Phát hiện xác ướp voi ma mút tuổi thọ 10.000 năm
(Dân trí) - Một xác ướp voi ma mút có tuổi thọ khoảng 10.000 năm vừa được phát hiện tại vùng Siberia thuộc Nga. Thật kinh ngạc là xác con voi được bảo quản tốt tới nỗi trông nó như mới chết chỉ vài ngày trước đó.
Con voi cái, chết khi mới 6 tháng tuổi, được Yuri Khudi - một người nuôi tuần lộc, tìm thấy trong tầng băng vĩnh cửu ở bán cầu phía tây bắc của Siberia, gần sông Yuribei. Sau đó nó đã được đặt tên là Lyuba, theo tên vợ của người đã phát hiện ra nó.
Theo kết quả thẩm định ban đầu của các chuyên gia, Lyuba đã chết cách đây khoảng 10.000 năm nhưng thi thể của nó được bảo quản tốt chưa từng thấy với vòi và đôi mắt vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí trên cơ thể còn giữ lại một ít lông.
Alexei Tikhonov, phó giám đốc Trung tâm động vật học thuộc Đại học khoa học Nga nhận định: “Xác ướp không có nhược điểm nào ngoại trừ vết thương ở đuôi. Xét về khía cạnh bảo tồn, đây là phát hiện giá trị nhất thế giới”.
Lyuba hiện đã được chuyển tới đại học Jikei tại Tokyo nơi một nhóm chuyên gia dẫn đầu là giáo sư Naoki Suzuki sẽ tiến hành nghiên cứu tổng thể về xác ướp, trong đó có cả các phương pháp chụp nội tạng. 2 xác ướp voi ma mút trước đó, trong đó có con Jarkov, được tìm thấy tại Taimyr (Siberia) năm 1997, cũng được gửi tới Nhật Bản.
Voi ma mút, nổi tiếng với bộ lông rậm rạp, ngà lớn, kích thước khổng lồ, được tin là đã từng xuất hiện trên trái đất khoảng 4,8 triệu năm về trước. Chúng thường sinh sống tại vùng đồng bằng phía bắc của châu Âu và Siberia cho tới khi chết và bị vùi lấp trong băng tuyết.
Khoảng 5.000 năm về trước, các đàn voi ma mút đã sống biệt lập trên hòn đảo hẻo lánh Wrangel, thuộc Nga.
Nguyên nhân khiến voi ma mút biến mất vẫn là một điều bí ẩn cho tới ngày nay, nhưng sự thay đổi khí hậu và việc săn bắn ồ ạt có thể là nguyên nhân khiến loài động vật này tuyệt chủng.
Ánh Ninh
Theo BBC