1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Kỳ 2:

Philippines: Diệt ma túy càng tàn khốc, ông Duterte càng “ghi điểm”

Trong cuộc chiến tàn khốc chống tội phạm ma túy, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẵn sàng bảo vệ “anh em cảnh sát” thi hành công vụ.

Khoảng 23h ngày 25/7, Restituto Castro nhận được một tin nhắn bí mật yêu cầu ông ta hãy rời khỏi căn nhà ở phía bắc Manila và đi tới góc đường của xa lộ MacArthur.

Chỉ vài tiếng trước đó, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte 71 tuổi đã có bài thông điệp hàng năm trước Quốc hội, trong đó ông thề sẽ phá hủy nghề buôn ma túy bất hợp pháp bằng bất cứ phương cách nào cần thiết.

Ông Duterte nói: “Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi nào tên trùm ma túy cuối cùng... và gã bán ma túy cuối cùng chịu đầu hàng hoặc bị nhốt sau song sắt hay phải nằm trong lòng đất, nếu chúng thích thế”.

Cảnh sát ở thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: DPA.
Cảnh sát ở thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: DPA.

Camilo Montesa thuộc văn phòng Manila của Trung tâm Đối thoại Nhân đạo có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ) nói: “Người dân thực sự cảm thấy không an toàn”.

Luật lệ và trật tự chỉ là một trong các vấn đề kinh niên của quốc gia Đông Nam Á này. Các vấn nạn khác bao gồm nghèo đói, tham nhũng và lạm dụng quyền dân sự. Nhưng việc Duterte tập trung riêng vào vấn đề ma túy đã tạo hiệu ứng tâm lý mạnh.

Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn các con số của Liên Hợp Quốc về sử dụng methamphetamine (ma túy đá) ở Philippines, cho thấy nước này có tỷ lệ lạm dụng chất này cao nhất ở Đông Á với 2,1% dân số trưởng thành độ tuổi 16-64 sử dụng. Bản thân Duterte đã từng thề là sẽ giết cả con đẻ của mình nếu ông phát hiện họ sử dụng ma túy.

Duterte so sánh các vụ giết tội phạm dưới thời ông làm thị trưởng với bạo lực do cảnh sát gây ra ở Mỹ. Duterte phát biểu tại một buổi họp báo: “Thì đấy, họ bắn người da đen. Có gì khác giữa Mỹ và Philippines nhỉ? Chả có gì sất”...

Một tuần sau khi Duterte nhậm chức, một cuộc thăm dò của hãng Pulse Asia (của Philippines) cho thấy tới 91% người dân Philippines có “mức độ tin tưởng cao” đối với nhân vật này.

Trong số những người ủng hộ có anh Ray Antonio Nadiera, 33 tuổi, là nhân viên bảo dưỡng ở Cebu - thành phố lớn thứ 2 của Philippines.

Anh này cho biết khi chiến dịch trấn áp ma túy của Tổng thống Duterte kết thúc, “tất cả các kẻ nghiện sẽ được “giải quyết” sạch”.

Ở quận Pasig Line của Manila, cư dân địa phương Jaime Co nói: “Những kẻ bị giết là cặn bã xã hội. Điều mà Duterte đang làm - cuộc chiến chống ma túy trái phép, là đúng. Đó là điều tốt”.

Nhưng một số người kinh sợ về sức mạnh được bung ra trong cuộc chiến này.

Thượng nghị sĩ Philippines Leila de Lima nói: “Chúng tôi đang trượt dốc xuống tình trạng độc tài... Tất cả các cuộc tàn sát này đều lấy cảm hứng từ nhà nước.”

Trong khi đó hồi tháng 6, hai đại diện của Liên Hợp Quốc đã lên án việc Duterte “kích động bạo lực” không chỉ nhằm vào giới buôn ma túy, giới tội phạm mà còn cả các nhà báo. Phản ứng của Duterte khi đó là lời chửi thề... Mới đây Tổng thống Duterte lại còn dọa rút Philippines ra khỏi Liên Hợp Quốc.

Cảnh sát được tự do hành động

Xu hướng “cứng rắn” của Duterte càng ngày càng rõ. Hồi tháng 8, ông đe dọa thiết quân luật nếu bên tư pháp cản trở chiến dịch chống ma túy. Đến tháng 9, nhân một vụ khủng bố ở Davao, ông đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, qua đó trao cho quân đội các quyền cảnh sát.

Một nhà vận động nhân quyền giấu tên ở Philippines bày tỏ quan ngại: “Điều này sẽ hủy hoại dân chủ và chế độ pháp quyền. Cái tư tưởng cho rằng anh có thể giải quyết mọi thứ bằng giết chóc sẽ chỉ có tác dụng gây hại về mặt dài hạn”.

Các tổ chức toàn cầu như là Theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế cũng lên án việc tàn sát nói trên, đồng thời kêu gọi Tổng thống Duterte thay đổi cả lời lẽ và chính sách của mình.

Nhưng Duterte dường như bỏ ngoài tai hết...

Vào lúc 2h sáng của một ngày Thứ Bảy gần đây ở phía nam Manila, một phụ nữ trẻ tên là Jenny đứng trước một đám đông khoảng 50 người vây quanh nhà người hàng xóm của cô. Hơn một tiếng trước đó người ta nghe thấy nhiều tiếng súng nổ và cảnh sát xuất hiện để thông báo rằng chủ nhà – một nam giới tên là John Paul đã bị tiêu diệt.

Jenny nói: “Cứ như là thi hành một bản án tử hình mà không cần thủ tục pháp lý. Ông Duterte cho phép cảnh sát tự do hành động. Họ nói rằng nếu các nghi phạm chống trả, họ có quyền giết những người đó, nhưng những người bị giết này đâu có đánh trả”.

Cảnh sát cho biết, bất cứ vụ giết người nào do họ thực hiện đều chỉ là để tự vệ. Và họ hoan nghênh Duterte – người đã hứa sẽ “chết” cho họ miễn là họ thực sự thi hành “nhiệm vụ”.

Một quan chức cảnh sát cấp cao nói: “Đây là lần đầu tiên mà Tổng thống hay chính quyền thực sự tập trung vào việc xóa sổ tệ nạn ma túy. Sự ủng hộ của Tổng thống thực sự khích lệ những người thực thi pháp luật”.

Người nghèo ở các khu ổ chuột chính là đối tượng bị lãnh đòn nặng nhất. Trong các cộng đồng nghèo khó này, trẻ em chơi bên các cống rãnh, các gia đình sống chung một phòng, và đối với một số người, shabu (ma túy đá) là một sự giải thoát – cả về tâm lý và tài chính.

Clarke Jones – một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia chuyên nghiên cứu về hệ thống nhà tù Philippines và nạn buôn ma túy trong đó nói: “Nhiều người tham gia thị trường ma túy không có cơ hội nào khác để kiếm thu nhập, nên một lượng lớn tiền từ đó sẽ hỗ trợ cho các gia đình trong cộng đồng”./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Time.com