1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phụ nữ, trên 27 tuổi – Gái ế ở Trung Quốc

(Dân trí) - Trên 27 tuổi? Chưa kết hôn? Phụ nữ? Ở Trung Quốc, bạn có thể bị chính các cơ quan nhà nước gọi là “gái thừa” hay “gái ế”. Nhưng một số phụ nữ có học cao ngày nay vẫn sống vui vẻ khi độc thân.

Phụ nữ, trên 27 tuổi – Gái ế ở Trung Quốc


Huang Yuanyuan làm việc muộn tại một phòng tin tức của đài phát thanh Bắc Kinh. Cô cũng cảm thấy áp lực về ngày mai, khi cô bước sang tuổi 29. “Sợ thật. Tôi lại thêm một tuổi”, cô cho hay. “Tôi rất lo lắng”.

Tại sao ư? “Bởi tôi vẫn còn độc thân, không có bạn trai. Tôi bị thúc ép phải cưới chồng”.

Huang là một phụ nữ tự tin, duyên dáng, với đồng lương tốt, có căn hộ riêng, có bằng MA của một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và có hàng tá bạn bè.

Nhưng cô cũng biết rằng ngày nay, những vụ nữ độc thân ở thành thị, có học thức như cô tại Trung Quốc bị gọi là “gái thừa” hay “gái ế”.

Cô cảm thấy áp lực từ phía bạn bè và gia đình mình. Và từ “gái ế” cũng được đài phát thanh nhà nước Trung Quốc dùng. Thậm chí, trang web của hiệp hội phụ nữ, cơ quan chính phủ Trung Quốc, cũng có những bài viết về “gái ế” và chỉ rút xuống cho đến khi bị một số phụ nữ phản đối.

Báo chí nhà nước Trung Quốc bắt đầu dùng từ “gái ế” (sheng nu) vào năm 2007. Cũng cùng năm này chính phủ cảnh báo về sự bất cân bằng giới tính trầm trọng ở Trung Quốc, mà nguyên nhân là do việc nạo phá thai chọn giới tính vì chính sách một con ở nước này.

Nguyên nhân khiến “gái ế”?

Số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy số đàn ông dưới 30 tuổi nhiều hơn số phụ nữ cùng lứa tuổi tới 20 triệu.

“Kể từ năm 2007, báo chí nhà nước đã phổ biến từ này trong các cuộc khảo sát, trong các bài báo, bài bình, tranh ảnh, “bêu” phụ nữ có học từ độ tuổi trên 27 hoặc 30 vẫn còn độc thân”, Leta Hong-Fincher, một người Mỹ làm nghiên cứu tiến sỹ về xã hội học ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho hay.

Các số liệu về dân số Trung Quốc cho thấy khoảng 1/5 phụ nữ từ độ tuổi 25-29 vẫn chưa kết hôn.

Và tỉ lệ đàn ông chưa kết hôn ở tuổi này còn cao hơn, hơn 1/3. Song điều này không có nghĩa là họ dễ dàng kết đôi bởi đàn ông Trung Quốc có xu hướng “cưới người thấp hơn”, kể cả về tuổi cũng như trình độ học vấn.

“Có quan niệm rằng những người đàn ông chất lượng A sẽ tìm những phụ nữ chất lượng B, những đàn ông chất lượng B sẽ tìm những phụ nữ chất lượng C, và đàn ông C sẽ tìm phụ nữ D”, Huang Yuanyuan, cho hay. “Những người còn lại là những phụ nữ chất lượng A và đàn ông chất lượng D. Vì vậy nếu bạn là “gái thừa”, bạn là gái “chất lượng A”.

Nhưng theo Leta Hong-Fincher, chính những phụ nữ thông minh, có học vấn cao, “chất lượng A” là những người chính phủ mong muốn có nhất. Nhà nghiên cứu dẫn một tuyên bố về dân số do Bộ chính trị Trung Quốc đưa ra vào năm 2007. “Vì Trung Quốc đối mặt với áp lực dân số chưa từng có tiền lệ, và chất lượng nói chung của dân số quá thập nên đất nước phải cải thiện chất lượng dân số”.

Một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã phải tổ chức các buổi gặp mặt, mai mối, để phụ nữ trẻ có học thức có thể gặp gỡ những anh chàng độc thân phù hợp. Mục đích không chỉ để “nâng cấp” gen, mà theo bà Fincher, còn để càng nhiều anh chàng độc thân càng bị “đóng thuyền” càng tốt, nhằm giảm đội quân những chàng độc thân mệt mỏi, có thể gây ra vấn nạn xã hội.

Nhưng xu hướng nhìn xuống dưới để tìm phụ nữ chưa kết hôn ở độ tuổi nhất định không chỉ riêng chính phủ khuyến khích.

Chen (không phải tên thật) làm việc cho một công ty tư vấn đầu tư, hiểu việc này quá rõ. Cô độc thân và sống ở Bắc Kinh, xa cha mẹ ở một thành phố miền nam bảo thủ. Cô cho biết bố mẹ cô xấu hổ vì có một cô con gái 38 tuổi chưa chịu lấy chồng như cô. “Họ không muốn tôi đi cùng họ ở những chỗ tụ họp đông người, bởi họ không muốn người khác biết họ có một cô con gái nhiều tuổi đến vậy mà chưa lấy chồng”, cô cho hay.

“Họ sợ bạn bè và hàng xóm sẽ coi tôi là sinh vật lạ. Và cha mẹ tôi cũng sẽ cảm thấy bị mất thể diện, khi bạn bè họ đã có cháu chắt đề huề”.

Cha mẹ Chen đã cố gắng mai cho cô nhiều mối. Có thời điểm cha cô còn dọa từ cô nếu cô không chịu kết hôn trước cuối năm.

Giờ đây họ nói nếu cô không tìm được ai, cô có thể về nhà sống với họ.

Chen biết rõ cô muốn gì, một người “chân thành và trách nhiệm”, một người bạn đồng hành tốt, không thì thà ở vậy.

“Gái ế” bị bêu?

Trong khi đó, báo chí nhà nước vẫn tiếp tục có một loạt bài nhằm vào kiểu phụ nữ học cao “kén cá chọn canh” này.

“Những cô gái xinh đẹp không cần học nhiều để kết hôn với một anh chàng nhà giàu, quyền lực. Nhưng những cô gái có vẻ ngoài trung bình hoặc xấu xí sẽ rất khó”, một trích dẫn từ bài báo có tựa đề “Gái ế không đáng được chúng ta cảm thông” đăng trên trang web của Liên đoàn phụ nữ toàn Trung Quốc hồi tháng 3 năm 2011.

Bài báo còn cho rằng “những cô gái này hi vọng học tập thêm để nâng cao khả năng cạnh tranh của họ. Thảm kịch là, họ không nhận ra ở phụ nữ tuổi đó, họ ngày càng “mất giá”. Vì vậy đến lúc họ có bằng thạc hay tiến sỹ, họ giống như những viên ngọc trai đã ngả vàng.”

Liên đoàn phụ nữ Trung Quốc đã từng có hơn 15 bài báo trên trang web của họ về chủ đề “gái ế”, như mách nước cho “gái ế’ nổi bật giữa đám đông, lời khuyên khi gặp đối tượng được mai mối, và thậm chí cả phân tích tâm lý vì sao phụ nữ muốn kết hôn muộn.

Vài tháng trước, họ đã bỏ từ “gái ế” trên trang web và giờ đây gọi họ phụ nữ nhiều tuổi chưa kết hôn (mà họ phân loại là trên 27 tuổi hoặc trên 30). Tuy nhiên từ đó vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi khác.

Fan Aiguo, tổng thư ký hiệp hội nghiên cứu hôn nhân và gia đình Trung Quốc, một tổ chức độc lập trực thuộc Liên đoàn phụ nữ toàn Trung Quốc cho rằng báo chí phải ngừng cách gọi trên và phải tôn trọng quyền phụ nữ.

Việc gọi phụ nữ 27 hoặc 30 tuổi là “gái ế” nghe có vẻ lạ lùng đối với người phương Tây, song ở Trung Quốc phụ nữ có truyền thống kết hôn sớm. Tuy nhiên, tuổi kết hôn ngày một tăng lên, và điều này được thấy rõ ở những nơi phụ nữ học cao.

Năm 1950, tuổi trung bình phụ nữ thành thị kết hôn lần đầu tiên ở Trung Quốc chỉ dưới 20. Đến những năm 1980, tuổi này là 25 và giờ đây là khoảng 27.

Một giám đốc marketing 29 tuổi, dùng tên tiếng Anh là Elissa, cho biết độc thân ở tuổi cô không đến nỗi tệ. “Sống một mình, tôi có thể làm bất kỳ thứ gì tôi muốn. Tôi có thể đi chơi cùng những người bạn thân bất kỳ khi nào tôi muốn”, cô nói. “Tôi yêu công việc của tôi và tôi có thể tự làm được nhiều điều, như đọc sách, tới rạp chiếu phim”.

“Tôi có nhiều người bạn vẫn độc thân quanh mình, vì vậy chúng tôi có thể dành nhiều thời gian bên nhau”.

Cô cho biết, lẽ dĩ nhiên cô đã trải qua một vài cuộc hẹn hò qua mai mối trong giờ ăn trưa, do bố mẹ cô muốn vậy. Nhưng cô cho biết những cuộc hẹn hò đó là “thảm họa”.

 

“Tôi làm điều này không vì tôi muốn, nhưng vì bố mẹ tôi muốn thế. Tôi muốn họ không lo lắng. Nhưng tôi không tin vào các cuộc hẹn mai mối. Làm sao có thể biết được một người theo cách này.

 

Elissa cho biết cô mong muốn gặp được người phù hợp, nhưng điều đó sẽ xảy ra khi đến lúc. Trong khi đó, cuộc sống vẫn tốt đẹp và cô phải trở lại làm việc.

 

Vũ Quý

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm