1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Putin trở lại cuộc chơi

Putin đã là bếp trưởng mới trong thực đơn hoạt động ngoại giao thế giới.

Tạp chí Forbes vừa công bố những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Theo đó, Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin năm thứ ba liên tiếp chiếm giữ ngôi đầu.

Có thể nói, TT V. Putin là nhân vật nổi bật nhất trên vũ đài chính trị thế giới trong năm 2015, đặc biệt là giữa bối cảnh cả thế giới đang cần hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Phiến quân IS đã trở thành mối đe dọa toàn cầu y như Đức quốc xã thời Thế chiến thứ hai. Báo Daily Mail nhận định: Để chiến thắng IS, phương Tây cần hợp tác với Nga, như đã từng hợp tác với Liên Xô để loại bỏ Hitler.

“TT Putin đã trở lại cuộc chơi” - tạp chí Forbes (Mỹ) trích dẫn lời ông Alexander Baunov (Trung tâm Phân tích Carnegie Moscow). Thêm vào đó, với động thái đưa quân ra hoạt động bên ngoài biên giới (đến Syria), nhà lãnh đạo Nga muốn gửi đến dân chúng nước này thông điệp “Nước Nga vẫn vĩ đại”.

TT Putin đã chọn đúng thời gian và không gian để đưa quan điểm của mình đến với các nhà lãnh đạo phương Tây bằng phương thế quân sự và Moscow ở trong thế thắng khi nhà lãnh đạo Nga “chơi đúng quân bài”. Báo Fiscal Times viết: Sau vụ tấn công khủng bố ở Paris đêm 13-11-2015, các nước phương Tây đã nhận thức được rằng cần phải hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.


Cuộc họp báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17-12-2015.

Cuộc họp báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17-12-2015.

Bức ảnh chụp cuộc gặp gỡ giữa TT Putin và TT Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ankara - Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11-2015 cho thấy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã có bước chuyển biến cơ bản: Nhà lãnh đạo Mỹ chăm chú lắng nghe, còn nhà lãnh đạo Nga trông giống như người đang đề xướng sáng kiến - Báo Rzeczpospolita (Ba Lan) nhận xét.

Trong khi đó, tờ The Guardian (Anh) bình luận chỉ sau một năm, TT Putin đã đảo ngược tình thế: Nếu như các nhà lãnh đạo đều như muốn “ăn tươi nuốt sống” ông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Brisban - Úc năm 2014 thì tại hội nghị năm 2015, ông lại là nhân vật ai cũng muốn gặp mặt... Nguyên nhân của hiện tượng này chẳng có gì bí ẩn cả: Họ cần Nga trong cuộc chiến chống IS.

Sự can thiệp của TT Putin ở Syria không làm yếu đi vị thế của ông, trái lại đã trả lại cho Nga ưu thế bên bàn đàm phán. Lúc này đây, Putin đã không còn là một món ăn trong thực đơn hoạt động ngoại giao thế giới nữa mà chính là bếp trưởng mới.

Nhà phân tích chính trị Germano Dottori (Trường Đại học Rome, Ý) nhận định ông Putin đã giành lại cho Nga hình ảnh của đất nước bảo đảm sự ổn định trên thế giới. Điều này phù hợp với người dân châu Âu bình thường và cái tên Putin đã trở thành niềm hy vọng của họ.

Nữ chuyên gia Rebeccah Heinrichs, Viện Hudson (Mỹ), thừa nhận trên kênh Fox News rằng Mỹ đã mất vị thế lãnh đạo ở châu Âu và Cận Đông và thay thế vào đó là TT Putin. Bà nhấn mạnh tư thế sẵn sàng chống IS của nhà lãnh đạo Nga có thể lôi kéo Pháp về phía mình và đẩy NATO đến bên bờ tan rã.

TT Pháp Francois Hollande đã đến Moscow để bàn chiến lược chống IS với TT Putin vào cuối tháng 11-2015, ngay sau khi thăm Washington. Ông mở đầu cuộc hội đàm với vị đồng cấp Nga bằng cụm từ “Mon cher Vladimir” (Vladimir thân mến của tôi) và trò chuyện thân mật như bạn bè chứ không giữ khuôn phép ngoại giao của vị nguyên thủ quốc gia. Đối với ông Hollande, bắt tay với TT Putin và hợp tác với Nga còn quan trọng hơn những bất đồng liên quan đến TT Syria Bashar al-Assad, theo bình luận của báo National Review (Mỹ).

Phát biểu sau vụ khủng bố ở Paris, cựu TT Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố: “Chúng ta cần tất cả mọi người để tiêu diệt IS, trong đó có cả người Nga”. TT Pháp đương nhiệm Francois Hollande ủng hộ quan điểm của vị tiền nhiệm trong khi Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi ông Putin tập trung hỏa lực của Nga vào các mục tiêu IS, đồng thời thừa nhận Anh sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình và thời kỳ chuyển tiếp ở Syria.

Báo Newsweek Polska (Ba Lan) khen ngợi TT Putin biết tranh thủ vụ khủng bố ở Paris để khôi phục quan điểm của Nga trên trường quốc tế, buộc phương Tây hợp tác trở lại.

Trước đó, khi điều chiến đấu cơ đến Syria, nhà lãnh đạo Nga đã thực hiện bước đi đầu tiên trong cuộc chơi của mình và chờ đợi sớm hay muộn cuộc chiến chống IS sẽ chuyển sang châu Âu và điều đó sẽ buộc cựu lục địa xem xét lại các liên minh toàn cầu.

Theo Ngô Sinh

Người Lao động