1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Preah Vihear - Ngôi đền chỉ có một lối vào

(Dân trí) - Preah Vihear là ngôi đền đang được nhắc tới nhiều liên quan đến quan hệ Campuchia -Thái Lan, đặc biệt là sau khi đền được đưa vào danh mục Di sản Thế giới của UNESCO.

Preah Vihear là một ngôi đền toạ lạc trên một chỏm núi thuộc núi Dângrêk ở Campuchia, gần biên giới với Thái Lan. Phần nửa đền nằm bên vườn quốc gia Khao Phra Viharn của huyện Kantharalak thuộc tỉnh Sisaket của Thái Lan, một nửa đền thuộc tỉnh Preah Vihear của Campuchia.

 

Ngôi đền đầu tiên được bắt đầu xây dựng vào đầu thế kỷ 9, dùng để thờ thần Shiva. Các di vật được tìm thấy ở tỉnh này cho thấy khu vực này là khu định cư quan trọng của Đế quốc Khmer trong thế kỷ 12.

 

Kiến trúc đền mang phong cách Banteay Srei với điêu khắc trên đá sa thạch cực kỳ tinh xảo. Kiến trúc phức hợp của ngôi đền chạy theo trục bắc nam dài 800m, và bao gồm một bờ đường đắp cao và những bậc tam cấp dẫn lên điện thờ nằm trên đỉnh khu vực đền thờ phía Nam (cao 120m so với khu Bắc và 525m so với đồng bằng Cambuchia). Mặc dù cấu trúc này khác với những ngôi đền trên núi khác của Cambuchia được tìm thấy ở Angkor, nhưng ngôi đền cũng có cùng mục đích thờ phụng những vị thần ở đỉnh Meru. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các kiến trúc phụ xung quanh đền đều bị đổ nát nghiêm trọng.    

 

Preah Vihear - Ngôi đền chỉ có một lối vào - 1
Toàn cảnh ngôi đền Preah Vihear. 

Do ngôi đền được xây trên một mỏm đá thuộc lãnh thổ Campuchia (trước đây được cho là lãnh thổ Thái Lan), nhưng lối dẫn vào ngôi đền Preah Vihear nằm trên một vách đá dựng đứng cheo leo và không thể tiếp cận từ phía Campuchia. Điều này có nghĩa là, để tham quan được di sản này bắt buộc du khách phải đi từ phía cổng của vườn quốc gia Khao Phra Viharn của Thái Lan. Cambuchia cho phép khách viếng thăm ngôi đền không cần visa nhưng thỉnh thoảng biên giới bị đóng cửa vì những lý do khách quan.

 

Có điều, bây giờ không ai vào được khu đền.

 

Nguyên nhân từ quá khứ

 

Các yếu tố bất đồng từ trong lịch sử đóng vai trò trong cuộc tranh chấp hiện nay.

 

Thờ thần Shiva, Preah Vihear được xây dựng trong ròng rã hai thế kỷ, khi đạo Hindu còn là tôn giáo chính của đế chế Khmer mà lúc hưng thịnh nhất bao trùm phần lớn đất đai của Thái Lan bây giờ. Và không chỉ Preah Vihear, nhiều khu đền đài đặc trưng Hindu giáo rải rác khắp nơi trong vùng Đông Bắc Thái Lan.

 

Do ngôi đền nằm gần biên giới Campuchia và Thái Lan nên khu vực này bị tranh chấp cho đến ngày 15/6/1962, khi Tòa án Công lý Quốc tế phán quyết rằng ngôi đền thuộc Campuchia. Ngôi đền đã mở cửa trong một thời gian ngắn cho công chúng năm 1982 và năm sau bị Khmer Đỏ chiếm đóng.

 

Sau khi quân đội Campuchia giành lại khu đền Preah Vihear từ tay tàn quân Khmer Đỏ vào năm 1998, người Thái và người Khmer ở khu vực này đã hình thành một sự “cộng sinh” dễ dãi. Đường vào đền dễ đi nhất là từ phía Thái Lan, nên khách du lịch thường tới từ phía Thái. Quân đội hai bên chia nhau lợi tức từ phí vào đền. Mất độ 100 bạt mua tấm vé, là từ Thái Lan sang Campuchia trong khoảnh khắc, không visa cũng không cần hộ chiếu.

 

Ngôi đền được mở cửa lại vào cuối năm 1998 và Campuchia hoàn tất việc xây dựng năm 2003 sau một quãng thời gian dài. Năm 2007 Campuchia đề nghị công nhận Di sản văn hoá cho đền Preah Vihear nhưng đã bị UNESCO bác bỏ do còn tồn tại những bất đồng với Thái Lan và vì một phần Thái Lan bác bỏ và phản đối đề nghị này của Campuchia.      

 

Nguyên nhân ở hiện tại

 

Việc UNESCO trao danh hiệu Di sản Thế giới cho Preah Vihear được giới chính trị gia hai bên nắm lấy như công cụ hữu hiệu trong cuộc tranh giành quyền lực.

 

Cuộc tổng tuyển cử tại Campuchia sẽ được tiến hành ngày 27/7, và sự kiện nước này có di sản thế giới thứ ba chắc chắn là dấu son cho Thủ tướng Hun Sen, người cầm quyền đã 5 năm nay và hiện đang vận động cho nhiệm kỳ hai.

 

Tại Thái Lan, tình cảm của công chúng còn dâng cao hơn. Tình hình chính trị bất ổn tại Thái Lan là nguyên nhân chính làm bùng nổ tranh chấp hiện nay xung quanh đền Preah Vihear. Xã hội Thái Lan hiện đang phân cực sâu sắc, giữa một bên là những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và muốn ông quay trở lại chính trường, với bên kia là những người thù ghét lối lãnh đạo của ông Thaksin và không tin vào động cơ của chính phủ mới, vốn do đảng trung thành với ông Thaksin cầm quyền. Những người chỉ trích cáo buộc Chính phủ đã bán rẻ di sản của Thái Lan để làm lợi cho những lợi ích làm ăn của ông Thaksin tại Campuchia.

 

Một trong các toà án hàng đầu của Thái Lan đã cấm chính phủ được đưa ra đề nghị hợp tác nào với Campuchia. Kết quả là Ngoại trưởng Noppodol Pattama bị buộc p̣hải từ chức vào tuần trước, và ông là một trong 3 Bộ trưởng bị mất việc trong vòng 2 tháng qua.    

  

Nguyễn Viết

Tổng hợp tư liệu nước ngoài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm