1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Putin phủ nhận Nga lạm dụng năng lượng

(Dân trí) - Trong buổi họp báo thường niên được tổ chức hôm qua, 1/2, với sự tham gia của hơn 1.200 nhà báo và phóng viên quốc tế, Tổng thống Nga Putin đã phủ nhận cáo buộc rằng Mátxcơva sử dụng nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào như một vũ khí của chính sách ngoại giao.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong thời điểm Nga liên tục có những đối đầu với Belarus và Ukraina về vấn đề năng lượng và khí đốt, làm gia tăng lo ngại cho các nước châu Âu về độ tin cậy của các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. 

Trước đông đảo các nhà báo quốc tế có mặt tại điện Kremlin, Tổng thống Putin khẳng định: Nga đối xử công bằng với tất cả các quốc gia trên thế giới, cũng như với 2 nước láng giềng Belarus và Ukraina. Cả 2 nước này đều có những tranh cãi về giá cả với Nga, khiến việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt từng bị gián đoạn. 

Tranh cãi với Belarus, trên danh nghĩa là đồng minh thân cận của Nga và là nơi có một đường ống chuyển dầu quan trọng từ Nga tới châu Âu đi qua, đã dẫn tới việc nguồn dầu của Nga ngừng chảy tại một số khu vực thuộc bắc Âu trong vài ngày. Sự việc đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo EU phải tiến hành đàm phán một hiệp ước hợp tác với Tổng thống Putin để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai.

 

Trong khi nhắc nhở các nhà báo rằng nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Nga sang các nước thuộc liên bang Xô-Viết đang giảm dần, ông Putin nói: "Có một luận điểm đang chĩa về phía chúng tôi rằng Nga sử dụng các nguồn lực kinh tế để đạt được các mục tiêu chính trị. Điều đó không đúng. Không ai bắt ép chúng tôi phải trợ cấp cho các nền kinh tế của các nước khác. Không ai làm thế, vậy tại sao chúng tôi phải làm?".

 

Ông Putin tỏ ra hài lòng với sự thịnh vượng cũng như ảnh hưởng mà lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga đã mang lại trong suốt 7 năm ông giữ cương vị lãnh đạo điện Kremlin. Từ khi ông Putin được bầu làm Tổng thống năm 1999, giá dầu thế giới đã tăng gấp 3 lên mức 60USD/ thùng và sản lượng dầu thô của Nga đã tăng hơn 30%.

 

Về mặt khí đốt, Nga cũng là nước có dự trữ khí đốt lớn nhất thế giới, khiến không ít nhà báo đặt câu hỏi lo ngại rằng các nước châu Âu sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn nữa vào sản lượng khí đốt xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Putin cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với các quốc gia sản xuất khí đốt lớn khác, trong đó có Iran, để điều chỉnh thị trường.

 

Ông Putin cũng tự tin khi tuyên bố tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2006 ước tính có thể lên mức từ 6,7-6,9% và tổng sản phẩm sản phẩm quốc nội ước đạt 1 nghìn tỉ USD, đưa Nga vào danh sách 1 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Trước khi cuộc họp báo diễn ra, đã xuất hiện những nghi ngờ cho rằng ông Putin có ý định sắp xếp người kế nhiệm là Phó thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Tuy nhiên, ông phủ nhật kế hoạch này: "Sẽ không có ai là người nối nghiệp. Phải có các ứng cử viên cho chức tổng thống. Mục tiêu của các nhà chức trách là đảm bảo các cuộc bầu cử được diễn ra một cách dân chủ".

 

Khi được hỏi về vụ ám sát nữ nhà báo Anna Politkovskaya - 1 trong 13 nhà báo bị ám sát trong thời gian ông Putin đảm nhiệm cương vị Tổng thống, nhà lãnh đạo Kremlin nói: "Không chỉ ở nước Nga và tất cả các nước khác, việc ngược đãi các nhà báo là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất".

 

Về trường hợp cựu nhân viên KBG Litvinenko bị đầu độc tại Anh hồi cuối năm 2006, Tổng thống Putin nói ông không tin rằng Litvinenko bị sát hại bởi những người chống đối Nga nhằm gây tai tiếng cho Kremlin. Tuy nhiên, Tổng thống từ chối đưa ra bất kỳ lời bình luận cá nhân nào và khẳng định: "Chỉ có điều tra mới cho câu trả lời cuối cùng". 

VTH
Theo Times