Phi hành đoàn ISS sơ tán khẩn vì bụi vũ trụ
(Dân trí) - Phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hôm qua đã buộc phải sơ tán tới tàu vũ trụ Soyuz của Nga sau khi ISS có nguy cơ va chạm với một mảnh vỡ trôi nổi trong không gian.
NASA cho hay thông tin về mảnh vỡ trong không gian đến quá muộn nên các nhà điều khiển không thể rời trạm ISS tránh đường được.
Vụ việc xảy ra chỉ hơn một tháng sau khi hai vệ tinh Nga và Mỹ va chạm nhau trên bầu trời Siberia.
Theo các quan chức, việc sơ tán các nhà du hành trên ISS chỉ là một biện pháp phòng trước và khả năng va chạm của ISS với mảnh vỡ là rất thấp.
Theo quy định vận hành của trạm ISS, các thành viên trên trạm buộc phải sơ tán khi có mảnh bụi không gian xuất hiện trong một khoảng cách nhất định.
Được biết, nhà du hành người Nga Yury Lonchakov và hai nhà du hành người Mỹ Michael Fincke cùng Sandra Magnus đã phải đến tá túc trên tàu vũ trụ thoát hiểm Soyuz TMA-13 của Nga trong khoảng 9 phút.
“Phi hành đoàn đã trở về trạm vũ trụ. Không có nguy hiểm gì và mảnh vỡ đã đi qua trạm vũ trụ”, người phát ngôn của cơ quan điều khiển ISS của Nga cho hay sau vụ việc.
Theo người phụ trách quan hệ công chúng của NASA, Laura Rochon, mảnh bụi vũ trụ trên có kích thước khoảng 1cm, là một phần của “động cơ hỗ trợ trọng tải” trước kia hoặc được dùng cho tên lửa Delta hoặc trên trạm vũ trụ. “Phi hành đoàn an toàn và đã trở về trạm vũ trụ. Họ cũng đã nối lại công việc bình thường của mình”.
Một phát ngôn của NASA cho hay, họ nhận được thông báo về khả năng va chạm vào tối qua. Do thời gian quá gấp, nên họ phải sơ tán phi hành đoàn trên ISS thay vì chuyển hướng của trạm vũ trụ.
Hiện chưa biết lý do vì sao thông tin về mảnh vỡ lại được đưa ra quá muộn như vậy. Tuy nhiên, có thể là do kích thước của mảnh vỡ quá nhỏ hoặc do đường đi của nó thay đổi liên tục.
Và đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà du hành trên ISS phải sơ tán tới tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Còn các nhà điều khiển cho biết đã phải di chuyển ISS 8 lần trong suốt 10 năm để tránh va chạm với các mảnh vỡ.
Mảnh vỡ trong không gian - mối đe dọa ngày càng lớn
Các vật thể trong quỹ đạo di chuyển với vận tốc hàng chục ngàn km/h. Với tốc độ này, thậm chí một vật thể nhỏ bé cũng có thể phá hủy một vệ tinh, hoặc có thể gây tổn thất lớn đối với trạm vũ trụ.
Các chuyên gia đã nhận thấy mối đe dọa ngày càng lớn của các mảnh bụi không gian đối với các vệ tinh và các tàu vũ trụ có người lái trong suốt 3 năm qua.
Ngày 10/2, vệ tinh viễn thông của Mỹ Iridium 33 đã va chạm với Cosmos 2251, một vệ tinh tình báo đã chết của Nga, và tạo ra hai đám bụi ngày càng lan rộng trong những quỹ đạo giao nhau. Theo ước tính, xác suất xảy ra các vụ va chạm như thế này chỉ là 1/triệu hoặc 1/tỷ.
Hồi tháng 1/2007, Trung Quốc cũng khiến các nhà khoa học quốc tế lo ngại khi cho phá hủy một trong những vệ tinh không còn hoạt động của mình trong một vụ thử tên lửa. Quân đội Mỹ ước tính vụ phá hủy đã tạo ra 2.500 mảnh vỡ mới trong quỹ đạo.
Tổng cộng hiện có khoảng 18.000 mảnh vỡ trong quỹ đạo có kích thước lớn hơn 10cm.
Phan Anh
Theo BBC