1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Putin - Obama ngầm hiểu nhau, Ukraina tự biết phận

Đối đầu quân sự và kinh tế với Nga và Putin không có lợi gì, Tổng thống Obama và lãnh đạo EU đều hiểu như vậy. Sự trừng phạt lẫn nhau sẽ khiến các bên thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Các bên đều ngầm hiều điều đó và Ukraina chắc cũng phải có ứng xử của mình.

Dò thiện ý

Ngày 24/9, phát biểu tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc trước sự có mặt của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Tổng thống (TT) Obama tiếp tục lên án những hành động gây căng thẳng của Nga ở châu Âu.

Tuy nhiên, điểm mới và nổi bật trong bài phát biểu của TT Mỹ không phải là các chỉ trích thường thấy mà là đề xuất bất ngờ mở lối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow với điều kiện: Nga thay đổi cách thức tiếp cận với cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định thỏa thuận ngừng bắn gần đây ở Ukraina đang mở ra cánh cửa hướng đến ngoại giao và hòa bình. Và “nếu Nga đi theo con đường đó, chúng tôi sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của mình và hoan nghênh vai trò của Nga trong giải quyết những thách thức chung”.

Sau nhiều tháng căng thẳng, đây có lẽ là lần đầu tiên Tổng thống Obama đề cập theo hướng tích cực và gần gũi khi nói về Nga.

Putin - Obama ngầm hiểu nhau, Ukraina tự biết phận

Đối đầu quân sự và kinh tế với Nga và Putin không có lợi gì, Tổng thống Obama và lãnh đạo EU đều hiểu như vậy
Mỹ dường như đã công nhận phần nào kết quả của cuộc ngừng bắn tại Ukraina cũng như vai trò của Nga trong việc giải quyết những thách thức chung mà Mỹ và Nga đã từng nhiều lần hợp tác trong quá khứ như: việc cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân, việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria…

Tín hiệu hạ nhiệt và “một con đường khác” dường như đã sẵn sàng sau khi các bên đều tự đánh giá cho rằng tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine tiến triển theo hướng tích cực.

Nó cũng đến trong bối cảnh, cả TT Nga Putin và Thủ tướng Medvedev gần đây đều không đe dọa phương Tây bằng hàng loạt các biện pháp trừng phạt mà các nhà lãnh đạo Nga liên tục đưa ra trước đó. Nhưng các nhà lãnh đạo Nga giờ đây thường chỉ còn cảnh báo về hậu quả hơn là ra tay một cách mạnh mẽ.

Gần đây, Ukraina cũng đã chấp nhận tạm mua khí đốt của Nga theo giá thị trường; hoãn việc thực thi hiệp định thương mại tự do giữa Ukraina và EU; đồng thời trao quyền tự trị đặc biệt tại một số khu vực ở miền Đông trong thời hạn 3 năm.

Ngầm hiểu nhau

Sự xuống nước trông thấy giữa các bên là một tín hiệu tốt để giải quyết xung đột tại khu vực. Nó đến từ sự nỗ lực và đấu tranh từ nhiều phía, nhưng có thể mạnh mẽ nhất là từ EU.

Trong nhiều tháng qua, dưới sức ép của Mỹ, EU đã 2 lần đưa ra 2 gói trừng phạt Nga. Tuy nhiên, cả 2 gói này đều gây ra sự tranh cãi lớn trong nội bộ các nước EU. Đức, Pháp và Anh vốn có nhiều mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng tới họ. Rất nhiều nước khác phụ thuộc và xuất khẩu sang thị trường Nga và quan trọng hơn là dầu và khí đốt.

Sự trừng phạt lẫn nhau sẽ khiến các bên thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

Sự trừng phạt lẫn nhau sẽ khiến các bên thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Cho đến giờ Nga chưa trả đũa gói trừng phạt thứ 2 của EU, nhưng các lệnh cấm nhập khẩu nông sản và thực phẩm trả đũa cho gói trừng phạt thứ 1 đã khiến nhiều nước châu Âu điêu đứng. Theo ước tính của Nghị viện châu Âu, có tới 10 triệu nông dân EU bị thiệt hại do lệnh cấm nhập nông sản của Nga.

Gói trừng phạt kinh tế thứ 2 vừa được EU gồng mình áp lên Nga hôm 12/9 vừa qua có lẽ là nỗ lực hết mình trong việc chấp nhận các “tác dụng phụ” của các nước EU Tuy nhiên, mỗi nước đều có những tính toán riêng của mình như trường hợp mập mờ ngừng bản hợp đồng trị giá hàng tỷ USD của Pháp đóng tầu tấn công chở trực thăng cho Nga…

Ngay cả khi có hiệu lực, gói trừng phạt số 2 cũng đã được EU rất cẩn thận để ngỏ về khả năng sẽ được rút lại và có thể được chính EU lựa chọn khi đánh giá về tình hình hòa giải tại Ukraine vào cuối tháng 9.

Những phát biểu khá tích cực phát đi từ ông Obama, ông Putin và phía EU gần đây đang là các tín hiệu tích cực trong việc giải quyết cuộc đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Nga đã thận trọng hơn khi cân nhắc thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây. EU đã mở sẵn một kịch bản quay lại hợp tác tốt đẹp. Trong khi đó, Mỹ cũng đã phát đi những tín hiệu coi trọng vai trò của Nga trong cả kinh tế lẫn chính trị. Nhất là khi, Mỹ đang phải tham gia vào rất nhiều vấn đề lớn trên thế giới như cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq… và Trung Quốc cũng đã tuyên bố lập trường không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương, không chính đáng và phản tác dụng chống lại Nga.

Có thể thấy, sự đối đầu về cả quân sự lẫn kinh tế đều mang lại những hậu quả và thiệt hại vô cùng lớn cho các bên liên quan. Sự kiềm chế lẫn nhau giữa các nước lớn là khó tránh khỏi. Các nước nhỏ ở giữa sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Trong cuộc xung đột ở Ukraina, nước này đã thiệt hại lớn về người và của. Nền kinh tế nước này đang rơi vào tình trạng kiệt quệ. Hiện tại các lãnh đạo Ukraine đang tìm cách chấm dứt cơn hoảng loạn tài chính và cầu cứu gói cứu trợ 27 tỷ USD từ IMF và EU nhưng tình hình bất ổn chưa dứt.

Xung đột tại miền Đông Ukraine có thể sắp chấm dứt sau những tín hiệu tốt đẹp nói trên. Mặc dù vậy, về lâu dài, khu vực này có lẽ vẫn là điểm nhạy cảm của thế giới.

Theo Văn Minh
Vietnamnet