Quan hệ Việt-Đức có ý nghĩa đặc biệt
(Dân trí) - “Quan hệ với Việt Nam luôn là mối quan hệ đặc biệt đối với nước Đức. Khoảng 120.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Đức. Hơn 100.000 người dân Việt Nam nói tiếng Đức”, ông Hans-Joerg Brunner, Đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Đức, chia sẻ.
Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner đã cho biết thông tin trên trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 29/9 nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Đức.
Theo ông Brunner, năm 2015 là một năm đặc biệt đối với Đức và Việt Nam. Trong khi Việt Nam kỷ niệm lần 70 ngày thành lập nước thì Đức kỷ niệm lần thứ 25 ngày tái thống nhất đất nước (3/10/1990- 3/10/2015), và hai nước cùng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Đức.
Ông Brunner cho biết, quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt đẹp. Có thể thấy rõ điều đó qua việc trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao. Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm chính thức Berlin và một tháng sau đó là chuyến thăm của Phó thủ tướng Sigmar Gabriel đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến vào tháng 10 tới, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier sẽ tới thăm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Brunner cho hay nước Đức cũng mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Đức trong năm nay.
Đức tin tưởng vào triển vọng kinh tế của Việt Nam
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 10/2011, quan hệ Việt-Đức ngày càng tiến triển tốt đẹp. Nổi bật lên trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là các dự án hải đăng, trường Đại học Việt-Đức tại Bình Dương, dự án Ngôi nhà Đức và tuyến xe điện ngầm số 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh được bắt đầu xây dựng tháng 1/2014. Ngoại trưởng Steinmeier sẽ đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của Ngôi nhà Đức trong chuyến thăm trong tháng tới. Sau khi hoàn thành năm 2017, Ngôi nhà Đức sẽ là biểu tượng mới, nổi bật cho quan hệ song phương giữa hai nước. Trường đại học Việt-Đức đào tạo sinh viên Việt Nam theo tiêu chuẩn đào tạo của Đức.
Trao đổi thương mại giữa hai nước đang được mở động. Trong Liên minh châu Âu, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hiện đã có hơn 300 công ty Đức hoạt động và đầu tư tại Việt Nam, qua đó tạo việc làm và góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam. Năm 2014 tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 7,8 tỷ USD với tỷ trọng xuất siêu lớn của Việt Nam. Khi hiệp định thương mại tự do với EU có hiệu lực, Đức chờ đợi quan hệ thương mại Đức-Việt sẽ tăng trưởng đáng kể. Trong năm qua đầu tư của Đức tại Việt Nam đã tăng gần 40%.
Tháng 11/2014, Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 850 đại diện và các nhà lãnh đạo của các công ty Đức đến dự. Theo ông Brunner, hội nghị là một tín hiệu rõ ràng cho thấy các công ty Đức tin tưởng vào môi trường và triển vọng kinh tế tốt đẹp của châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Đại biện lâm thời Brunner, cho biết, Đức sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam tiến tới một nền kinh tế bền vững, chú trọng tới chiến lược tăng trưởng xanh và nâng cao trình độ nhân lực lao động nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN.
Lãng du qua các miền ẩm thực nước Đức
Cũng trong buổi họp báo, Đại biện lâm thời Brunner nói ông hi vọng mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Với mong muốn đó, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã ra cho ra mắt một cuốn sách ảnh giới thiệu về ẩm thực nước Đức.
Ông Brunner cho hay, Việt Nam và Đức đều có nền ẩm thực phong phú và người dân hai nước luôn yêu thích khám phá các món ăn ngon. Với 16 món ăn đặc trưng của 16 bang tại Đức, ông hi vọng cuốn sách “Lãng du qua các miền ẩm thực nước Đức” sẽ giúp người Việt hiểu hơn về ẩm thực nước Đức.
“Con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày. Hiểu biết về các dân tộc trên thế giới và giao lưu văn hóa cũng vậy. Vì thế, trong cuốn sách này, chúng tôi muốn đem tới cho các bạn cơ hội để thực hành nấu 16 món ăn khác nhau”, ông Brunner viết trong lời tựa cuốn sách do chính ông biên tập.
Trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, ông Brunner chia sẻ Đức dự kiến đón 800.000 người tị nạn trong năm nay, 25% trong số đó là trẻ em. Nhà ngoại giao Đức cho biết thêm, một trong những lý do nước này đón nhận nhiều người di cư so với các quốc gia châu Âu khác là Đức hiện thiếu các lao động đơn giản.
Ông thừa nhận rằng vấn đề người di cư hiện là một trong những thách thức lớn nhất về kinh tế, xã hội đối với nước Đức. “Vấn đề này không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai mà phải mất vài năm, thậm chí là vài thập niên. Chúng tôi phải lo vấn đề hòa nhập của người nhập cư, chỗ ở, công ăn việc làm cho họ”, ông Brunner nhấn mạnh.
An Bình