1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Nhật Bản thăm Ấn Độ:

Quan hệ song phương, khát vọng toàn cầu

Tạm gác các khó khăn trong chính trị đối nội, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chuyển sang thế mạnh của mình trong lĩnh vực đối ngoại thông qua chuyến thăm một số nước châu Á, đặc biệt là chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 21/8.

Mục tiêu chính trong chuyến thăm Ấn Độ là thảo luận với Thủ tướng Manmohan Singh các giải pháp và lộ trình cụ thể nhằm triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã thiết lập từ tháng 12/2006.

 

Giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á này, nội dung kinh tế hiển nhiên là một trong những nội dung nổi bật, trong đó có đề xuất ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), dự án hành lang công nghiệp Delhi - Mumbai với tổng đầu tư 90 tỉ USD...

 

Trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện, Nhật Bản và Ấn Độ dự kiến tiếp tục mở rộng quan hệ sang các lĩnh vực khác là khoa học công nghệ, vũ trụ, an ninh - quân sự, giáo dục và văn hóa.

 

Tuy nhiên, với hai người khổng lồ châu Á này, câu chuyện hợp

Trong vòng một tuần lễ, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công du ba nước, gồm Indonesia từ 19 đến 21/8, Ấn Độ từ 21 đến 23/8 và Malaysia từ 23 đến 25/8. 

tác sẽ không chỉ gói gọn trong khuôn khổ song phương. Đằng sau chuyến thăm là tầm vóc toàn cầu của mối quan hệ đối tác chiến lược đang hình thành. Là một cường quốc kinh tế nhưng tầm vóc chính trị chưa tương xứng, Nhật Bản nhìn thấy ở Ấn Độ một đối tác tự nhiên trong mục tiêu tăng cường ảnh hưởng và vị trí chính trị cho mình trong khu vực và thế giới.

 

Trước hết, Nhật coi Ấn Độ là đồng minh chủ chốt trong việc thực hiện chính sách mới “ngoại giao dựa trên giá trị”. Hạt nhân của chính sách này là sự ủng hộ đối với các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp luật... Đây là cách để Nhật “chen chân” vào hàng ngũ các nước lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới.

 

Một sáng kiến khác cụ thể theo hướng này mà Thủ tướng Abe muốn tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ - một trong những nước tạo khí thải nhiều nhất thế giới - là sáng kiến “Cool Earth 50” nhằm giảm một nửa lượng CO2 toàn cầu vào năm 2050. Liên minh để thực hiện khát vọng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ chắc chắn cũng nằm trong nội dung thảo luận của ông Abe với người đồng nhiệm.

 

Với Ấn Độ, Nhật còn là một đối tác quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại “hướng Đông” của mình cũng như trong chủ trương hợp tác cân bằng với các nước lớn nhằm tạo dựng một môi trường hòa bình và ổn định cho sự tăng trưởng khu vực. Trong chuyến thăm Nhật tháng 12/2006, Thủ tướng Ấn Độ từng nói đến “Cộng đồng kinh tế châu Á”. Đây là một phát biểu rất quan trọng.

 

Ai cũng biết cái khó nhất của việc xây dựng cộng đồng này chính là việc bảo đảm sự đoàn kết giữa các nước châu Á, nhất là giữa những nước lớn vốn có nhiều vấn đề do lịch sử để lại. Trong thời gian qua, Thủ tướng Abe đã có công rất lớn trong việc hàn gắn quan hệ Nhật - Trung, Nhật - Hàn và chắc chắn sẽ cải thiện hơn nữa quan hệ Nhật - Ấn trong chuyến thăm lần này. Điều này sẽ góp phần quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho một châu Á đoàn kết và liên kết mạnh mẽ hơn.

 

Với thực trạng quan hệ Nhật - châu Á và quan hệ chiến lược Nhật - Ấn nói riêng hiện nay, dường như ông Abe đã làm được nhiều hơn điều mà ông nội ông, thủ tướng Nobusuke Kishi, làm được trong chuyến thăm Ấn Độ cách đây vừa đúng 50 năm.

 

Hoàng Minh

Theo Tuổi trẻ