1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phô diễn sức mạnh, Trung Quốc tự biến mình thành kẻ cô đơn

Gần 3 thập kỷ sau khi Đặng Tiểu Bình đưa ra một câu nói nổi tiếng định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc: “Giấu mình chờ thời” (không gây sự chú ý và không đi đầu), rõ ràng là thế hệ lãnh đạo mới ở Bắc Kinh giờ đây đã sẵn sàng từ bỏ sự khiêm tốn và muốn thể hiện sức mạnh chính trị và quân sự ngày càng tăng của mình.

Chú "sư tử hòa bình" và toan tính của Bắc Kinh

Từ Biển Đông, nơi được cho là chứa hàng tỷ thùng dầu, tới các hòn đảo không có người ở trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đã và đang thúc đẩy yêu sách lãnh thổ của mình với các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines - và trong một số trường hợp, một vài quốc gia trong khu vực cho rằng Bắc Kinh khiêu khích họ. Cùng với đó, Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng một khuôn khổ an ninh châu Á mới, nhằm thay thế các liên minh do Mỹ chi phối vốn được xác lập từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

"Chúng ta nên xây dựng một kiến trúc hợp tác an ninh mới, mở, minh bạch và bình đẳng ở châu Á-Thái Bình Dương. Khái niệm thống trị các mối quan hệ quốc tế đã thuộc về một kỷ nguyên khác và một toan tính kiểu như vậy nhất định thất bại”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Myanmar và Phó Tổng thống Ấn Độ, Hamid Ansari vào tháng trước tại một buổi tiệc chiêu đãi nhân kỷ niệm 60 năm “Năm Nguyên tắc Cùng tồn tại Hòa bình” - mà cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thông qua vào những năm 1950, sau đó được phát triển thành phong trào Không liên kết.

Mặc dù ông Tập mô tả Trung Quốc như là một "chú sư tử hòa bình, hòa nhã, văn minh", nhưng những hành động của nước này cho đến nay đang đặt ra sự báo động trong khu vực và đẩy các nước châu Á khác “vào vòng tay” của Washington. Những lời hứa nhằm xây dựng cộng đồng các quốc gia châu Á độc lập chẳng khác gì là những lời sáo rỗng khi thực tế đã chứng minh rằng nhiều quốc gia châu Á khác đang coi Trung Quốc là kẻ bắt nạt trong khu vực.

Ông Tập hiện đang là tâm điểm chiến lược mới của Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, các quan chức Trung Quốc đang nhấn mạnh một chính sách đối ngoại “tích cực” trong chương trình nghị sự của khu vực đi kèm với việc thể hiện sức mạnh trên biển của nước này. Theo Christopher Johnson, một cựu chuyên gia phân tích của CIA về Trung Quốc và hiện là Chủ tịch nhóm cố vấn Mỹ phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, chiến lược mới là rất quan trọng đối với ông Tập Cận Bình nhằm mục tiêu “phục hưng sự vĩ đại” của Trung Quốc.

Chiến lược đó cũng có nghĩa là muốn thể hiện "ý chí mạnh mẽ nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực", Alice Ekman, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho biết. Các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách “xoay trục” của chính quyền Obama, trong khi các nhà ngoại giao của Bắc Kinh công khai chế giễu về khả năng là “một cảnh sát khu vực” của Mỹ.

"Chúng tôi đang nhìn thấy sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh – Washington ở nhiều cấp độ - kinh tế, thể chế, chính trị, an ninh – trong khu vực kể từ khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc”, bà Ekman nói trong một bài giảng gần đây ở Bắc Kinh về chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Bà Ekman cho rằng sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu cũng như sự phụ thuộc của các nước láng giềng vào thương mại của Bắc Kinh là trung tâm chiến lược của ông Tập: "Động thái của Trung Quốc trong khu vực dựa trên các giả thuyết sau: Thời gian đang có lợi cho Trung Quốc vì sức hấp dẫn kinh tế của nước này sẽ tăng cường cán cân quyền lực tạo ra lợi thế cho Bắc Kinh".

Ông Johnson thì nhận định mục tiêu trước mắt của ông Tập là tạo ra ưu thế quân sự về mặt chiến thuật trong những gì được gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” nằm ở ngoài khơi bờ biển của nước này, từ Nhật Bản xuống tận Indonesia. Gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng biển của Việt Nam, trong khi đó, ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), Bắc Kinh cũng đã tiến hành các hoạt động cải tạo các bãi đá, rạn san hô nhằm xây dựng các cơ sở đồn trú quân sự bất chấp sự phản đối từ các nước khác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Trung Quốc huy điều nhiều tàu các loại bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Không có bạn bè

Xa hơn về phía bắc, Trung Quốc cũng khiêu khích Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ bằng cách đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo và Bắc Kinh, chồng lấn với ADIZ của Seoul, trong đó yêu cầu các máy bay nước ngoài phải thông báo nhận dạng cho phía Trung Quốc khi bay qua khu vực này. Tokyo đã phản đối hành động trên của Bắc Kinh sau vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát máy bay giám sát của Nhật Bản khi theo dõi cuộc tập hải quân chung Trung Quốc-Nga gần đây.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề tranh chấp lãnh thổ lâu dài với Ấn Độ dọc theo biên giới phía nam của nước này và tuyên bố sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết với những gì Bắc Kinh gọi là lợi ích cốt lõi như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Malcolm Turnbull cho rằng Trung Quốc đã tự biến mình thành một quốc gia cô đơn, ít nhất là về mặt ngoại giao, khi nước này “nhe những chiếc răng nanh” của mình ra đối với khu vực. "Trung Quốc thực sự không có đồng minh trong khu vực, ngoài CHDCND Triều Tiên. Và kết quả là các nước láng giềng của Trung Quốc đang xích lại gần Mỹ hơn bao giờ hết", ông Turnbull phát biểu tại một hội nghị các nhà lãnh đạo an ninh và kinh tế gần đây.

Trong khi đó, Nội các Nhật Bản mới đây cũng đã thông qua cách diễn giải mới của Hiến pháp để Lực lượng Phòng vệ có thể bảo vệ các đồng minh bị tấn công vũ trang bằng việc phòng vệ tập thể. Động thái này của Tokyo không những góp phần củng cố liên minh của Nhật Bản với Mỹ mà còn mở ra cánh cửa đối với các liên minh mới với các nước có cùng quan điểm châu Á.

"Ở Biển Đông, tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có một mục đích: Họ muốn gây càng nhiều tổn hại tới uy tín của Mỹ càng tốt. Bắc Kinh hiểu rằng nếu Trung Quốc xuất hiện một cách ôn hòa, điều này sẽ không kết thúc được vấn đề. Vì vậy, Trung Quốc trở nên cứng rắn và không thỏa hiệp và (Trung Quốc tin rằng) Mỹ sẽ không can dự khi Bắc Kinh lấn tới", Huang Jing, một chuyên gia về Trung Quốc tại trường Hành chính công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Ông Jing chia sẻ thêm rằng, đối với những quốc gia châu Á, Trung Quốc đang buộc các nước này rơi vào một sự lựa chọn khó khăn: Họ sẽ đặt cược vào một tương lai do Trung Quốc chi phối bởi sự tự tin mới của nước này, hay dựa vào sự cam kết lâu dài của Mỹ?

Theo Công Thuận