1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội Ai Cập hứa chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự

(Dân trí) - Quân đội Ai Cập đã cam kết giám sát hoạt động chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự, một ngày sau tuyên bố từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak. Trong khi đó, “hiệu ứng” Ai Cập đã lây lan nhanh sang các nước Trung Cận Đông.

 


 
Quân đội Ai Cập hứa chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự - 1
“Hậu quả” của những cuộc biểu tình trên quảng trường Tahrir ở Cairo

Trong tuyên bố trên truyền hình nhà nước, người phát ngôn quân đội Ai Cập khẳng định họ đã yêu cầu chính phủ hiện thời đảm nhiệm vị trí cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.

Quân đội - hiện chịu trách nhiệm quản lý các công việc của đất nước, cũng đã giảm thêm 4 giờ giới nghiêm được áp dụng tại ba thành phố lớn, trong đó có thủ đô Cairo, bắt đầu dỡ bỏ các hàng rào chắn xung quanh quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, tâm điểm của các cuộc biểu tình rầm rộ buộc Tổng thống Mubarak phải từ chức.

Quân đội cũng xác nhận cam kết của Ai Cập đối với mọi thoả ước quốc tế. Mỹ và Israel đã hoan nghênh động thái này. Trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Obama đã đề cao vai trò và thái độ trách nhiệm của quân đội Ai Cập. Vì quyền lợi kinh tế và chiến lược, Mỹ có kế hoạch làm việc chặt chẽ với quân đội Ai Cập để bảo đảm ổn định tại Trung Đông.

Tại quảng trường Tahrir ở Cairo, những người biểu tình loan báo họ tin rằng quân đội sẽ hoàn thành cam kết chuyển quyền này. Hôm qua, trên những đường phố tại Ai Cập, người dân đã bắt tay vào dọn dẹp để chuẩn bị trở lại công việc thực tế là xây dựng tương lai của đất nước.

Phản ứng tại các nước Trung Cận Đông

Tại Yemen, chính quyền tuyên bố "tôn trọng nguyện vọng của người dân Ai Cập và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của quân đội nước này để đáp lại khát vọng tự do, dân chủ và an ninh của dân chúng một đất nước anh em" với Yemen. Trong khi đó, trên đường phố Sanaa hôm qua, hàng nghìn thanh niên Yemen đòi tổng thống Ali Abdallah Saleh noi gương ông Hosni Mubarak, rút lui khỏi chính quyền.

Còn tại Algeria, nơi mà một số các nhà phân tích lo ngại hiệu ứng đô mi nô của Tunisia và Ai Cập lan tới, bất chấp lệnh cấm tập hợp, hôm qua, khoảng 2000 người biểu tình trên đường phố Alger đòi "thay đổi chế độ". Để phòng ngừa hiểm họa làn sóng dân chủ Ai Cập lan tới Algeria, chính quyền đã huy động 3000 nhân viên cảnh sát theo dõi chặt chẽ đoàn người tuần hành tại thủ đô Alger.
 
Quân đội Ai Cập hứa chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự - 2

Biểu tình hôm qua tại Algeria

Từ Iran, chính quyền Tehran chào mừng cuộc cách mạng Ai Cập thành công, và coi ngày 11/2 là ngày đánh dấu sự thất bại của Mỹ tại Cận Đông. Còn tại Israel, Tel Aviv thận trọng trước tình hình Ai Cập. Theo giới phân tích sự sụp đổ của chính quyền Mubarak đang đẩy Irael vào một tình thế "đầy bất trắc". Israel lo ngại quyền lực tại Cairo rơi vào tay tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thân cận với phong trào hồi giáo cực đoan Hamas của người Palestine, biến Ai Cập thành một quốc gia thù nghịch.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Erdogan đã bày tỏ quan điểm rất gần với Mỹ khi ông kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng "tổ chức bầu cử tự do và công bằng" và chuyển giao quyền lực lại cho một chính quyền do người dân bầu lên. Chính quyền Ankara hy vọng các cuộc cách mạng tại Tunisia cũng như Ai Cập sẽ tránh gây bất ổn định cho khu vực.

Việt Hà
Tổng hợp