1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây nhất trí hỗ trợ tài chính cho phe nổi dậy Libya

(Dân trí) - Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya hôm qua đã nhất trí tiến hành một “cơ chế tài chính tạm thời” nhằm giúp phe nổi dậy Libya. Nhóm các cường quốc phương Tây và các quốc gia Trung Đông này cũng lần đầu tiên kêu gọi nhà lãnh đạo Gaddafi từ chức.

 

Phương Tây nhất trí hỗ trợ tài chính cho phe nổi dậy Libya - 1

“Nhóm tiếp xúc Libya” gồm nhiều nước châu Âu và quốc gia Trung Đông cùng với LHQ, Liên đoàn Ảrập và Liên minh châu Phi.

Trong một động thái được cho là chiến thắng đối với Anh và Pháp, 2 nước đang dẫn đầu chiến dịch quân sự ở Libya cũng như chiến dịch kêu gọi thay đổi chế độ ở nước này, “nhóm tiếp xúc Libya” gồm nhiều nước châu Âu và quốc gia Trung Đông cùng với LHQ, Liên đoàn Ảrập và Liên minh châu Phi, đã tuyên bố ông Gaddafi phải ra đi.

Trong tuyên bố cuối cùng đưa ra tại cuộc họp tổ chức tại Qatar hôm qua, các nhà ngoại giao phương Tây và Arập cũng bênh vực cho những nỗ lực quân sự của quốc tế tại Libya và cam kết ủng hộ thêm về tiền bạc, chính trị và nhân đạo cho phe đối lập Libya.

 

Ngoài ra, Nhóm tiếp xúc đã nhất trí với thỏa thuận nhằm thúc đẩy một “cơ chế hỗ trợ” cho Hội đồng quốc gia lâm thời Libya, đại diện cho phe nổi dậy, cung cấp những nhu cầu tài chính ngắn hạn cho phe này.

 

Mục tiêu là duy trì các dịch vụ cơ bản ở các khu vực do phe nổi dậy nắm giữ, Ngoại trưởng Anh William Hague giải thích.

 

Thỏa thuận dự kiến sẽ thành lập một cơ chế tài chính tạm thời và sẽ dùng các nguồn tiền bị đóng băng ở nước ngoài của ông Gadhafi cũng như chính phủ Libya để đáp ứng nhu cầu của 3,6 triệu dân.

 

Nhóm tiếp xúc cảnh báo có tới 3,6 triệu người ở Libya cần được hỗ trợ nhân đạo sau nhiều tuần xung đột giữa phe nổi dậy và lực lượng trung thành với ông Gadhafi ở nhiều thành phố miền đông và miền tây đất nước.

 

Các thành viên của Nhóm tiếp xúc đã kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa đối với chính quyền của ông Gadhafi nhưng cũng bất đồng về việc hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy cũng như gia tăng các cuộc không kích nhằm vào quân của ông Gadhafi.
 
Tại Benghazi, người phát ngôn của Hội đồng quốc gia lâm thời của quân nổi dậy đã nói với báo giới rằng có thể 3 nước sẽ cung cấp vũ khí cho lực lượng này, nhưng không tiết lộ đó là những nước nào.
 
Dư luận phương Tây cho rằng rõ ràng, thế giới đang e ngại tình hình Libya có thể lâm vào một cuộc nội chiến kéo dài. Báo chí dẫn lời Ngoại Trưởng Anh William Hague nói: “Nếu Gadhafi ra đi, cuộc chiến sẽ chấm dứt và tiến trình cải cách dân chủ ở nước này sẽ mạnh mẽ hơn”.

Trong khi đó, hôm qua, NATO đã tiến hành những cuộc không kích mới nhằm vào các mục tiêu của quân ủng hộ nhà lãnh đạo Gadhafi, sau khi lãnh đạo phe nổi dậy thúc giục chiến dịch mạnh hơn để hỗ trợ lực lượng này chiếm lại các vùng lãnh thổ từ quân chính phủ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận giữa các thành viên NATO về quyết định tăng cường không kích để trợ giúp cho quá trình lật đổ ông Gadhafi vẫn chưa ngã ngũ.

Cuộc họp tiếp theo của Nhóm tiếp xúc sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tại Italia, nước thứ hai công nhận Hội đồng quốc gia lâm thời Libya là đại diện hợp pháp của người dân Libya.

 

Nhóm tiếp xúc Libya được thành lập vào cuối tháng 3 vừa qua tại London, bao gồm đại diện các quốc gia đồng minh trong chiến dịch chống lại chính quyền Gadhafi cũng như các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức hiệp ước bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Phan Anh - Trà Giang

Theo AP