1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phe đối lập Nga “đánh” Bộ trưởng Quốc phòng

Các chính trị gia đối lập ở Nga gay gắt lên án quân đội nước này đã không rút ra được bài học từ thảm hoạ tàu hạt nhân năm 2000, trong khi những người trung thành với Kremlin ca ngợi chiến dịch giải cứu Priz là thành công đáng kinh ngạc.

Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa có bình luận công khai nào kể từ khi vụ việc bắt đầu, cho đến hôm qua vẫn im lặng và để phát ngôn viên của mình là Alexei Gromov công bố ông đã lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng điều tra vụ việc, và cảm ơn các đội cứu hộ.

 

Tuy nhiên không một nhân vật đối lập nào chĩa thẳng mũi dùi của mình vào Putin - vị tổng thống từng bị chỉ trích mạnh mẽ và mất uy tín nghiêm trọng trong vụ tàu Kursk, bởi ông đã tiếp tục kỳ nghỉ ở Sochi khi thảm hoạ khiến 118 người thiệt mạng diễn ra.

 

Thay vào đó, mọi lời bực tức đều đổ lên đầu Bộ trưởng Quốc phòng Igor Ivanov. Ông này đã tới thành phố Petropavlosk-Kamchatsky điều hành chiến dịch giải cứu vào lúc 8 giờ sáng chủ nhật, hơn 2 ngày sau khi trung tâm cứu hộ được thành lập.

 

"Tôi chắc rằng mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng các thuỷ thủ của chúng ta được cứu sống, nhưng câu chuyện về chiếc tàu ngầm này cho thấy sự vô trách nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng đã đến cực điểm", lãnh đạo đảng Cộng sản Gennady Zyuganov phát biểu.

 

"Điều quá sức tưởng tượng của tôi là tại sao Anh có các thiết bị cần thiết mà chúng ta lại không có", ông nói. "Nếu chúng ta không tự chế tạo được thì phải mua của nước ngoài chứ".

 

Zyuganov cho rằng đáng lẽ quân đội phải được chuẩn bị tốt hơn trong các tình huống khẩn cấp kể từ sau vụ tai nạn tàu Kursk. 118 thuỷ thủ thiệt mạng sau khi giới quân sự Nga thấy không thể tiến hành giải cứu mới kêu gọi sự giúp đỡ của nước ngoài, và kết cục là mọi nỗ lực sau đó đều quá muộn.

 

Lần này, hải quân Nga yêu cầu Mỹ giúp đỡ vào lúc 9 giờ sáng thứ sáu, 32 giờ sau khi tàu ngầm Priz phát tín hiệu có sự cố, tờ Kommersant cho hay.

 

Dmitry Rogozin, thủ lĩnh đảng Tổ quốc, cũng thể hiện sự tức giận bởi quân đội không được trang bị các thiết bị ứng cứu. Ông tuyên bố sẽ đòi Viện Công tố quân sự đánh giá vai trò của Hải quân Nga trong vụ việc này.

 

Rogozin cho hay ông muốn biết tại sao các lưới đánh cá và dây cáp cũ - những thứ được cho là đã gây vướng cho con tàu - lại được vứt trong khu vực tập trận của hải quân. "Có vẻ như bộ tư lệnh hải quân không kiểm soát được khu vực mà họ sẽ cho tập trận", thủ lĩnh đảng Tổ quốc tuyên bố trên website của ông.

 

Đô đốc nghỉ hưu Vyacheslav Popov, từng chỉ huy Hạm đội biển Bắc khi tàu Kursk chìm và hiện là nghị sĩ Hội đồng Liên bang, cho biết Hải quân đã chi hàng chục tỷ đôla để mua các trang thiết bị hiện đại kể từ sau vụ Kursk. Tuy nhiên họ không thể triển khai được bởi thiếu các tàu chuyên chở thích hợp để đưa thiết bị tới hiện trường nơi tàu ngầm mắc kẹt.

 

Chính trị gia theo tư tưởng tự do Irina Khakamada cho rằng vụ việc tàu Priz phanh phui "toàn bộ sự vô trách nhiệm và thiếu liên lạc giữa các quân chủng trong diễn tập quân sự", Interfax trích lời bà này cho hay. "Hoá ra là không chỉ có một mà là nhiều tàu của chúng ta ở ngay gần chiếc tàu ngầm và có thể đến cứu nó".

 

Leonid Gozman, phó chủ tịch Liên minh các lực lượng cánh hữu, nói rằng ông có cảm giác không một ai trong giới lãnh đạo quân sự thực sự quan tâm đến tính mạng các thuỷ thủ. "Và việc tập trung các tướng lĩnh cấp cao của hải quân cũng như Bộ trưởng Quốc phòng, trên thực tế, chẳng giúp được gì cho những người đang bận rộn tìm cách cứu các thuỷ thủ".

 

Còn những chính trị gia thân Kremlin thậm chí không đả động tới Igor Ivanov - người được cho là có cơ kế nhiệm Putin. Gennady Gudkov, quan chức cấp cao của đảng Nước Nga thống nhất nói rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn này là do các chính sách kinh tế không rõ ràng.

 

Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (tức thượng viện) Svetlana Orlova ca ngợi chiến dịch giải cứu là "độc đáo", trong khi nghị sĩ Yury Sharondin gọi đó là "thành công", nghị sĩ Valery Fyodorov coi đó là "một bằng chứng sinh động của sự hợp tác hiệu quả".

 

Những người thân Kremlin đều nhấn mạnh rằng giới chức đã yêu cầu sự trợ giúp từ nước ngoài rất kịp thời, hợp tác hiệu quả và đã làm tất cả những gì có thể để cứu các thuỷ thủ.

 

Tờ Kommersant của nhà tài phiệt ghét Kremlin Boris Berezovsky thẳng thừng chỉ trích lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương và Hải quân Nga che giấu thông tin vụ tai nạn gần một ngày, cho đến khi tình hình khẩn cấp bởi nguy cơ thiếu oxy trong tàu mới thông tin công khai.

 

Số ra thứ bảy của báo này chạy tít trên trang nhất "Nó chìm". Đây là những từ mà Putin đã dùng khi trả lời phỏng vấn của CNN về số phận tàu Kursk, một tháng sau khi con tàu ngầm hạt nhân chìm.

 

Tuy nhiên trong phe chỉ trích Kremlin cũng có sự chia rẽ. Vyacheslav Nikonov, nhà phân tích của Politika Foundation nhận định rằng sau thảm hoạ Kursk, giới quân sự Nga đã bắt đầu thay đổi thói quen ém nhẹm thông tin bí mật và không còn ngần ngại khi cầu viện nước ngoài.

 

Nhưng ông Igor Bunin, nhà phân tích của Trung tâm Công nghệ Chính trị, đã chỉ ra rằng Hải quân Nga không nói năng gì về vụ tai nạn suốt cả một ngày. "Điều đó chứng tỏ Hải quân nghĩ tới lợi ích riêng của mình hơn là số phận con người", Bunin nói.

 

Theo T. Huyền
Vnexpress/Moscow Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm