1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phi công Mỹ kể khoảnh khắc chạm trán sẵn sàng bắn hạ chiến đấu cơ Syria

(Dân trí) - Hai phi công lái máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ hồi tuần trước đã tiếp cận 2 chiến đấu cơ Su-24 của Syria ở miền bắc nước này. Chỉ huy lực lượng của Mỹ ở Trung Đông cho biết, ông đã sẵn sàng hạ lệnh bắn máy bay Syria khi đó nếu đe dọa đến lực lượng của Mỹ dưới mặt đất.


(Ảnh minh họa: Không quân Mỹ)

(Ảnh minh họa: Không quân Mỹ)

Vụ “chạm trán” xảy ra sau khi các máy bay của Syria ném bom gần khu vực các cố vấn Mỹ đang huấn luyện cho lực lượng vũ trang người Kurd ở miền bắc Syria. Các máy bay Mỹ đã tiếp cận máy bay Syria ở cự ly 600m mà phía Syria không hề hay biết.

“Tôi đã bám theo suốt 3 vòng nhào lộn của anh ta. Anh ta không hề hay biết tôi đang ở đó”, một trong 2 phi công của Không quân Mỹ cho biết với báo USA TODAY hôm 24/8. Hai phi công này từ chối tiết lộ danh tính vì lý do an ninh.

Phi công thứ hai nói: “Lúc đó tôi nghĩ làm thế nào để có thể hạ nhiệt căng thẳng một cách tốt nhất cũng như để chúng tôi có thể an toàn”.

Sự việc diễn ra từ chiều ngày 19/8 khi 1 máy bay chiến đấu của Syria bị phát hiện đi vào không phận quanh khu vực Hasakah. Ngay lập tức, hai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ đã được triển khai. Qua tần số vô tuyến, phi công Mỹ đã tìm cách liên lạc với phi công của chiến đấu cơ Syria, song không có phản hồi. Các chỉ huy của Mỹ ở mặt đất cũng tìm cách liên hệ với phía Nga để thu thập thông tin song phía Nga nói rằng họ không hay biết về động thái này của Syria. Lúc này cách duy nhất để có thông tin đó là các phi công Mỹ phải tìm cách tiếp cận máy bay Su-24 của Syria để xem các máy bay này có vũ trang hay mang theo bom hay không.

Thông thường, phi công Mỹ được chỉ thị giữ khoảng cách nhất định với máy bay Nga và Syria để tránh các tính toán sai lầm có thể khiến căng thẳng tình hình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các phi công đã được phép tiếp cận.

Khoảng 15 phút sau, máy bay Syria rời khu vực và có vẻ như vẫn không hề hay biết đang bị chiến đấu cơ Mỹ bám sát. Tuy nhiên, không lâu sau đó, chiến đấu cơ Su-24 thứ 2 của Syria tiếp tục đi vào khu vực này. Các phi công Mỹ cho biết, dường như cả 2 chiếc Su-24 này đều không mang theo vũ khí.

Từ Trung tâm chỉ huy đặt tại Qatar, cơ quan giám sát các hoạt động của Không quân Mỹ tại Trung Đông, Thiếu tướng Jay Silveria cho biết ông đã sẵn sàng hạ lệnh cho phi công bắn rơi chiến đấu cơ Nga nếu lực lượng của liên quân bị đe dọa. “Tôi sẽ không do dự. Tất cả thứ tôi cần ở thời điểm đó để bắn hạ máy bay Syria đó là thông báo từ lực lượng ở mặt đất rằng họ bị tấn công. Khi đó chúng tôi ở vị trí thuận lợi để thực hiện điều này bằng những vũ khí hiện đại”, ông Silveria nói.

Tuy nhiên, các thông tin từ mặt đất và phi công sau đó xác nhận máy bay Syria không thả bom và có thể chỉ là bay ngang qua khu vực này. Quân đội của chính quyền Syria có một căn cứ không quân gần đó nhưng hiếm khi bay qua khu vực này.

Vụ chạm trán cho thấy tính chất phức tạp ở chiến trường Syria và làm dấy lên lo ngại bất cứ tính toán sai lầm nào có thể “đổ thêm dầu vào lửa” vào cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài suốt hơn năm 5 qua ở quốc gia Trung Đông này.

“Lo ngại lớn đó là xảy ra bất cứ tính toán sai lầm nào. Nó có thể xảy ra ở cả hai phía. Ngay từ đầu chúng tôi đã nói rõ với người của chúng tôi rằng: Chúng ta không gây chiến với Nga hay Syria. Chúng ta ở đây không phải để bắn hạ máy bay Nga hay Syria”, Trung tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy hoạt động không quân của Mỹ ở Trung Đông, nói.

Tuy nhiên, hôm 22/8 khi được hỏi liệu Mỹ có cân nhắc bắn hạ máy bay Nga hay Syria đe dọa đến lực lượng của Mỹ hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nói: “Chúng tôi luôn có quyền bảo vệ lực lượng của mình. Đó không phải là vùng cấm bay. Nhưng chúng tôi một lần nữa khuyến cáo họ nên tránh xa các khu vực mà chúng tôi đang hoạt động".

Minh Phương

Tổng hợp