1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quan hệ Mỹ Trung và bài toán khó giải của ông Trump

(Dân trí) - Sự liên kết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến nay vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố bất định dù Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nỗ lực vực dậy mối quan hệ này trong năm đầu nhậm chức của nhà lãnh đạo Mỹ.

Trung Quốc bắn đại bác đón Tổng thống Trump trong chuyến thăm tháng 11/2017

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) đón tiếp Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017 (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) đón tiếp Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017 (Ảnh: Reuters)

Trong năm đầu tiên nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, cùng với tỷ lệ ủng hộ của công chúng Mỹ dành cho nhà lãnh đạo mới có xu hướng giảm xuống, sự kỳ vọng của chính quyền Mỹ trong các vấn đề cấp bách mà Washington trông chờ sự hợp tác của Trung Quốc cũng không mấy khả quan. Cụ thể, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng lên, trong khi Triều Tiên ngày càng cho thấy sự phát triển trong chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi các cuộc điều tra của chính phủ Mỹ liên quan tới các hoạt động đầu tư và thương mại của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra và nguy cơ Washington áp đặt các hàng rào thuế quan để trừng phạt Bắc Kinh vẫn luôn hiện hữu, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Donald Trump sẽ “hạ nhiệt” căng thẳng đối với các vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ - Trung.

Trong bối cảnh các vấn đề tiêu cực càng xuất hiện nhiều, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng có xu hướng xấu đi. Giá trị thương mại Mỹ - Trung năm 2016 ước tính đạt 648 tỷ USD và đầu tư trực tiếp nước ngoài hai chiều đạt hơn 250 tỷ USD trong 10 năm qua.

“Mọi người sẽ thấy chu trình thay đổi của Tổng thống Trump, khi lúc này ông ấy nhẹ nhàng nhưng ngay lúc sau sẽ cứng rắn với Trung Quốc”, Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Renmin Trung Quốc ở Bắc Kinh và là cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nhận định.

Ông Shi cho biết ông “không lạc quan” về triển vọng quan hệ song phương Mỹ - Trung vì Tổng thống Trump dường như sẽ áp thuế trừng phạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Shi cũng nhắc lại sự “xoay trục” của Tổng thống Trump, khi chuyển từ chỉ trích Trung Quốc với các cáo buộc thao túng tiền tệ, tấn công mạng và đánh cắp việc làm của người Mỹ cách đây một năm, sang khen ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình và bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ông Tập vì khả năng khai thác hệ thống thương mại toàn cầu trong các cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 4 và tháng 11 năm ngoái.

“Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc. Rốt cuộc, ai có thể đổ lỗi cho một quốc gia khi họ có thể tranh thủ một quốc gia khác để mang lại lợi ích cho người dân của mình”, Tổng thống Trump phát biểu trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tháng 11/2017. Nhà lãnh đạo Mỹ từng gọi chuyến thăm này là “thành công” vì hai nước đã ký các thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 250 tỷ USD.

Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa cao và xa nhất trong lịch sử, Tổng thống Trump lại chuyển sang chỉ trích Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã không làm được nhiều trong việc ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cũng trong khoảng thời gian này, “Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung”, một nỗ lực song phương nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước, đã kết thúc mà không đạt được sự đột phá nào.

Toan tính của mỗi bên

Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, Mỹ tháng 4/2017 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, Mỹ tháng 4/2017 (Ảnh: Reuters)

Việc thiếu rõ ràng trong việc định hình mối quan hệ Mỹ - Trung đã dẫn tới sự giận dữ và lo lắng cho cả hai phía. Điều này được phản ánh trong sự sụp đổ của các thỏa thuận xuyên biên giới từng được cả hai nước kỳ vọng và đặc biệt trong nhận định về an ninh quốc gia của Tổng thống Trump hồi tháng trước. Ông chủ Nhà Trắng khi đó nói rằng Trung Quốc đã hoạt động tích cực để làm suy yếu các lợi ích an ninh của Mỹ.

Gần đây, Huawei - hãng sản xuất điện thoại hàng đầu của Trung Quốc và AT&T - nhà mạng viễn thông “khổng lồ” của Mỹ đã không thể bắt tay hợp tác sau khi AT&T buộc phải tìm cách rời đi dưới sức ép từ các nghị sĩ Mỹ. Xét tới mối quan hệ giữa Huawei với các cơ quan chính phủ và an ninh của Trung Quốc, giới chính khách Mỹ đã viện dẫn lý do an ninh quốc gia để phản đối thương vụ hợp tác giữa hai “ông lớn” này. Trong khi đó, dịch vụ chuyển tiền MoneyGram của Mỹ mới đây cũng đã hủy sáp nhập với Ant Financial, một nhánh thuộc tập đoàn Alibaba nổi tiếng của Trung Quốc, dù giá trị của thương vụ này lên tới 1,2 tỷ USD.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây, Tổng thống Trump cũng bày tỏ sự “thất vọng” của ông khi thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng lên trong năm 2017 và cho biết Mỹ sẽ không thể “chịu đựng” được thực trạng này.

Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố tuần trước, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ tăng 8,6% lên mức kỷ lục 275,8 tỷ USD năm 2017 - tương đương khoảng 65% tổng thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

“Khi Trung Quốc ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế, cấu trúc quan hệ Mỹ - Trung cũng sẽ thay đổi và mối quan ngại cũng như lo lắng của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục diễn ra”, Jie Dalei, phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình từng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ổn định bước khởi đầu nhiều “sóng gió” trong quan hệ Trung - Mỹ.

“Tuy nhiên, tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ cá nhân nào ở Trung Quốc hay ở bất kỳ quốc gia nào dám khẳng định chắc chắn rằng họ có thể tác động tới quyết định ra chính sách của ông Trump”, chuyên gia Jie cho biết.

Trong bối cảnh quan hệ song phương với Mỹ không mấy khởi sắc, Trung Quốc đã thắt chặt mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia khác. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á, Trung Quốc và Canada đã đạt được tiến triển trong việc mở ra khả năng xây dựng thỏa thuận thương mại tự do. Ngoài ra, năm 2017, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thứ 12 về một thỏa thuận thương mại tự do 3 bên, trong khi Trung Quốc và New Zealand cũng đã tổ chức 3 vòng đàm phán để nâng cấp quan hệ song phương.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm