1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Việt-Mỹ là bài học cho thế giới: Dự báo sáng

Dù không đưa ra tuyên bố hợp tác chiến lược toàn diện nhưng quan hệ Việt – Mỹ đã bước sang một tầm cao mới - LS Hoàng Việt.

PV:- Thưa ông, chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tổng kết lại mối quan hệ Việt Nam - Mỹ và cho rằng: ''Mỹ và Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ rằng những quốc gia từng thù hận có thể trở thành đối tác, thậm chí trong thế giới phức tạp mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay... Đây cũng là một bài học đầy ý nghĩa và đúng lúc cho cả thế giới''. Ông bình luận thế nào về phát biểu trên?

LS Hoàng Việt: Như chúng ta đã biết, giữa Việt Nam và Mỹ đã có một quá khứ rất đau buồn. Trực tiếp hơn nữa là cuộc chiến tranh kéo dài gây nhức nhối không chỉ với người dân Việt Nam mà cho cả người dân và chính phủ Hoa Kỳ.


Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại hội thảo tối 28/4 - Ảnh: ĐSQVN

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại hội thảo tối 28/4 - Ảnh: ĐSQVN

Trong quá khứ như vậy nhưng với mong muốn sự hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Mỹ cũng như tâm lý muốn khép lại quá khứ đau buồn để hướng tới mối quan hệ hợp tác, phát triển. Dù còn rất nhiều lực cản, tuy nhiên, tới hôm nay Việt – Mỹ đã từng bước xây dựng được những tình cảm tốt đẹp cũng như những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, xã hội.

Như chúng ta đã biết, năm ngoái TBT Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên được mời sang thăm và được Tổng thống Obama tiếp đón trọng thị tại Mỹ. Điều này cho thấy, chỉ cần có thiện chí để hợp tác, phát triển hòa bình thì tất cả hận thù đều có thể vượt được qua để tiến tới một mối quan hệ mới tốt đẹp hơn.

PV:- Theo ông, bài học quan hệ Việt Nam - Mỹ có ý nghĩa như thế nào trong thế giới ngày hôm nay?

LS Hoàng Việt: Ai cũng biết, vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh Việt – Mỹ mà phía Việt Nam gọi đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, còn trên thế giới và đặc biệt là Mỹ gọi đó là cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến được dư luận trong nước và thế giới nhắc đến như một sự kiện gây nhức nhối, thậm chí nó được ví như bóng ma ám ảnh mối quan hệ Việt – Mỹ trong suốt mấy chục năm qua.

Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới đang có rất nhiều biến động, cùng với những mối quan hệ phát triển, hợp tác thì vẫn có những mối quan hệ đối đầu giữa các nước trong khu vực. Điều này cho thấy mong muốn có một thế giới hòa bình, hợp tác đó vẫn chỉ là mong muốn mà trong thực tế vẫn có những xung đột với từng mức độ khác nhau.

Trong bối cảnh đó, ông Kerry lấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ theo tôi là để nhắc nhở rằng dù Việt – Mỹ đã từng có quá khứ rất đau buồn, hai bên thậm chí còn có thời gian là cựu thù của nhau, không nhìn nhau, chỉ chiến đấu với nhau nhưng đến hôm nay, Việt – Mỹ đã ngồi lại được với nhau, cùng bắt tay, hợp tác với nhau và trở thành những người bạn thân nồng ấm. Đó là điều kỳ diệu.

Thông qua câu chuyện này, ông Kerry cũng muốn cho cả thế giới thấy một điều rằng: Cái thế giới muốn là hướng tới một mối quan hệ hợp tác, hòa bình và phát triển. Và nếu tất cả các quốc gia đều có quyết tâm sẽ làm được. Tôi cho rằng, ông Kerry muốn nhắn nhủ tới cả thế giới điều đó.

Vì ai cũng biết, các quốc gia trên thế giới ngay tại khu vực Châu Á cũng vậy, vấn đề Triều Tiên, tình hình Biển Đông vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều xung đột.

Lời nhắn nhủ cũng đúng với cả bối cảnh của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. Rõ ràng, trong mối quan hệ giữa Việt – Trung đang tiềm ẩn nhiều vấn đề, trong đó nguy cơ lớn nhất là vấn đề Biển Đông. Do quan điểm giữa hai bên khác xa nhau quá nhiều, hai bên cũng đã đi và làm việc rất nhiều lần đề đàm phán, phân định về cửa Vịnh Bắc Bộ nhưng chưa đi đến kết quả.

Cùng với các hành động bồi lấp những thực thể trên Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam; xây dựng căn cứ quân sự có đường băng, có máy bay cất cánh và hạ cánh. Thậm chí gần đây Trung Quốc còn cho thử tên lửa chạy ra khu vực này, cũng như Trung Quốc đã có các dự án phát triển năng lượng hạt nhân trên các cấu trúc địa lý mà Trung Quốc bồi lấp tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả, cùng với những hành động gây hấn trong quá khứ của Trung Quốc kéo dài suốt thời gian vừa qua khiến chúng ta rất lo lắng về tình hình Biển Đông.

Rõ ràng các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng đã bày tỏ tình hình Biển Đông chính là một trong những nguy cơ nguy hiểm. Thậm chí còn có nhà nghiên cứu nhận định rằng, nếu có xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba thì Biển Đông chính là nơi bắt đầu.

PV:- Quả thật, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, mối quan hệ hai nước được phát triển trong tất cả các lĩnh vực, trong đó, có nhiều mối liên kết mang tính định hình trật tự thế giới như TPP. Theo ông, bước chuyển từ đối tác tốt sang bạn bè tốt trong quan hệ Việt - Mỹ có sớm xảy ra hay không và vì sao?

LS Hoàng Việt: Sự phát triển trong mối quan hệ Việt – Mỹ hiện nay đang được đánh dấu bằng những chuyến thăm của các cấp lãnh đạo cao cấp nhất giữa hai quốc gia và sắp tới đây là chuyến thăm của Tổng thống Obama.

Tôi được biết, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam có thể ông sẽ mang theo một món quà có ý nghĩa rất quan trọng. Món quà đó thể hiện bằng hai đề nghị từ phía Việt Nam đó là: Công nhận VN là nền kinh tế thị trường và gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Điều này cho thấy, trong thực tế Việt Nam – Hoa Kỳ đã trở thành bạn bè tốt mà không cần phải tuyên bố.

PV:- Trong vấn đề biển Đông, chính Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, các hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đã kéo gần quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Mỹ cũng đang ngày càng có hành động quyết liệt hơn nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực này. Ông đánh giá thế nào về sự tham gia tích cực của Mỹ vào vấn đề biển Đông?

LS Hoàng Việt: Để trả lời được câu hỏi này, trước hết phải thừa nhận rằng vị trí của Việt Nam là rất quan trọng trên Biển Đông. Mặc dù Mỹ không liên quan trực tiếp và có vị trí địa lý cách rất xa Việt Nam, nhưng Mỹ là một siêu cường biển và nếu không có một siêu cường như Mỹ thì thế giới khó lòng ngăn chặn được những tham vọng cũng như những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vấn đề tiếp nữa là giữa Mỹ và Việt Nam đều có một điểm chung: Nếu giữ được Biển Đông trong hòa bình, ổn định thì cả hai nước đều có lợi. Đó là những lý do khiến Mỹ - Việt hợp tác với nhau chặt chẽ hơn.

Tất nhiên, chính sách của Việt Nam là không ủng hộ bất kỳ quốc gia nào trong các yêu sách phi lý về chủ quyền, tuy nhiên Việt Nam luôn mong muốn duy trì tự do hàng hải, tự do thương mại theo luật pháp quốc tế.

PV:- Việt Nam được hưởng lợi thế nào nếu càng ngày có càng nhiều tiếng nói chính nghĩa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực này?

LS Hoàng Việt: Rõ ràng chúng ta đã biết, trong các cuộc kháng chiến của Việt Nam kéo dài suốt thời kỳ mấy nghìn năm lịch sử thì Việt Nam đều là quốc gia nhỏ, những quốc gia đến vây đánh Việt Nam đều là những quốc gia lớn, thậm chí cả cường quốc. Vậy thì làm sao Việt Nam có thể chiến thắng được?

Tôi nhớ lại bài Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi có câu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”, như vậy, rõ ràng trong thời đại hiện nay nếu chỉ dùng sức mạnh chưa chắc đã khuất phục được tất cả mà quan trọng phải là sức mạnh của chính nghĩa. Vì thế, nếu Việt Nam được sự ủng hộ của thế giới thì rõ ràng đó là sức mạnh của chính nghĩa và sẽ có tác động rất lớn tới vấn đề Biển Đông.

Nếu tất cả các quốc gia, các nước trên thế giới đều đồng lòng lên tiếng, tôi tin, Trung Quốc sẽ phải xuống thang về vấn đề Biển Đông. Đó là vai trò của ngoại giao.

PV:- Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, theo ông dự đoán, liệu mối quan hệ Việt - Mỹ có nâng lên một tầm cao mới hay không? Xin ông phân tích cụ thể.

LS Hoàng Việt: Tôi cho rằng, nếu Tổng thống Obama sẽ mang hai món quà như truyền thông quốc tế đã đưa tin thì rõ ràng hai vấn đề trở ngại lớn nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được tháo gỡ. Như vậy, thì dù không có liên minh, hiệp ước nào giữa hai nước, nhưng sức nặng trong quan hệ Việt – Mỹ cũng không thua kém bất kỳ một nước nào, kể cả đối với Mỹ cũng như đối với Việt Nam.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Theo Lan Vũ

Đất Việt