Phu nhân Đại sứ Mỹ kể về cuộc sống ở Hà Nội
“Chính mắt tôi đã hai lần nhìn thấy rùa ở hồ Gươm nổi lên. Như thế hẳn tôi sẽ rất may mắn và sống đến 200 tuổi”, bà Carmella Marine, phu nhân của Đại sứ Mỹ Michael Marine, kể.
Khi mới tới đây, tôi gặp phải một số khó khăn như không sao phát âm được những từ tiếng Việt. Thậm chí tôi không phát âm đúng từ Tôn Đản, tên phố mà tôi ở. Có một lần tôi gọi một chiếc taxi, nhưng người tài xế không nghe rõ tôi muốn đi đến đâu. Thế là tôi đành đi bộ về nhà. Bây giờ thì đã khá hơn rồi, nhưng khi tôi nói "bao nhiêu tiền", nhiều người cũng không hiểu.
Sau 3 năm, tôi đã tiếp thu thói quen của người Việt như dậy sớm và ngủ trưa. Tôi dậy từ 4h sáng. Mike - chồng tôi - thì cả ngày bận rộn nên ngủ kỹ và không bao giờ dậy sớm được như vậy. Khoảng 5h hay 5h30, tôi đi bộ ra hồ Gươm. Ở đó, tôi gặp rất nhiều người, đa số cũng đều là người cao tuổi như tôi. Chúng tôi cùng đi độ hai vòng quanh hồ.
Họ không biết tôi là ai. Vì không hiểu ngôn ngữ của nhau nên chúng tôi cũng không nói chuyện gì, ai nấy đều mải mê tập luyện. Nhưng có một ông cụ luôn bắt tay tôi mỗi khi nhìn thấy tôi, mặc dù ông cũng chỉ biết tôi là một người nước ngoài. Còn tôi luôn nói bằng tiếng Việt: "Chào bạn" mỗi khi gặp ông ấy.
Cũng giống như nhiều người Việt Nam, tôi ăn trưa sớm vào khoảng 11h30. Sau đó tôi phải ngủ trưa. Thời tiết nóng nực như thế này thường làm tôi rất mệt mỏi. Nhưng chỉ cần ngủ trưa là tôi có thể thức đến 10 hay 11 giờ đêm.
3 năm trước, khi mới tới đây, tôi từng nhìn thấy một con rùa nổi lên ở hồ Gươm vào buổi sáng sớm. Nó màu xám và có cái đầu trông như một con sư tử biển. Ngày hôm sau, tôi ra hồ và lại nhìn thấy nó. Rồi tôi hỏi mọi người và biết được câu chuyện nhà vua trả lại gươm cho thần rùa. Thật kỳ lạ là có con rùa sống ở dưới hồ mà tôi lại nhìn thấy nó những hai lần. Như thế, hẳn tôi sẽ sống đến 200 tuổi.
Sở thích của tôi là đọc sách, tôi đọc nhiều sách về Việt Nam. Thật thú vị được đọc về Việt Nam khi đang ở trên chính mảnh đất này. Ngoài ra, mỗi tuần một lần, tôi chơi bài "bridge" với một vài người bạn đến từ những quốc gia khác nhau. Chúng tôi chơi bài không lấy tiền đâu. Có một người phụ nữ Việt Nam rất thông minh, cô ấy lúc nào cũng thắng.
Thỉnh thoảng, tôi còn giúp trẻ em tại một bệnh viện nhi ở Hà Nội học tiếng Anh. Chỉ là một số câu hội thoại đơn giản thôi. Tôi cũng giúp các bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên ở đó về những thuật ngữ trong ngành y, vốn có gốc Hy Lạp và Latinh.
Có vài điều tôi không thích về cuộc sống ở Hà Nội. Tôi sợ sang đường ở đây. Ba năm trước còn đỡ, chứ bây giờ nhiều xe máy quá đi mất. Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm điều gì đó. Các bạn nói rằng trời nóng thế này đội mũ bảo hiểm rất khó chịu. Nhưng ở Thái Lan, thời tiết cũng nóng mà người ta vẫn đội mũ bảo hiểm đấy thôi.
Có những tay đua thích phóng xe quanh hồ khi trời tối. Tôi không dám đi bộ vào buổi tối, vì tôi không thể sang đường. Các bậc cha mẹ thì để cho con đứng trên xe máy. Có lần khi có một vụ tai nạn xảy ra, tôi thấy một phụ nữ bế con đứng giữa đường tranh luận về vụ tai nạn đó. Tôi nghĩ cần có thêm những chương trình trên truyền hình và báo chí để giáo dục cho mọi người về an toàn giao thông.
Một điều nữa là taxi. Tôi nghĩ taxi cần phải dành cho mọi người. Khi con bạn bị ốm, đúng ra bạn có thể gọi taxi để đưa con đi bệnh viện. Nhưng ở đây, giá taxi rất đắt. Có lần, một tài xế ra giá gấp hai lần mức giá đúng. Anh ta không biết rằng tôi nắm rất vững giá taxi và tôi tranh luận với anh ta bằng tiếng Anh. Cuối cùng, tôi chỉ trả cho anh ta đúng số tiền tôi phải trả và bỏ đi.
Mỗi lần đi xa Hà Nội, bầu không khí trở nên yên tĩnh hẳn. Lúc đó, tôi lại nhớ cái sự huyên náo của Hà Nội, vì tôi đã quá quen với nó.
Chỉ vài tuần nữa, vợ chồng tôi sẽ rời khỏi Việt Nam. Ở đây, tôi đã có một quãng thời gian hạnh phúc. Tôi được gặp những con người tốt bụng, những con người luôn nhìn về phía trước và luôn biết hy vọng. Tôi sẽ nói với những người tôi gặp ở Mỹ: "Hãy đến Việt Nam. Đến để giúp đỡ. Đến để thăm đất nước này".
Theo Minh Châu
Vnexpress