1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Pháp bán Mistral cho Ai Cập: Nga "chuyển bại thành thắng"

Thực tế đã cho thấy Nga mới là người chiến thắng trong thương vụ tàu sân bay Mistral chứ không phải là Pháp hay Mỹ hoặc là Liên minh châu Âu.

Pháp bán Mistral cho Ai Cập: Đúng ý Nga

Theo nguồn tin mới nhất của truyền thông Nga, Pháp và Ai Cập đã đạt được thỏa thuận mua bán 2 tàu sân bay trực thăng Vladivostok và Sevastopol, thuộc lớp Mistral mà Paris không bàn giao cho Moscow theo đúng các điều khoản trong hợp đồng 2 nước đã ký năm 2011.

Ngày 23-9, hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đạt thỏa thuận với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi về những điều khoản bán lại hai tàu sân bay trực thăng Mistral vốn đóng dành cho Nga.

Ngoài ra, Ria còn trích dẫn nguồn tin địa phương cho biết, rất có thể Ai Cập sẽ triển khai 2 chiếc tàu sân bay này trên 2 vùng biển rất quan trọng, tiếp giáp với lãnh thổ của nước này, một chiếc sẽ phục vụ ở Biển Đỏ (Hồng Hải), chiếc còn lại sẽ hoạt động trên Địa Trung Hải.

2 tàu sân bay trực thăng này được Nga đặt mua của Pháp theo một hợp đồng có trị giá 1,2 tỷ euro (lúc đó tương đương 1,66 tỷ USD). Hợp đồng này đã bị Pháp hủy bỏ, bắt đầu bằng hành động không bàn giao chiếc đầu tiên là Vladivostok cho Nga vào tháng 11-2014.

Sau khi không bàn giao tàu cho Nga, Pháp cũng đã xúc tiến việc tìm kiếm khách hàng. Một bảng danh sách khách hàng dài dằng dặc được truyền thông Pháp đề cập, bao gồm Canada, Brazil, Ấn Độ, UAE, Ai Cập, Singapore, Malaysia…

Tuy nhiên, Moscow đã chủ động bật đèn xanh cho Pháp bán lại hai tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoặc Ai Cập. Đặc biệt là Cairo được chính Nga hỗ trợ một khoản vay có thể trả bằng hàng hóa, để mua lại con tàu này.

Pháp bán Mistral cho Ai Cập: Nga "chuyển bại thành thắng" - 1

Pháp bán Mistral cho Ai Cập, Nga được lợi rất nhiều

Việc Pháp bán 2 tàu sân bay trực thăng này cho Ai Cập, ngoài việc sức mạnh của hải quân nước này được nâng cao, Moscow cũng chính là kẻ chiến thắng. Nếu Ai Cập mua tàu, Nga sẽ được thêm một khoản từ việc bán các máy bay trực thăng tấn công trên hạm thế hệ mới nhất Ka-52K cho nước này.

Ngày 2-9, ông Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí xuất khẩu vũ khí Nga Arms Export Nga cho biết, để nhận được sự đồng ý của Nga về việc bán cặp tàu Mistral cho khách hàng mới, Moscow đưa ra điều kiện với Paris là phải bán kèm trực thăng Ka-52K.

Việc bán ít nhất là hơn ba chục chiếc trực thăng loại này cùng với vũ khí đi kèm có thể khiến Nga vừa kiếm được tới hàng tỷ USD, vừa giúp Ai Cập trao đổi được hàng hóa. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là cái lợi lớn nhất của Moscow.

Điều Moscow cần nhất là sự tiếp cận với công nghệ đóng tàu phương Tây, ràng buộc những lợi ích của Ai Cập vào Liên bang Nga, nhằm tìm kiếm một chỗ dựa để bảo vệ Syria và củng cố chỗ đứng chân ở Trung Đông và Địa Trung Hải.

Nga tiếp cận công nghệ đóng tàu phương Tây miễn phí

Theo nguồn tin từ chính phủ Nga, Paris đã chuyển giao hơn 1 tỷ euro (1,12 tỷ USD) cho Moscow, tiền bồi thường đơn phương phá vỡ hợp đồng bàn giao 2 chiếc tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga. Trong đó, chỉ riêng chiếc đầu tiên Pháp đã phải trả 893 triệu euro.

Như vậy, Nga hầu như đã thu đủ lại số tiền mình đã bỏ ra trong thương vụ này, không những thế, Moscow còn phát triển được hàng loạt vũ khí trang bị đi kèm như trực thăng tấn công siêu hạng Ka-52K, đào tạo được 400 thủy thủ tàu sân bay trực thăng theo kiểu phương Tây.

Được biết, các chiến hạm Mistral được Nga và Pháp triển khai đóng theo công nghệ đóng tàu modul và đấu ráp tổng thành. Khối lượng công việc được chia ra với tỉ lệ 60% do nhà thầu Pháp thực hiện, 40% còn lại do các công ty đóng tàu Nga đảm nhận.

Việc đóng đuôi tàu do nhà máy Baltic ở St. Petersburg, thuộc Tập đoàn đóng tàu Thống Nhất Nga (USC) tiến hành, còn modul đầu tàu do nhà máy STX Pháp, có trụ sở tại cảng Saint-Nazaire đảm nhận.

Sau khi nhà máy Baltic đóng xong phần đuôi, nó được kéo sang Pháp để đấu ráp tổng thể thân tàu ở nhà máy STX. Sau đó, con tàu Mistral được lai dắt sang Nga để lắp đặt các thiết bị của Nga, xong phần việc này, con tàu lại được đưa về Pháp để hoàn tất nốt các công đoạn khác, trước khi bàn giao.

Các thiết bị mà Nga đã lắp đặt trên tàu bao gồm hệ thống cáp quang dùng trong thông tin liên lạc và hệ thống chỉ huy-kiểm soát Mistral do công ty "Control" thuộc "Tập đoàn thiết bị Thống Nhất” phát triển.

Ngoài ra, Nga còn một số thiết bị khác trên Mistral, bao gồm hệ thống kiểm soát phóng tên lửa, các tổ hợp pháo và module điều khiển hạ cánh trực thăng hạm Ka-52K, cùng với các thiết bị chống đóng băng.

Để lắp đặt được các thiết bị này lên tàu chắc chắn Nga cũng phải được tiếp cận bản vẽ thiết kế phần đầu tàu và tham số kỹ thuật của một số hệ thống trên Mistral để tích hợp chúng vào tổng thể các hệ thống trên tàu.

Do đó trong thương vụ này, chỉ duy nhất một điều không được như ý là việc Nga không nhận được tàu, còn lại Moscow đã nắm được công nghệ đóng tàu modul cùng với việc tiếp cận được với một vài tham số hệ thống của Mistral.

Nếu Ai Cập sở hữu các tàu này, Nga càng có nhiều cơ hội tìm hiểu về các tham số kỹ thuật của loại chiến hạm hiện đại bậc nhất của phương Tây. Đây là điều rất có ích cho Moscow trong phát triển công nghiệp đóng tàu hạng nặng theo công nghệ tiên tiến của phương Tây.

Khôi phục quan hệ đồng minh, củng cố vị thế ở Địa Trung Hải

Kể từ khi độc lập vào năm 1922, Ai Cập sử dụng nhiều vũ khí của Liên Xô, tuy nhiên, sau chiến tranh 1973 giữa liên minh các nước Ả-Rập, dẫn đầu bởi Ai Cập và Syria chống lại Israel, mối quan hệ giữa Cairo và Moscow bắt đầu trở nên lạnh nhạt.

Tuy nhiên, Cairo và Moscow đã bắt đầu đẩy mạnh các mối quan hệ song phương trong bối cảnh quan hệ Ai Cập - Mỹ rạn nứt, sau cuộc chính biến lật đổ vị Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi năm 2013, mở đường cho cánh quân sự lên nắm quyền.

Pháp bán Mistral cho Ai Cập: Nga "chuyển bại thành thắng" - 2

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong một cuộc hội đàm

Hiện nay, Nga đang là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, được kế thừa truyền thống quan hệ tốt với Ai Cập của Liên Xô trước đây. Moscow cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với Cairo trong bối cảnh quốc gia này đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự.

Ngày 26-8 vừa qua, Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi đã có chuyến thăm Nga nhằm thúc đẩy mối quan hệ chiến lược song phương và hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hồi tháng 2 năm nay, ông Putin cũng đã tới Ai Cập, khẳng định mối quan hệ ngày càng được củng cố vững chắc giữa 2 nước trên tất cả các lĩnh vực.

Việc Moscow cho Cairo vay tiền mua tàu và bán máy bay trực thăng có thể giúp hải quân Ai Cập trở thành mạnh nhất vùng biển Địa Trung Hải, đồng thời đánh bật ảnh hưởng của Mỹ, khôi phục vị thế đồng minh quan trọng nhất của nước này đối với xứ sở của các Pharaon, giống như Liên Xô trước đây.

Hơn nữa, hiện ngoài việc thắt chặt mối quan hệ với Ai Cập, Nga đang nỗ lực bảo vệ chính quyền Syria của Tổng thống Assad để bảo đảm chỗ đứng chân tại Trung Đông và Địa Trung Hải. Do đó, việc Cairo sở hữu các tàu chiến hiện đại có thể là sự hỗ trợ đắc lực cho Moscow.

Thời gian qua, làn sóng hàng trăm nghìn người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi, bỏ chạy khỏi đất nước để tới châu Âu, thông qua tuyến đường biển từ phía Nam lên phía Bắc Địa Trung Hải.

Pháp bán Mistral cho Ai Cập: Nga "chuyển bại thành thắng" - 3

Nga có thể dùng chính Mistral để tạo đối trọng với lực lượng NATO ở Địa Trung Hải

Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu, chủ yếu là các quốc gia NATO đã thành lập một lực lượng quân sự rất mạnh mang tên EU Navfor Med (lực lượng hải thuyền EU tại Địa Trung Hải) nhằm mục đích trấn áp bọn buôn người và cứu trợ di dân trên biển.

Lực lượng cụ thể ban đầu bao gồm 5 tàu mặt nước hải quân, do Hàng không mẫu hạm Cavour của Italia chỉ huy, 2 tàu ngầm, 3 máy bay trinh sát biển, tuần tiễu chống ngầm cùng 2 máy bay không người lái và một số trực thăng. Ngoài ra, trong danh sách bổ sung có cả tàu đổ bộ hải quân và lực lượng đặc biệt.

Trước mắt, các phương tiện của EU sẽ hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế cho tới khi khối này có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như của Chính phủ các nước châu Phi, Trung Đông để tiến sâu hơn vào lãnh hải của các quốc gia này.

Sự tăng cường hiện diện của các tàu ngầm, máy bay tuần tiễu chống ngầm, lực lượng đặc biệt của các nước châu Âu ở vùng biển này cũng là một nguyên nhân khiến Nga lo lắng về viễn cảnh các nước NATO lợi dụng tình hình này để duy trì một lực lượng lớn chiếm lĩnh Địa Trung Hải và áp sát Syria, Ai Cập.

Điều này buộc Nga cũng phải tăng cường sự hiện diện ở đây nhằm có thể tạo ra đối trọng cần thiết. Ngoài việc đưa thêm lực lượng, trang bị đến Syria, Nga có thể phối hợp với Ai Cập sử dụng chính Mistral để thành lập 1 lực lượng tương tự như của châu Âu, trên danh nghĩa cứu hộ người tị nạn trên biển.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Pháp bán Mistral cho Ai Cập: Nga "chuyển bại thành thắng" - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm