1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phụ nữ Hồi giáo và môn quyền anh

Mỗi khi ra đường cô gái Razia Shabnam, 23 tuổi, đều nghe câu nói: "Cô ta là dân đánh quyền Anh chuyên nghiệp đó. Nên cẩn thận!". Shabnam còn hơn là một nữ võ sĩ quyền Anh.

Đến với võ đài, tức là Shabnam đã dũng cảm chống lại người thân và láng giềng trong khu phố nghèo nàn Hồi giáo ở Calcutta,  nơi mà phụ nữ chỉ biết sống đời sống khép kín với tôn giáo.

 

Shabnam là nữ võ sĩ quyền Anh Hồi giáo đầu tiên của Ấn Độ có đẳng cấp quốc tế. Điều quan trọng hơn nữa là Shabnam muốn các cô gái Hồi giáo nghèo khổ cũng mạnh dạn bước lên võ đài như cô.

 

Hiện nay trên đất nước Ấn Độ có trên 150 võ sĩ quyền Anh là phụ nữ. Người khơi dậy ham muốn thể thao quyền Anh ở phụ nữ chính là Laila Ali, nữ võ sĩ của tay đấm huyền thoại Muhammad Ali. Họ cũng sùng bái Mohammed Ali Qamar, chàng trai Calcutta giật được Huy chương Vàng quyền Anh hạng ruồi tại cuộc thi đấu Commonwealth Games ở Manchester hồi năm ngoái.

 

Hơn một nửa số phụ nữ Hồi giáo  sống tại vùng thành thị Ấn Độ mù chữ và chưa đầy 1% số phụ nữ này có học vị. Ngay đến các báo cáo của chính phủ nước này cũng ghi nhận rằng, phụ nữ Hồi giáo thuộc diện những người “nghèo khổ nhất, bị tước quyền giáo dục, kinh tế bấp bênh và nằm ngoài lề chính trị” ở Ấn Độ.

 

Một điều dễ nhận ra là phụ nữ trẻ Hồi giáo gặp rất nhiều trở ngại khi họ muốn bước vào môn quyền Anh. Shabnam và 3 cô gái Hồi giáo khác là những phụ nữ đầu tiên can đảm rời gia đình để tìm đường bước lên võ đài quyền Anh cách đây 5 năm.

 

Ashit Banerjee, lãnh đạo một câu lạc bộ quyền Anh trong thành phố hiện đang làm chủ một tờ báo duy nhất về bộ môn thể thao này ở Ấn Độ, nhớ lại những ngày đầu tiên khi các cô gái này rời gia đình với chiếc khăn trùm đầu và bí mật tìm đến môn quyền Anh: “Cha mẹ thì thất kinh. Người thân thì mắng mỏ các cô gái không tiếc lời. Thậm chí một số tờ báo còn gọi tôi là một tên phản bội đạo Hồi. Nhưng hôm nay thì mọi thứ đã thay đổi và các cô gái tìm đến quyền Anh ngày càng nhiều”.

 

Nhưng phụ nữ Hồi giáo vẫn không có việc làm ổn định - Shabnam là cô gái đầu tiên trong vùng của mình học đến đại học và trở thành người có học vị. Shabnam kiếm được 600 rupi (13 USD)/tháng nhờ công việc dạy học cho các em học sinh nghèo. Còn các cô gái võ sĩ khác thì ấp ủ hy vọng một ngày nào đó sẽ giành được huy chương và kiếm được một việc làm. Ashit Banerjee nói: “Phụ nữ Hồi giáo vẫn tiếp tục tìm đến quyền Anh, vì môn này mang lại cho họ một hình ảnh mạnh mẽ. Họ không còn phải sống chui rúc suốt đời trong bếp nhà nữa”.

 

Các nữ võ sĩ tập dượt trên một võ đài nền gỗ trong một khu đất công viên um tùm cây cối, đầy muỗi và là nơi cho những kẻ vô gia cư ngả lưng hàng đêm và bọn thanh niên hư hỏng chơi ma túy. Các cô gái sống trong một căn phòng chật hẹp, tù túng. Thực đơn hàng ngày của họ hết sức thanh đạm: vài lát bánh mì nướng, súp đậu và lâu lâu mới có chút thịt gà thừa mua được từ khu chợ gần đó. Họ tập quyền Anh 3 giờ mỗi ngày, suốt 6 ngày trong tuần.

 

Alam Ara, 18 tuổi, là một cô gái theo gương của Shabnam. Ara đến trường, học máy tính và tập quyền Anh. Ara nói: “Tôi không tin các cô gái chỉ biết ở nhà nấu cơm. Tôi muốn giống như chị Laila Ali”. Hai chị em sinh đôi Shanoo và Shakila Baby, 15 tuổi, cũng tìm đến võ đài quyền Anh. Shakila, cô gái từng hạ gục một gã có ý đồ giật túi xách của cô cách đây 2 năm, nói: “Bọn con trai rất sợ chị em tôi. Nếu kẻ nào có ý xấu thì hai chị em sẽ cho chúng đo ván ngay!”.

 

Sazda Parveen, 17 tuổi có đôi mắt sáng long lanh, con gái của một công nhân xưởng sản xuất thảm, đã tham gia trong 7 trận đấu võ đài và được mọi người chú ý với những cú đấm nảy lửa. Parveen nói: “Người thân của em bảo rằng, em sẽ xấu xí đi nếu chơi quyền Anh, em sẽ không còn là con gái nữa. Nhưng quyền Anh là bộ môn em yêu thích nhất”.

 

Ngày nay khó nói được những cô gái này sẽ còn tiếp tục đến với bộ môn quyền Anh trong thời gian bao lâu nữa trong khi hoàn toàn chẳng có sự quan tâm khích lệ nào từ phía gia đình cũng như xã hội. Và các đặc quyền duy nhất dành cho họ chỉ là những trận đấu quyền Anh, chút đỉnh tiền nhận được hàng ngày và có được một nơi ăn chốn ở khiêm tốn.

 

Tuy nhiên, Shabnam và các cô gái có cùng suy nghĩ như cô không dễ dàng từ bỏ con đường mà họ đã chọn. Shabnam nói: “Người ta hỏi tôi: tại sao cô chọn quyền Anh? Vì cái gì? Tôi bảo với họ rằng, quyền Anh đã mang lại cho tôi vài sự công nhận và tôi thấy hạnh phúc vì điều đó”

 

Theo Diên San

An ninh thế giới/BBC