1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quan hệ Mỹ - Trung thêm sóng gió

Lầu Năm Góc xác định sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga là "các ưu tiên mang tính nguyên tắc" đối với quân đội Mỹ.

Trong năm đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đường lối mềm mỏng với Trung Quốc, ngược lại với những hứa hẹn cứng rắn trong chiến dịch tranh cử. Thế nhưng, diễn biến gần đây cho thấy mối quan hệ thân thiết của ông Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2018 sẽ hướng đến tan rã.

Điềm báo đáng ngại

Theo đó, ông chủ Nhà Trắng đã sẵn sàng "túm râu" con rồng Trung Quốc trong một loạt vấn đề khác nhau, từ Triều Tiên, biển Đông đến quyền sở hữu trí tuệ và nhập cư. Đơn cử, hôm 19-1, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố bản tóm tắt giải mật chiến lược quốc phòng quốc gia 2018 dài 11 trang, xác định sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga là "các ưu tiên mang tính nguyên tắc" đối với quân đội Mỹ. Theo Tạp chí Fortune, văn bản trên khuyến cáo rằng 2 đối thủ của Mỹ đang tích cực tìm cách "chấp nhận hoặc thay thế trật tự tự do và sự cởi mở vốn đã làm nên nền an ninh và sự thịnh vượng toàn cầu kể từ Thế chiến II".


Một cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc tại vùng Chelyabinsk của Nga Ảnh: RIA NOVOSTI

Một cuộc tập trận quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc tại vùng Chelyabinsk của Nga Ảnh: RIA NOVOSTI

Cùng ngày, báo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump có ý định "tập trung đương đầu với Trung Quốc trong năm nay" nhiều hơn năm qua. Theo đó, chính quyền ông Donald Trump nhấn mạnh "thúc ép tôn trọng các cuộc thương lượng" khi giao dịch với Trung Quốc và không còn cố cải thiện tình hình để giải quyết tranh chấp thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhà bình luận Andrew Browne của WSJ nhận định Nhà Trắng đang sẵn sàng sử dụng thuế quan và hạn ngạch để cản trở Trung Quốc nhập khẩu "tất cả mặt hàng, từ thép đến tấm panel mặt trời và máy giặt". Theo ông này, thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc với Mỹ trong năm 2017 là "chất xúc tác tiềm tàng cho các hành vi thù địch sau 1 năm hăm dọa".

Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 15-1 đã bắt Jerry Chun Shing Lee, nghi phạm cộm cán trong cuộc chiến gián điệp cấp độ cao với Trung Quốc. Phía Mỹ cáo buộc cựu đặc vụ CIA này phản bội các điệp viên Mỹ ở Trung Quốc khiến nhiều người trong số họ bị cầm tù hoặc hành quyết.

Hơn nữa, nỗi lo sợ về "những đổi thay đầy kịch tính" cùng mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổi lên sau khi ông Donald Trump nêu lên "những phá hoại" của các quốc gia tước đoạt việc làm của người Mỹ trong diễn văn nhậm chức. Ông còn đề nghị sẽ thương lượng chính sách "một Trung Quốc" kéo dài hàng thập kỷ của Washington để đổi lấy sự nhượng bộ của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên - điều mà Bắc kinh phản đối mạnh mẽ.

Xung đột chiến lược hơn

Trong khi đó, Bắc Kinh và Moscow đã lên tiếng chỉ trích động thái tập trung chiến lược quốc phòng quốc gia của quân đội Mỹ vào việc đối đầu với Trung Quốc và Nga. Theo báo South China Morning Post, chiến lược này là chỉ dấu mới nhất về quyết tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm vào các thách thức từ Nga và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy cải thiện mối quan hệ với Moscow và Bắc Kinh để kiềm chế Triều Tiên.

GS Shi Yinhong, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận xét đây là một dấu hiệu đáng ngại khác đối với mối quan hệ Trung - Mỹ. "Rõ ràng là xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ đang đi theo hướng trở nên có tính chiến lược hơn, trầm trọng hơn và toàn diện hơn" - ông Shi nhìn nhận. Theo ông, khi Mỹ đánh giá Trung Quốc và Nga ngày càng quyết đoán hơn thì 2 nước này cũng có quan điểm như thế về Mỹ, tương tự thời chiến tranh lạnh.

Ông Sow Keat Tok, chuyên nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ ở Trường ĐH Melbourne, cho rằng bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về sự cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc và Nga là "bước thụt lùi trở về thời chiến tranh lạnh". Ông Tok còn nhấn mạnh chiến lược quốc phòng mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ cũng chỉ trích chiến lược trên, đồng thời cho rằng Bắc Kinh tìm kiếm "quan hệ đối tác toàn cầu chứ không phải sự thống trị toàn cầu". Trung Quốc từng lên án Mỹ về "tâm lý chiến tranh lạnh" của nước này khi Tổng thống Donald Trump gọi Trung Quốc và Nga là các đối thủ cạnh tranh chiến lược trong bài phát biểu về chính sách an ninh mới của ông hồi tháng 12-2017. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn kêu gọi Mỹ bỏ tư tưởng chiến tranh lạnh, đồng thời xem xét các nỗ lực về quân sự và an ninh quốc gia của Trung Quốc "một cách hợp lý và khách quan".

"Phát đạn cảnh cáo"

Suốt nhiều năm, một điểm sáng hiếm hoi của Mỹ trong sự bất cân bằng thương mại lớn với Trung Quốc là sự ưa chuộng ngày càng tăng của Bắc Kinh với nông nghiệp Mỹ. Thế nhưng, mới đây, Trung Quốc đột ngột áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng đậu nành trị giá hàng tỉ USD của Mỹ, đe dọa hạn chế xuất khẩu và gây tổn hại không nhỏ tới lĩnh vực này của nền kinh tế số 1 thế giới.

Theo trang The Seatle Times (Mỹ), nước cờ trên có thể chỉ mới là màn dạo đầu, nếu Tổng thống Donald Trump quyết thực hiện lời hứa sẽ cứng rắn về thương mại với Trung Quốc. Mặc dù truyền thông Trung Quốc nói rằng giới chức kiểm dịch báo cáo phát hiện nấm mốc trong một số lô hàng song chiến thuật này được cho là chẳng còn xa lạ gì và thông điệp đã hoàn toàn rõ ràng.

"Đây giống như một phát đạn cảnh cáo nhằm thể hiện họ sẽ không để yên và rằng các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ phải chịu hậu quả (nếu chính quyền của ông Trump giáng trừng phạt thương mại lên Trung Quốc)" - ông David Loevinger, cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề Trung Quốc, nhận định. Trong khi đó, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Derek Scissors cho rằng 2 mục tiêu chính lớn nhất mà Bắc Kinh sẽ tập trung trả đũa là đậu nành và máy bay. Đây là 2 mặt hàng dẫn đầu xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.

Sau một năm tương đối yên ắng đối với thương mại Trung Quốc, chính quyền của ông Donald Trump đang chuẩn bị thông báo một số hành động, có thể bao gồm những biện pháp thuế quan xuất phát từ các cuộc điều tra hành vi của Trung Quốc bị phía Mỹ coi là làm méo mó thương mại, gây tổn hại tới các công ty và người lao động Mỹ. Trong số các cáo buộc có việc ăn cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ đối với các công ty Mỹ muốn làm ăn ở Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ trong tháng này cũng gửi kết quả điều tra lên tổng thống về việc liệu nhập khẩu thép Trung Quốc có đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không. Ngoài ra, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đã kết luận nhập khẩu nhôm Trung Quốc sẽ làm tổn hại tới công nghiệp Mỹ và đang xác định các biện pháp trừng phạt thích hợp.

Thu Hằng

Theo Lục San

Người lao động