1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây “tiến thoái lưỡng nan” trước Nga

(Dân trí) - Căng thẳng Nga - Gruzia hiện nay đang đặt phương Tây trước lựa chọn khó khăn: Trừng phạt Nga bằng cách loại nước này ra khỏi các nhóm như G8 hay theo đuổi chiến lược xoa dịu, để rồi nhận tiếp những lời than phiền từ phía các nước như Ukraine hay Moldova.

Cho đến nay, hành động của phương Tây vẫn chưa “ăn khớp” với những lời lẽ gay gắt, nặng nề của họ đối với Nga.

 

Ngoại trừ hủy bỏ một số buổi tập trận chung và lên án hành động của Mátxcơva, các quốc gia phương Tây tìm được ít điểm chung, trong khi Nga là nước “mở màn” vào ngày thứ ba vừa qua, khi chính thức công nhận sự độc lập của hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Gruzia.

 

Cả Mỹ và Anh đều có những lời lẽ gay gắt. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice thì cảnh báo Mátxcơva rằng phương Tây sẽ không “ngồi im” giống như thời Chiến tranh lạnh khi Nga đưa quân vào Hungary và Tiệp Khắc (cũ).

 

Ngày hôm sau, người đồng cấp nước Anh của bà Rice, Ngoại trưởng David Miliband, cũng đã phản ứng gay gắt với tuyên bố của Tổng thống Medvedev rằng nước Nga “không sợ bất kỳ điều gì, kể cả một cuộc Chiến tranh lạnh”.

 

“Tổng thống Nga nói ông ấy không sợ một cuộc Chiến tranh lạnh mới”, Miliband phát biểu khi đang tới thăm Ukraine trong sứ mệnh tìm kiếm đồng minh phản đối các động thái mới của Nga. “Chúng tôi không muốn một cuộc chiến như thế. Ông ấy phải có trách nhiệm lớn không khơi mào cho một cuộc chiến như thế”.

 

Tuy nhiên, bất chấp những lời “đao to búa lớn”, các nhà phân tích vẫn cho rằng khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh lạnh là rất khó. “Cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực Cápcadơ không đánh dấu sự trở lại của một cuộc Chiến tranh lạnh và cũng không thể bắt đầu một cuộc chiến mở giữa Nga và phương Tây”, Dominique Moisi, một nhà phân tích chính trị của Viện quan hệ quốc tế Pháp tại Paris nhận định trong một bài báo.

 

Tuy nhiên, nhiều nước Đông Âu đã gia nhập cùng Washington và London kêu gọi có hành động cứng rắn đối với Nga, như ngưng đàm phán về một thỏa thuận hợp tác giữa EU-Nga, gây khó khăn trong nỗ lực gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) của Nga và loại Nga ra khỏi nhóm các nước G8. Bên cạnh đó, Đức, Italia và các nước khác vẫn nhấn mạnh cần phải thận trọng.

 

Cơ hội lớn nhất đầu tiên của các nước phương Tây để có một phản ứng hợp nhất về động thái mới của Nga đến vào hôm thứ hai tới, khi lãnh đạo của 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp ở Brusssels, Bỉ, trong một cuộc họp khẩn kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết không mong đợi được gì nhiều từ cuộc họp lần này.

 

“Nga biết rằng khi đến lúc phải giải quyết một chính sách an ninh và ngoại giao nghiêm trọng, châu Âu chỉ toàn “nói mồm””, Chris Patten, cựu ủy viên hội đồng châu Âu phụ trách các vấn đề đối ngoại và là thị trưởng Hồng Kông cuối cùng của Anh cho biết trên tờ tuần báo European Voice. “Tôi nghi ngờ về khả năng sẽ có động thái mạnh hơn lời nói”.

 

Theo nhiều nhà phân tích, lý do bởi nằm “lơ lửng” bên trên cuộc khủng hoảng này luôn luôn là vấn đề năng lượng.

 

Nga cung cấp cho EU khoảng 1/3 lượng dầu và 1/5 lượng khí đốt tự nhiên của mình. Trên thực tế, Nga hoàn toàn có thể khóa các đường ống cung cấp nếu họ muốn. Đức, một trong những khách hàng châu Âu lớn nhất của dầu khí Nga, đã có quan hệ mật thiết với các công ty Nga. Các công ty của Đức và Nga cũng đang hợp tác trên một dự án đường ống dầu khí nhiều tỷ đô la dưới lòng Biển Baltic.

 

Mối quan hệ thân thiết đó đã khiến nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu có cách tiếp cận rất thận trọng đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.

 

“Tôi đề nghị tất cả cần phải có phản ứng thận trọng”,  Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, người hiện là chủ tịch Hội nghị an ninh Munich hàng năm, cho biết.

 

“Trong số đối tác của chúng ta, thực sự có một số có vẻ như không biết rõ một thực tế là …bất kỳ ai đi qua một cánh cửa phải biết cách trở lại”, ông Ischinger phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

 

Ngoài ra, theo đánh giá của các nhà phân tích, không phải tất cả các nguy cơ đều đổ vào phương Tây. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng ảnh hưởng tới cả Nga. Thị trường chứng khoán Mátxcơva bị sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua kể từ khi xảy ra căng thẳng giữa Nga và Gruzia. Nhiều người lo ngại rằng các khoản đầu tư của phương Tây sẽ bị rút ra khỏi các dự án hạ tầng quan trọng tại Nga.

 

“Một khi Nga thấy rằng họ không đạt được bất kỳ mục đích nào trong các mục đích chiến lược của mình, Nga sẽ buộc phải lùi bước, xem lại vị trí của mình, và có đường hướng hợp lý hơn với Gruzia”, Alexander Lomaia, người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Gruzia nhận xét.

 

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Lomaia không phải là một nhà quan sát công bằng. Quan điểm của ông có thể dựa trên mong muốn của một đất nước vừa bị thiệt hại nặng nề trong vài tuần qua, và đang phải chờ sự giúp đỡ của các đồng minh.

 

Với cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan và Iraq, một nền kinh tế trên bờ vực suy thoái, và đang bị “sao nhãng” bởi cuộc bầu cử tổng thống, Washington không ở trạng thái “sung mãn” để biến lời nói của họ thành hành động.

 

“Nga biết rõ rằng Mỹ bị vướng vào các cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, và cần sự ủng hộ của Nga, như ở Afghanistan”, Zdzislaw Lachowski, trưởng dự án An ninh châu Âu – Đại Tây Dương, khu vực và Toàn cầu có trụ sở ở Stockholm cho biết. “Họ nghĩ họ có thể thành công với vấn đề Gruzia. Họ đã tính toán rất kỹ”.

 

Nguyên Hạ

Theo AP