ông ta đang là đại biểu quốc hội khóa 12, Phó chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc khóa 12 (theo quy định, thuộc hàng “người lãnh đạo Đảng, Nhà nước”). Trước đó, ông ta từng là Ủy viên Dự khuyết Trung ương hai khóa 14, 15; Ủy viên Trung ương hai khóa 16, 17, từng làm bí thư 3 tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Giang Tây.

Tô Vinh
Tô Vinh

Cựu Phó chủ tịch Chính Hiệp Tô Vinh bị tạm giữ điều tra ngày 14/6/2014 và bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) khai trừ đảng và chức vụ công ngày 16/2/2015.

Theo thông báo của UBKTKLTW, tội lỗi của Vinh gồm: “vi phạm kỷ luật tổ chức và nhân sự, cá nhân tùy tiện thay đổi quyết định của tổ chức, lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác trong việc đề bạt cán bộ và kinh doanh, rồi nhận hối lộ rất lớn; lạm dụng chức quyền, gây thiệt hại rất lớn cho tài sản quốc gia; không thực hiện trách nhiệm chủ thể xây dựng đảng phong liêm chính, chịu trách nhiệm chính về các vấn đề tham nhũng hủ bại nghiêm trọng ở tỉnh Giang Tây. Hành vi của Tô Vinh đã cấu thành vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền”.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, trong bản “Sám hối lục” do Tô Vinh viết, ông ta tự gọi mình là “Sở trưởng Sở Giao dịch quyền tiền”. Tờ “Tân Kinh báo” dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây Cường Vệ cho hay, “vấn đề tham nhũng của Tô Vinh kéo dài tới hơn 10 năm. Trong thời gian ông ta giữ chức ở Giang Tây, vấn đề phạm pháp của bản thân và người nhà đã lên đến đỉnh điểm, hình thành gia tộc tham nhũng”.

Tạp chí “Trung Quốc kỷ kiểm giám sát” số tháng 4/2015 nêu ý kiến của một thành viên tổ tuần thị Trung ương số 8 nằm vùng điều tra ở Giang Tây từ 27/5 - 27/8/2013 cho biết, trước khi Tô Vinh được điều lên Bắc Kinh giữ chức Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc, ở Giang Tây diễn ra hai cuộc bầu cử quan trọng bầu đại biểu quốc hội và đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, cả 2 lần ông ta đều xếp thứ 1,2 từ dưới lên trong danh sách những người trúng cử, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc ông ta tiếp tục thăng quan.

Tô Vinh đã bị Viện Kiểm sát tối cao ra quyết định bắt giam từ ngày 16/2/2015, vì tội nhận hối lộ. Hiện các vấn đề phạm tội cụ thể của Tô Vinh đang được điều tra, hoàn chỉnh, đợi ngày đưa ra xét xử trước tòa.

Phu nhân là cầu nối để cấu kết quan thương

Vu Lệ Phương sinh năm 1954, kém chồng 6 tuổi, là vợ hai của Tô Vinh. Khi Tô Vinh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây, Vu Lệ Phương được các chính khách và thương gia gọi là “Chị Vu”. Cái tên này gắn liền với các vụ chuyển nhượng đất đai, khai thác địa ốc, giao quyền khai thác mỏ hay nhận thầu công trình.

Trong thực tế, Vu Lệ Phương là người đại diện của Tô Vinh, là người bắc cầu nối cho các phi vụ làm ăn để nhận hối lộ những khoản tiền khổng lồ và mua bán quan chức. Nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao trong tỉnh đã chọn cách đưa hối lộ “Chị Vu” để chiếm được lòng tin và được Tô Vinh đề bạt.

Chức vụ chính thức của Vu Lệ Phương là cố vấn nghệ thuật Sở Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Hội viên Hiệp hội Mỹ thuật tỉnh Giang Tây, được tung hô là người “sáng tạo ra trường phái họa tiết mai, lan, trúc, cúc đặc sắc trên đồ sứ Giang Tây”.

Chân dung Chị Vu thích đủ thứ
Chân dung "Chị Vu" thích đủ thứ

Một số báo chí đã đăng bài tâng bốc tài nghệ vẽ lan của Phương, nhưng các họa sĩ có tên tuổi lại khẳng định bà ta không biết vẽ, tranh của bà ta tầm thường không có giá trị sưu tập, trừ những người coi việc mua tranh là cách hối lộ trá hình.

Một thủ đoạn kiếm cả danh lẫn tiền của Phương là “vẽ chung” với các họa sĩ danh tiếng: bà ta chỉ thêm mấy nét vẽ vào tác phẩm đã gần hoàn chỉnh của người khác rồi cùng đứng tên. Khi đấu giá, những tác phẩm này thường được bán rất đắt.

Vu Lệ Phương còn có “thú vui” thích sưu tập nghệ thuật. Rất nhiều đồ sứ đắt tiền ở Cảnh Đức Trấn đã được vận chuyển đến nhà Tô Vinh. Ở Giang Tây, bóng dáng Vu Lệ Phương xuất hiện khắp các lĩnh vực có thể kiếm lợi được nên bà ta còn có biệt danh là “Thích đủ thứ”.

Tên tuổi của Phương được biết rộng rãi hơn từ khi “Chị Vu” xuất hiện trong đơn tố cáo của Chu Kiến Hoa, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Tân Dư.

Ông Chu Kiến Hoa tố cáo, khi bán đấu giá 300 mẫu đất ở khu công nghệ cao Tân Dư, một thương gia người Chiết Giang đã nhờ “Chị Vu” can thiệp để Lý An Trạch, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách thể chế tỉnh Giang Tây, Bí thư thị ủy Tân Dư chỉ đạo bỏ dở cuộc bán đấu giá giữa chừng, rồi bán rẻ khu đất vàng đó cho người này, gây thiệt hại tài sản quốc gia tới gần 1 tỷ Nhân dân tệ (3.500 tỷ VND). Trong vụ này, Phương đã được thương gia Chiết Giang biếu một khoản không nhỏ.

Trong một vụ chuyển nhượng đất đai khác, Quế Tùng, Chủ tịch Công ty Hồng Nguyên LCOS đã hối lộ cho “Chị Vu” mấy chục triệu Nhân dân tệ để có được quyền sử dụng 130 mẫu đất, số tiền này được trao nhận ở Hong Kong. Chuyện đến tai cơ quan UBKTKL và Quế Tùng bị bắt tại Thâm Quyến ngày 5/3/2010 rồi bị Viện Kiểm sát Nam Xương khởi tố.

Một cách kiếm tiền quan trọng khác của vợ chồng Tô Vinh – Vu Lệ Phương là bán chức quan. Nhiều lãnh đạo cấp cao trong tỉnh đã dùng phương thức đưa hối lộ “Chị Vu” để được Tô Vinh tín nhiệm và có cơ hội đề bạt.

Phương thường dùng câu “có cần anh Tô giúp không?” để đánh tín hiệu vòi hối lộ. Theo báo chí, có lần Phương nhận tiền của một cán bộ lãnh đạo nọ để Tô Vinh thăng chức. Vinh nhận lời giúp nhưng kết quả không được như ý, thế là hai vợ chồng tranh cãi kịch liệt.

Con trai nhận tiền, cháu làm kho bạc

Báo mạng Sina ngày 18/11/2015 đăng bài bình luận, trong đó nêu lên việc Tô Thiết Chí, con trai Tô Vinh, “nhận tiền phía trước để cha lo việc phía sau”, hình thành quy trình bán quan cấp tước, giao dịch quyền tiền. Cha con nhà này nhiều lần nhúng tay vào việc sắp xếp bố trí cán bộ của Giang Tây, nhiều lần nhúng tay vào lĩnh vực quy hoạch đất đai, xây dựng công trình để kiếm rất nhiều tiền.


Lưu Kiến Quân, mắt xích quan trọng trong vụ án Tô Vinh

Lưu Kiến Quân, mắt xích quan trọng trong vụ án Tô Vinh

Theo tiết lộ trong bài báo “40 triệu Nhân dân tệ hối lộ trở thành manh mối quan trọng để tổ tuần thị Trung ương nắm chắc vấn đề của Tô Vinh” đăng trên báo mạng Pháp Chế, Tô Vinh ngã ngựa bắt đầu từ khoản hối lộ 40 triệu Nhân dân tệ do cháu ngoại nhận.

Vụ việc này cụ thể là, Lưu Kiến Quân, quan chức huyện Tân Cán đồng thời là chủ thực sự của Công ty Bách Cần Nam Xương, làm quen với Tào Chính Quang (41 tuổi, được cho là “cháu bên ngoại” của Tô Vinh) thông qua giới thiệu của một quan chức cấp cao ở Tập đoàn Ngũ Khoáng Trung Quốc. Lưu Kiến Quân tìm hiểu thì được biết Quang chỉ là bạn thân kiểu bia rượu của Tô Thiết Chí, con trai Tô Vinh, nhưng để được việc lớn Quân vẫn quyết định chi số tiền lớn qua Quang để Chí mua xe hơi.

Phi vụ này đã giúp Lưu Kiến Quân ngồi lên ghế Phó huyện trưởng Tân Cán. Về sau, Quang bảo Quân đưa cho mình 40 triệu Nhân dân tệ để giúp trúng thầu giá rẻ một khu đất vàng. Tào Chính Quang nhận tiền nhưng Lưu Kiến Quân không đạt được mục đích mua đất giá rẻ, bởi một đối thủ khác theo đuổi đến cùng nên xảy ra đôi co. Việc bại lộ, xảy ra vụ “hiệu ứng domino” trên chính trường Giang Tây.

Bộ ba Quân-Quang-Chí bị bắt đã khởi đầu “cơn địa chấn trên quan trường Giang Tây” với một loạt quan chức bị mất chức, rồi “mọi con đường đều dẫn đến Tô Vinh”. Hiện việc điều tra về “gia tộc tham nhũng” Tô Vinh vẫn đang tiếp tục, sau khi kết thúc, những gương mặt còn lại sẽ dần lộ diện trước công luận.

Theo Ngô Tuyết

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm