1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phát hiện di chỉ “ma cà rồng” ở Italia

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ Italia mới đây đã khai quật được những di chỉ của một phụ nữ từ thế kỷ thứ 16, với một viên gạch nhét giữa hai hàm răng. Theo các chuyên gia, đây là bằng chứng cho thấy người phụ nữ này bị coi là ma cà rồng.

Phát hiện di chỉ “ma cà rồng” ở Italia - 1
Di chỉ của người phụ nữ bị coi là ma cà rồng.
 
Việc chôn cất khác thường trên, theo các nhà khoa học, là nghi lễ chôn cất đối với một ma cà rồng thời trung cổ. Và truyền thuyết về những kẻ hút máu người này liên quan đến sự thiếu hiểu biết của con người thời đó. Họ không biết bệnh dịch lây lan như thế nào và không biết chuyện gì xảy ra đối với thi thể của con người sau khi chết đi.

 

Bộ khung xương được bảo quản rất kỹ của nữ “ma cà rồng” được tìm thấy vào năm 2006 trên đảo Lazzaretto Nuovo, phía bắc Venice. Di chỉ này được tìm thấy trong một hố chôn tập thể trong một đại dịch ở Venice năm 1576.

 

Hé lộ bí mật về ma cà rồng

 

“Ma cà rồng không tồn tại, nhưng các nghiên cứu cho thấy con người thời đó lại tin vào sự tồn tại của chúng”, Matteo Borrini, một nhà khảo cổ học và nhân chủng học tại Đại học Florence cho hay. Ông đã nghiên cứu về “ma cà rồng” trên suốt hai năm qua. “Lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy bằng chứng về câu thần chú chống lại ma cà rồng”.

 

Theo Borrini, các văn tự thời trung cổ cho thấy con người tin có ma cà rồng là do họ thấy thi thể con người sau khi chết bị phân hủy “một cách kỳ lạ”.

 

Trong thời kỳ xảy ra đại dịch, những hố chôn thập thể thường được đào lại lên để chôn tiếp các xác chết mới. Những người đào hố khi đó có cơ hội thấy những xác chết cũ bị phù lên, máu rỉ qua miệng và xuất hiện một lỗ không thể giải thích được trên tấm vải liệm phủ mặt của người chết.

 

“Tất cả những đặc điểm này đều liên quan đến sự phân hủy của xác chết”, ông Borrini giải thích. “Nhưng họ đã nhìn thấy một người chết béo lên, đầy máu, với một lỗ ở trên tấm vải liệm. Vì vậy họ nghĩ. “Người này vẫn sống, anh ta đang hút máu và đang ăn tấm vải liệm”.

 

Khoa học pháp y hiện đại chỉ ra rằng thi thể người chết bị phù lên là do có sự hình thành khí. Còn dòng máu rỉ ra từ miệng là do nội tạng phân hủy bên trong đẩy ra. Tấm vải liệm bị thủng một lỗ có thể là do vi khuẩn ở trong miệng xâm lấn.

 

Tuy nhiên vào thời gian đó, theo những văn tự để lại thì “những kẻ ăn vải liệm” chính là ma cà rồng, phù phép làm cho đại dịch bệnh lan rộng để thứ hạng của con ma cà rồng này được tăng lên.

 

Và để giết chết những sinh vật chưa chết này, phương pháp “đâm xuyên tim” nổi tiếng trong những áng văn chương sau này vẫn chưa đủ. Theo họ, phải dùng một viên đá hoặc gạch nhét vào miệng ma cà rồng để nó sẽ bị chết đói.

 

Và đó đúng là những gì người ta tìm thấy ở di chỉ của người phụ nữ trên đảo Lazzaretto, được Venice dùng làm khu cách ly thời đó. Người phụ nữ khoảng 60 tuổi, chết vì dịch bệnh.

 

Phải rất lâu sau, ai đó mới ấn viên gạch vào miệng bà khi mồ chôn tập thể được đào lại lên. Borrini cho biết các dấu vết do những dụng cụ đào bị cùn để lại trên hơn 100 bộ khung xương mà các nhà khoa học tìm thấy chứng tỏ hố chôn tập thể đã được tái sử dụng trong một trận đại dịch sau.

 

Theo Piero Mannucci, phó chủ tịch Hiệp hội nhân chủng học và dân tộc học Italia, phát hiện trên của các nhà khảo cổ rất đáng giá, nó giải thích rõ hiện tượng mê tín của người xưa đối với “kẻ ăn vải liệm”.

 

Borrini cũng nhận định phát hiện chứng tỏ ma cà rồng chỉ là thứ tưởng tượng, khác hẳn với kẻ hút máu người tao nhã, dòng dõi quý tộc trong tiểu thuyết “Dracula” của  Bram Stoker năm 1897,  được làm sống dậy trong không biết bao nhiêu bộ phim của Hollywood.

 

Phan Anh

Theo AP