1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mali

Quân nổi loạn cướp phá sau vụ đảo chính

(Dân trí) - Những binh sỹ nổi loạn ở Mali đã cướp phá phủ tổng thống ở thủ đô Bamako sau vụ đảo chính. Trong khi đó cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ những gì đang diễn ra ở quốc gia Tây Phi này.

 
Quân nổi loạn cướp phá sau vụ đảo chính
Các binh sỹ nổi loạn cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát đất nước từ "chính quyền bất tài" của ông Toure.

Những người cầm đầu vụ đảo chính cho biết trên truyền hình nhà nước rằng họ đã nắm quyền kiểm soát đất nước và đã đóng cửa biên giới.

 

Một quan chức chính phủ tiết lộ Tổng thống Amadou Toumani Toure vẫn an toàn và không bị binh sỹ nổi loạn bắt giữ. Song người này không tiết lộ nơi ẩn náu của ông Toure.

 

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vụ đảo chính, với Liên minh châu Phi (AU) gọi vụ việc là “bước lùi lớn đối với Mali”.

 

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi “phục hồi ngay hiến pháp và chính phủ được bầu dân chủ”.

 

Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Phi tuyên bố ngừng mọi viện trợ cho đến khi cuộc khủng hoảng được giải quyết.

 

Ngoại trưởng Kenya Moses Wetangula và phái đoàn của ông đã bị mắc kẹt ở Mali do sân bay Bamako đóng cửa sau khi ông tham dự một cuộc họp về hòa bình và an ninh của AU.

 

Ecowas, cơ quan vùng Tây Phi, cho biết cách hành xử của các binh sỹ nổi loạn là “sai lầm” và “đáng trách”.

 

Những binh sỹ, tự xưng là Ủy ban tái lập dân chủ và phục hồi nhà nước (CNRDR) cho biết họ sẽ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ được bầu.

 

Các binh sỹ này cho biết họ đã tiến hành cuộc nổi dậy bởi chính phủ đã không cung cấp đủ vũ khí cho họ để đối phó với cuộc nổi loạn của nhóm thiểu số Tuareg ở miền bắc. Họ đã tấn công dinh tổng thống, đọ súng với các binh sỹ trung thành với chính phủ và chiếm đài phát thanh và truyền hình nhà nước ở Bamako và buộc đài ngừng phát sóng. Sau nhiều giờ phát video ca nhạc, một nhóm binh sỹ xuất hiện trên truyền hình vào sớm qua.

 

Lãnh đạo nhóm nổi loạn được tiết lộ là đại tá Amadou Sanogo. Ông này đã xuất hiện chớp nhoáng để tuyên bố lệnh giới nghiêm và ngưng hiến pháp.

 

Nhiều quan chức bị bắt giữ

 

Được biết các binh sỹ nổi loạn đã mang TV và những đồ đạc khác ra khỏi dinh tổng thống sau tuyên bố về cuộc đảo chính. Giới chuyên gia cho rằng có vẻ như những binh sỹ nổi loạn là những binh sỹ cấp trung, không được mọi lực lượng ở Mali ủng hộ.

 

Đơn vị tinh nhuệ Red Berets trung thành với tổng thống và được cho là đang bảo vệ ông. Theo đánh giá của một số chuyên gia, nếu lực lượng tinh nhuệ này phản công, họ có thể lật ngược thế cờ của vụ đảo chính.

 

Trong tuyên bố thứ hai trên truyền hình sáng qua, những binh sỹ nổi loạn đã kêu gọi các binh sỹ ngừng bắn chỉ thiên để lập lại trật tự tại Bamako. Họ cũng tuyên bố tất cả các cửa khẩu biên giới đã được đóng và yêu cầu dân chúng đi làm như bình thường vào tuần tới.

 

Một nguồn tin cho biết ngoại trưởng  và nhiều bộ trưởng khác đã bị các binh sỹ nổi loạn bắt giữ.  Trong khi đó, tại thành phố miền bắc Gao, họ cũng đã giam giữ các tướng lĩnh quân đội trung thành với ông Toure ở các doanh trại.

 

Mali đã là quốc gia dân chủ 20 năm qua và được xem là hình mẫu dân chủ cho các nước khác. Cuộc nổi loạn bắt đầu vào ngày thứ tư khi bộ trưởng quốc phòng tới thăm một doanh trại quân đội ở bắc thủ đô. Các binh sỹ đã bất bình về cách đối phó với cuộc nổi dậy của nhóm thiểu số Taureg, nhóm đẩy lui được lực lượng chính phủ ra khỏi nhiều thành phố miền bắc trong những tháng gần đây.

 

Cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra ở nước này trong vòng một tháng tới. Chính phủ cho đến nay vẫn từ chối hoãn cuộc bầu cử, bất chấp cuộc nổi dậy của nhóm Taureg.

 

Cả Pháp và Mỹ đều kêu goi các binh sỹ và  chính phủ giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình.

 

Vũ Quý

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm