1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây trong cuộc đua đối phó với xe tăng T-14 Armata của Nga

Với việc giới thiệu pháo tăng 130mm mới, Đức cũng như phương Tây muốn gửi thông điệp rõ ràng tới phía Nga rằng họ không hề tụt lùi trong cuộc đua đối phó với dòng xe tăng T-14 Armata, cũng như nhiều dòng vũ khí hiện đại khác của Nga.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ việc ra mắt pháo tăng 130mm mới chỉ là giải pháp tình thế và phương Tây giới thiệu một chương trình phát triển xe tăng tổng thể, có định hướng rõ ràng như Nga...

Việc Nga chính thức giới thiệu xe tăng thế hệ mới T-14 trên nền tảng khung gầm thiết giáp đa dụng Armata hồi năm 2015 với nhiều tính năng vượt trội là điều lo lắng cho giới chức phương Tây. “Mối nguy hiểm” xe tăng T-14 càng được hiện thực hóa bằng đánh giá của các chuyên gia quân sự phương Tây về việc các dòng xe tăng hiện đại như: Abrams (Mỹ), Leopard 2 (Đức), Chanlenger 2 (Anh)… hầu như không có cơ hội chiến thắng trước Armata trong cuộc chiến đối đầu.

Chính điều này đã buộc phương Tây khởi động các chương trình phát triển xe tăng và vũ khí chống tăng thế hệ mới chống lại “đối thủ” đến từ nước Nga.

Câu trả lời đầu tiên từ người Đức

Xét về nhiều mặt, Đức chính là cường quốc chế tạo của thế giới, trong đó có xe tăng. Chính những kinh nghiệm và công nghệ tích lũy từ Thế chiến 2 tới nay đã biến Đức trở thành “lò luyện” vũ khí tăng cho cả Mỹ và phương Tây.

Để “trả lời” lại việc Nga cho ra mắt xe tăng T-14 Armata, tại hội chợ Eurosatory-2016 đang diễn ra tại Paris, hãng chế tạo Đức Rheinmetall Weapon and Munition đã chính thức giới thiệu nguyên mẫu pháo tăng thế hệ mới nòng trơn cỡ 130mm, dài 6,5m với tỷ lệ Caliber đạt mức 51. Pháo tăng mới có tổng trọng lượng đạt 3 tấn, trong đó nòng pháo chính nặng 1,4 tấn.

Phương Tây trong cuộc đua đối phó với xe tăng T-14 Armata của Nga - 1
Phương Tây trong cuộc đua đối phó với xe tăng T-14 Armata của Nga - 2
Mô hình pháo 130mm do Rheinmetall giới thiệu.
Mô hình pháo 130mm do Rheinmetall giới thiệu.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, hiệu năng chiến đấu của pháo tăng mới tăng 50% so với dòng pháo tăng hiện đại nhất Rheinmetall L55 cỡ 120mm đang trang bị trên xe tăng Leopard 2. Pháo tăng 130mm mới sử dụng công nghệ ổn định nòng mới và hai dòng đạn chính, gồm đạn chống tăng dưới cỡ sử dụng thanh xuyên hợp kim tungsten và đạn nổ phá mảnh có ngòi nổ điện tử giúp kích nổ đạn theo ý muốn ở mọi khoảng cách.

Việc phát triển pháo tăng mới do Rheinmetall Weapon and Munition tự thực hiện từ năm 2015. Quá trình thử nghiệm pháo 130mm mới sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016 và sử dụng tháp pháo tiêu chuẩn của xe tăng Leopard 2 (phục vụ các gói nâng cấp trong tương lai gần) và có thể là pháo chính trên dòng xe tăng tương lai do Đức và Pháp hợp tác phát triển kể từ sau những năm 2020.

Phương Tây hụt hơi?

Trong hàng chục năm qua, sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, với “lá chắn bảo vệ của NATO”, phương Tây không hề chú tâm phát triển xe tăng mới, mà chỉ đưa ra các gói nâng cấp với mục đích kéo dài thời gian sử dụng của các khung gầm xe tăng cũ ra mắt từ những thập kỷ 1970, 1980, nhưng trên nền khung thân cũ, các gói nâng cấp chỉ giúp cải thiện hiệu năng chiến đấu, chứ không thể tạo ra sự đột biến như thiết kế hoàn toàn mới.

Trong khi đó, sau khi liên bang Xô Viết tan vỡ, Nga bỏ tư duy chế tạo xe tăng theo hướng chiến tranh tổng lực, để tập trung nguồn lực cho thế hệ xe tăng mới với nhiều tính năng đột biến. Kết quả của quá trình này chính là sự ra đời của nền tảng khung gầm thiết giáp đa dụng Armata, trong đó có cả xe tăng T-14.

Xét về mặt kỹ thuật, kể cả với pháo tăng 130mm mới, xe tăng Leopard 2 chưa hẳn là đối thủ xứng tầm với T-14. Đấu tăng không chỉ cần pháo lớn, mà còn là tổng hòa của nhiều yếu tố về hỏa lực, khả năng phòng vệ chủ động và thụ động.

Vấn đề là với pháo tăng mới, xe tăng Leopard 2 có thể phát hiện trước xe tăng T-14, tiếp cận đủ gần để tối ưu hỏa lực đạn chống tăng dưới cỡ chống lại xe tăng Nga. Trong khi đó, “đối thủ” của xe tăng Đức có đủ các phương tiện để bắn hạ ở đối phương ở khoảng cách 4-5km với tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo chính và 2km với đạn chống tăng dưới cỡ.

Điều này còn chưa kể tới hệ thống phòng ngự 4 lớp (giáp chính, giáp phản ứng nổ, hệ thống phòng ngự chủ động và thiết kế đặc biệt giảm khả năng bị phát hiện) của xe tăng T-14 được đánh giá cung cấp bảo vệ xe và kíp lái tốt nhất thế giới hiện nay.

Với xe tăng T-14 Armata, công nghệ chế tạo xe tăng của Nga đang vượt trước Mỹ và phương Tây từ 10-15 năm.
Với xe tăng T-14 Armata, công nghệ chế tạo xe tăng của Nga đang vượt trước Mỹ và phương Tây từ 10-15 năm.

Ngoài ra, giải pháp tăng kích cỡ pháo chính lên 130mm trên khung xe tăng Leopard 2 vốn được tối ưu cho cho pháo 120mm sẽ đặt ra một loạt vấn đề về độ ổn định của khung thân xe tăng, cũng như vấn đề về cơ số đạn mang theo trong chiến đấu. Đây là yếu tố rất quan trọng trong thiết kế xe tăng.

Thiết kế xe tăng T-14 mới có tính mở cao. Khung thân xe lớn, nhiều bánh chịu lực hơn so với các dòng xe tăng T-80, T-90 cũ cho phép tích hợp pháo chính cỡ nòng lớn (T-14 hiện đang dùng pháo chính cỡ 125mm tương tự như trên xe tăng T-90).

Theo nhiều nguồn tin, trong tương lai, xe tăng T-14 có thể được trang bị pháo chính cỡ 152mm với khả năng bắn đạn chống tăng xuyên tới 1m giáp thép đồng nhất (RHA) với tầm bắn lớn hơn. Với hỏa lực mới này, sẽ không có xe tăng phương Tây hiện đại nào là đối thủ của xe tăng Armata cho tới khi xe tăng thế hệ mới của Đức và Pháp xuất hiện (dự kiến vào năm 2025).

Với việc giới thiệu pháo tăng 130mm mới, Đức cũng như phương Tây muốn gửi thông điệp rõ ràng tới phía Nga rằng, họ không hề tụt lùi trong cuộc đua đối phó với dòng xe tăng T-14 Armata, cũng như nhiều dòng vũ khí hiện đại khác của Nga.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ việc ra mắt pháo tăng 130mm mới chỉ là giải pháp tình thế và phương Tây giới thiệu một chương trình phát triển xe tăng tổng thể, có định hướng rõ ràng như Nga. Trong lĩnh vực xe tăng, phương Tây đang cuốn vào một cuộc đua giữa mà họ đang có phần hụt hơi so với người Nga.

Theo Tuấn Sơn

Quân đội nhân dân