1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát biểu của Ấn Độ không "vừa lòng" TQ

"Ấn Độ cũng mong muốn gây ảnh hưởng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, như một phần của chiến lược đối trọng với TQ" GS. Srikanth Kondapalli, Đại học Jawaharlal Nehru.

LTS: Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ (27-29/10/2014), Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn GS. Srikanth Kondapalli, một chuyên gia về Trung Quốc, thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), xung quanh chính sách mới của Tân Thủ tướng Ấn Độ Modi, vai trò của Ấn Độ trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, cũng như những lĩnh vực mà Việt Nam và Ấn Độ cần đẩy mạnh hợp tác.

GS. Srikanth Kondapalli.Ảnh: Chinagate.cn

GS. Srikanth Kondapalli.Ảnh: Chinagate.cn
Từ "Nhìn hướng Đông" sang "Hành động hướng Đông"

Những động thái gần đây của tân Thủ tướng Modi đang làm dư luận thế giới quan tâm đặc biệt. Bây giờ liệu có quá sớm để nói về một chủ thuyết, hay đại chiến lược, của Thủ tướng Modi hay không? Nếu có thì trong chủ thuyết hay đại chiến lược đó bao gồm những trụ cột nào?

Chúng tôi, ở tại Ấn Độ, chưa bao giờ được nghe thấy về một đại chiến lược của Ấn Độ, hay dự thảo một đại chiến lược như vậy. Những gì chúng tôi có thể tiếp cận là những tuyên bố, những mục tiêu và những lợi ích được được tuyên bố trong thời gian gần đây. Cơ sở của điều này tất nhiên là chính phủ mới, lần đầu tiên kể từ những năm 1980, đã có được đa số tuyệt đối trong Quốc hội.

Chính phủ mới có nhiệm vụ "đổi mới', tức là phải tăng cường các cải cách về kinh tế. Để làm được điều này, chính phủ cần có các khoản đầu tư, công nghệ, khai thác thị trường, xuất khẩu và trên hết là sự ổn định với các nước láng giềng. Các chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tới Tokyo và Washington có thể được trông đợi trong văn cảnh này. Và lời mời của ông tới lãnh đạo các quốc gia Nam Á tới dự lễ nhậm chức của ông vào tháng 5/2014, cũng như chuyến thăm của ông tới Bhutan và Nepal, hoặc chuyến thăm Bangladesh và Myanmar của Ngoại trưởng Sushma Swaraj, được coi là sự tăng cường chính sách thân thiện láng giềng của chính phủ mới.

Trụ cột thứ hai trong chính sách của chính phủ mới là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và kể từ khi có chuyến thăm Dehli của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Chín, các tư liệu liên quan đến những vụ vi phạm biên giới lãnh thổ đã được đề cập đến một cách công khai.

Khu vực Đông Nam Á nằm ở đâu trong chủ thuyết của Thủ tướng Modi, xét cả về kinh tế, lẫn chính trị, lẫn an ninh chiến lược?

Thật thú vị là "Chính sách Nhìn Hướng Đông" (Look East Policy) đã được công bố năm 1991, và được theo đuổi bởi các nội các của Ấn Độ một cách liên tục, nay đã chuyển sang "Chính sách Hành động Hướng Đông" (Act East Policy) của Thủ tướng Modi. Đó chính là chủ đề của tuyên bố chung giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama khi Thủ tướng Modi sang thăm Mỹ.

Chính sách Nhìn Hướng Đông" năm 1991 được củng cố bởi hàng loạt các sáng kiến đa phương như đạt được đối thoại toàn diện với ASEAN (năm 1995), tham gia Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF, năm 1996), và ký kết hiệp định về khu vực thương mại tư do (khởi đầu năm 2003 và ký kết năm 2010). Vai trò của Ấn Độ trong khu vực này được tiếp tục tăng cường với việc tham gia Cấp cao Đông Á năm 2005, cũng như các quan hệ đối tác chiến lược và tập trận hải quân đa phương trong khu vực.

Năm 2001, vai trò của Ấn Độ trong khu vực đã được định dạng lại hướng tới những sự tham gia tích cực hơn suốt từ Vịnh Ba tư tới Eo Malacca, do đầu tư của Ấn Độ vào khu vực năng lượng ở Sakhalin và sự gia tăng của thương mại và đầu tư của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN, sự phụ thuộc lẫn nhau trong khu vực về dòng năng lượng chuyển từ Ấn Độ Dương...

Vì Nam Á và Đông Á chiếm hơn 55% thương mại của Ấn Độ, và vì Ấn Độ đã ký kết các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản và Hàn Quốc và đang đàm phán hiệp định khu vực thương mại tư do với Đài Loan, cũng như  hiệp định thương mại ưu đãi với Trung Quốc, nên Ấn Độ ưu tiên đẩy mạnh thương mại, đầu tư và thị trường. Chẳng hạn, Singapore hiện nay là một trong các nhà đầu tư chính vào Ấn Độ. Tính đến 2012, Ấn Độ có hơn 80 tỷ USD thương mại song phương với khu vực này (tăng từ mức dưới 3 tỷ USD năm 1993), và hy vọng rằng con số này sẽ tăng lên 100 tỷ đô la vào năm 2015. Tuyến đường sắt kết nối giữa Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan đang được hoạch định.

Ngoài góc độ kinh tế, Chính sách Nhìn Hướng Đông cũng có ba chiều về an ninh, gồm có cân bằng với Trung Quốc ở Myanmar, đầu tư vào các mỏ dầu ở Việt Nam, và chủ thuyết về biển của Hải quân Ấn Độ  năm 2007 - xếp Biển Đông và Vịnh Ba tư ở tầm quan trọng thứ hai sau Ấn Độ Dương.  Với việc Trung Quốc có kế hoạch lập các cảng lưỡng dụng ở Habantota, Gwadhar..., Ấn Độ cũng mong muốn gây ảnh hưởng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, như một phần của chiến lược đối trọng.

Một dàn khoan Ấn Độ liên doanh với Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: India TV/ Infonet
Một dàn khoan Ấn Độ liên doanh với Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: India TV/ Infonet
Chiến lược đối trọng?

Lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông là gì? Theo góc nhìn của các chuyên gia và nhà chiến lược Ấn Độ, thì có Ấn Độ có thể đóng vai trò gì ở đây? Ấn Độ có một chiến lược chính thức hay một quan điểm chính thức về biển Đông hay không?

Lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông trước hết liên quan đến năng lượng và giữ cho đường hàng hải được yên bình, bởi thương mại giữa Ấn Độ và hàng loạt các nước trong khu vực đang "đâm chồi". Chẳng hạn, hai công ty của Ấn Độ là công ty quốc doanh ONGC Videsh (OVL) và công ty tư nhân Essar đã triển khai giàn khoan ở các lô dầu tại Việt Nam. Nhưng từ tháng Sáu năm 2006 khu vực khoan dầu của OVL bị Trung Quốc coi là có tranh chấp, Essar khoan dầu ở vùng an toàn hơn ở Biển Đông.

OVL gặp phải sự ngăn cản khi họ khoan phải đá cứng ở lô 127, trong khi  lô 128 thì có tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc được cho là đã có biện pháp áp đặt ngoại giao khi ngăn cản tàu hải quân Ấn Độ INS Airawat tiến vào khu vực này vào tháng 7/2011. Thứ hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh yêu cầu tất cả các công ty khoan dầu nước ngoài phải rút khỏi các hoạt động khoan dầu trong khu vực. Thứ ba, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-la đã phát biểu gắn kết sự việc với căng thẳng gia tăng trong khu vực

Cuối cùng, đến tháng 5/2012, chính phủ Ấn Độ tuyên bố tạm rút khỏi lô 128. Nhưng đến tháng Chín cùng năm họ đã thay đổi quyết định và tái khoan dầu ở lô trên trước đề nghị của Việt Nam.

Quan điểm của Ấn Độ trong các cuộc gặp tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN đã không làm vừa lòng Trung Quốc. Ấn Độ đã tuyên bố rằng, nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, luật pháp của Liên hiệp quốc phải được tôn trọng và tự do hàng hải phải được tuân theo. Tóm lại, sự việc này đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Ấn - Trung, khi Ấn Độ giữ lập trường rằng việc khoan dầu thuần túy là thương mại, còn Trung Quốc lại nghi ngờ về mối quan hệ giữa Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam.

Ông có nghĩ rằng việc cải thiện mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là sau chuyến thăm được chào đón của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ là rào cản cho việc Ấn Độ tiếp tục thể hiện vai trò của mình với Biển Đông?

Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm Ấn Độ vào tháng Chín năm nay. Các thỏa thuận về kinh tế, thương mại, cũng như các lĩnh vực khác, đã được ký kết trong chuyến thăm.

Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ và động thái TQ đóng quân ở Chumar phía Tây đã làm thất vọng sự chờ đợi của cả hai phía. Ấn Độ không chấp nhận ý tưởng về Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc, cũng như Trung Quốc không đồng ý đầu tư vào Ấn Độ 100 tỷ đô la, như tuyên bố trước đó. Biển Đông đã không được đề cập trong tuyên bố chung giữa hai nguyên thủ.

Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác Ấn-Việt? Và những lĩnh vực nào mà cả hai bên cần tiếp tục nhấn mạnh và triển khai?

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ vào những năm 1950, cũng như sự đáp lễ của Thủ tướng Nehru. Biểu tượng này được củng cố bởi các động thái tiếp theo giữa hai nước.

Trong khi thương mại và đầu tư còn ở mức khá thấp, nhưng cả hai lĩnh vực này mới đây đã được hai phía nhấn mạnh cần phát triển. Vấn đề hợp tác trên biển đã được đưa lên các diễn đàn gần đây với việc Việt Nam chào mời các lô dầu với Ấn Độ, cũng như sự mở ra các điều kiện thuận lợi ở Hải Phòng và Nahthrong.

Người ta chờ đợi rằng chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa các mối quan hệ về kinh tế, quân sự và hàng hải giữa hai nước.

Xin cảm ơn ông.
 

 Trao đổi với Tuần Việt Nam, TS. Srinivasan Sitaraman, Khoa Chính trị, Chương trình Nghiên cứu Châu Á, Đại học Clark (Hoa Kỳ), cho biết:

 

Các nhà lập kế hoạch an ninh Ấn Độ cảm thấy lo lắng bởi sự bao vây của "chiến lược chuỗi ngọc trai", khi tiểu lục địa Ấn Độ bị vây quanh bởi một loạt các căn cứ quân sự và hải quân ở các nước Đông Nam Á thân Trung Quốc.

 

Thêm vào đó, nỗi lo lắng liên tục gia tăng rằng sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh ở Tây Tạng sẽ cho phép Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có cú đánh bất ngờ thọc sâu vào Đông Bắc Ấn Độ - đặc biệt là Arunachal Pradesh nơi mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền rất gay gắt. Các cuộc xâm nhập lặp đi lặp lại vào khu vực Ladakh thuộc Kashmir đã dẫn tới các cuộc đấu khẩu thường xuyên về biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
 

Sự gia tăng căng thẳng về quân sự và lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã đẩy Ấn Độ phải dựa ngày càng mạnh mẽ hơn vào các nước láng giềng Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.

 

Thêm vào đó, Ấn Độ đang tìm cách xích gần lại với Nhật Bản về mặt hợp tác hạt nhân, kinh tế và quốc phòng. Đặc biệt là Ấn Độ đã từng bước thay đổi quan điểm trong việc tìm kiếm mối quan hệ đồng minh với Mỹ về thương mại và an ninh. Điều này được thể hiện rõ trong chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Modi tới Nhật Bản và Mỹ, ngay sau khi giành chiến thắng trong tranh cử.

 

Thủ tướng Modi cũng đã cử ngoại trưởng và sau đó là Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam nhằm đảm bảo cho mối quan hệ quốc phòng và kinh tế. Ngoại trưởng Sushma Swaraj cũng đã thăm Myanmar và Singapore, như một phần trong nỗ lực hướng Đông của chính phủ mới được bầu của Đảng Nhân dân Ấn Độ.

 

Những cuộc tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ với Việt Nam và Philippines là dấu hiệu cho thấy sự tương đồng về mặt lợi ích của Ấn Độ với những quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á. Các động thái của Ấn Độ trong việc tìm kiếm sự liên minh mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng phía đông không chỉ là đối trọng với hành vi xâm lược của Trung Quốc đối với vùng Hymalaya tranh chấp, mà còn là đối trọng với Pakistan, quốc gia có mối quan hệ ngày càng phát triển với Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ đang tìm cách chiếm lợi thế trong việc nước Mỹ đã tan ảo mộng về Pakistan, và Ấn Độ đang tiến gần hơn về phía Mỹ.

 

Các động thái trên không chỉ phản ánh động lực liên quan đến vấn đề lãnh thổ mà Ấn Độ và hàng loạt quốc gia Đông Nam Á phải đối chọi với Trung Quốc, mà còn thể hiện nỗi lo ngại mới đối với sự nổi lên của Bắc Kinh, trong vai trò một trung tâm quan trọng của quyền lực toàn cầu, và đang đối chọi với Washington và Moscow, nếu như không nói là làm lu mờ đi quyền lực của hai trung tâm này.

 
 
Theo Huỳnh Phan
Vietnamnet