1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây lo cho tình thân Nga-Trung

"Mặc dù thể hiện tình hữu nghị, song Nga và Trung Quốc đang hoài nghi lẫn nhau, gây cản trở đáng kể khả năng hợp tác của hai nước".

Đề phòng lẫn nhau

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Nga chính thức từ ngày 3-5/7.

Tối 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc tiếp đón và gặp gỡ không chính thức với ông Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo sau đó còn cùng dùng bữa tối thân mật.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin bày tỏ nhất trí rằng hai nước cần tăng cường ủng hộ lẫn nhau, đẩy mạnh phối hợp trong các vấn đề lớn của khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường liên lạc, phối hợp giữa hai nước khi giải quyết các vấn đề lớn, tăng cường trao đổi về chính sách và phối hợp hành động trong các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu để đối phó với những nguy cơ và thách thức, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới.


Tổng thống Nga V. Putin (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin tối 3/7

Tổng thống Nga V. Putin (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin tối 3/7

Giới phân tích cho rằng đây là cơ hội để Nga và Trung Quốc thúc đẩy các cuộc đối thoại song phương về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế nổi cộm, như bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Syria, quan hệ thương mại-kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai cường quốc này có thể tiến xa tới đâu vẫn là điều cần phải xem xét kỹ.

Trước thềm chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình, tạp chí The Diplomat đưa tin ngày 29/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận việc hai nước ký kết lộ trình hợp tác quân sự giai đoạn 2017-2020.

Việc ký kết này đã diễn ra từ đầu tháng, trong cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 2/7 dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên sẽ ký một thỏa thuận nhằm nghiên cứu tính khả thi của việc kết hợp sáng kiến “Vành đai và Con đường” với các lợi ích và hoạt động của Liên minh Kinh tế Á-Âu mà Nga hậu thuẫn.

Báo này cho rằng đây sẽ là một nội dung then chốt trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung, dự kiến diễn ra ngày hôm nay, 4/7.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ lạc quan thận trọng về mối quan hệ có vẻ nồng ấm này. Nhà nghiên cứu Jonathan Hilman, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, có trụ sở tại Washington, cho rằng mặc dù Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga đã thể hiện tình hữu nghị, song Kremlin vẫn luôn lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các nước Trung Á mà họ vẫn coi là sân sau của mình, và hoài nghi là nhân tố đang cản trở đáng kể khả năng hợp tác của hai nước.


 Tàu chiến Nga và Trung Quốc tập trận chung trên Biển Hoa Đông

Tàu chiến Nga và Trung Quốc tập trận chung trên Biển Hoa Đông

Ông nói: “Những tuyên bố không đi cùng với thực tế”, và kế hoạch mà Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trước thềm chuyến công du lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng “chỉ là để thể hiện mối quan tâm trong việc thúc đẩy quan hệ song phương”, chứ không phải là đánh dấu bước đột phá then chốt giữa Nga và Trung Quốc.

Cùng có chung quan điểm nói trên, nhà nghiên cứu Gustav Gressel, hiện đang làm việc cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho rằng Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để tái định hình các quan hệ thương mại tại châu Á và châu Âu, đổ tiền vào việc xây dựng các tuyến đường xe lửa cùng nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác tại các nước từng thuộc Liên Xô cũ, mà Nga xem là thuộc quỹ đạo của mình, song Nga có thể bị gạt ra ngoài lề kế hoạch đầy tham vọng này.

Ông Gressel nói: “Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, Nga được xem là một đối tác ‘khó nhằn’.

Mức độ chính trị hóa và tình trạng tham nhũng trầm trọng (kể cả khi so với các tiêu chuẩn của Trung Quốc), cũng như chi phí lao động thiếu cạnh tranh, độ kết nối với các thị trường châu Âu không lớn khiến Nga khó có thể xem là điểm đến thu hút với giới đầu tư Trung Quốc”.

Kể xấu cả Nga và Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tới hơn 20 lần kể từ khi lên nắm quyền năm 2012.

Tuy nhiên, bất chấp những chuyến thăm diễn ra thường xuyên và hàng loạt thay đổi của bối cảnh địa chính trị, mục tiêu hợp tác kinh tế sâu rộng hơn giữa hai nước dường như vẫn chưa trở thành hiện thực.

Giám đốc viện nghiên cứu chính sách Eurasia Group Ian Bremmmer được NBC News dẫn lời bình luận: “Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Trong khi đó, dù vị thế chính trị của ông Putin không ngừng được củng cố, Nga lại đang là một quốc gia gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu”.

Quan hệ kinh tế gần gũi hơn là mục tiêu mà cả Moscow và Bắc Kinh đã bắt đầu tìm kiếm từ năm 2014, khi Nga bắt đầu bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Nga khi đó đã phải hướng Đông để tìm kiếm nguồn tài chính thay thế cho tuyến huyết mạch bị phương Tây cắt đứt trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc.


Phương Tây cho rằng hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc liên tục thể hiện tình thân nhưng đằng sau lại nghi ngờ nhau

Phương Tây cho rằng hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc liên tục thể hiện tình thân nhưng đằng sau lại nghi ngờ nhau

Năm 2014, Nga ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt có thời hạn 30 năm và trị giá tới 400 tỷ USD cho Trung Quốc. Thỏa thuận này đã đem lại những lợi ích to lớn cho cả hai phía bởi Trung Quốc đang trong cơn khát năng lượng và không muốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Trung Đông, vốn phải trung chuyển qua tuyến đường Biển Đông đầy rẫy tranh chấp.

Tuy nhiên, theo NBC News, ngoài thỏa thuận này, Nga dường như không tỏ ra mấy mặn mà trong việc lôi kéo Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu Gustav Gressel nói: “Nga phô trương ý định ‘xoay trục’ về châu Á, song lại không hiện thực hóa nó một cách mạnh mẽ, ít nhất là đúng như những gì Kremlin kỳ vọng”.

Không chỉ vậy, quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây không mấy tích cực, thậm chí bị xem là khá trì trệ. Theo NBC News, mặc dù kim ngạch thương mại Nga-Trung chỉ xếp sau kim ngạch Nga-EU, với 9,6% khối lượng xuất khẩu của Nga trong năm 2016 là sang Trung Quốc, tăng so với mức 7,5% của năm 2014, song Moscow lại không nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh.


Phương Tây đang lo sợ liên minh Nga-Trung nên tìm mọi cách lý gián và nói xấu hai nước?

Phương Tây đang lo sợ liên minh Nga-Trung nên tìm mọi cách lý gián và nói xấu hai nước?

Nhà kinh tế hàng đầu của tổ chức Capital Economies Andrew Kenningham nói: “Nga không phải là điểm đến đầu tư thu hút của Trung Quốc bởi những lo ngại về nguy cơ và tính minh bạch, cũng như việc thực tế các tài sản trí tuệ của Nga không mấy hấp dẫn hay tương đồng với các lợi ích của Trung Quốc”.

Nhà nghiên cứu Andrew Hammond, hiện đang làm việc tại Trường Kinh tế London, cho rằng với “bảng thành tích” nghèo nàn trong quan hệ song phương thời gian qua, người ta không nên quá kỳ vọng vào kết quả chuyến thăm này dù hai nước đều có những tuyên bố tỏ ý muốn thúc đẩy hợp tác chiến lược trong các vấn đề từ Trung Đông cho tới châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều nhà quan sát cho rằng với khả năng khía cạnh kinh tế khó có những bước đột phá quan trọng, cuộc gặp thượng đỉnh lần này giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình chủ yếu là vì mục đích chính trị trong nước, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2018.

Theo Thành Minh

Báo Đất việt