Pháo đài bay B-52 sẽ nhập cuộc dội bom IS
(Dân trí) - Mỹ đang cân nhắc triển khai các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 cho cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong tháng 4 tới, một nguồn tin dẫn lời giới chức không quân Mỹ. B-52 có khả năng thả 32 tấn bom cùng lúc.
Các máy bay ném bom B-52 sẽ thay thế các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Rockwell B-1 Lancer, vốn đã tham gia chiến dịch tấn công các địa điểm của khủng bố gần Kobani (Syria) trong vài tháng qua và sẽ trở về căn cứ tại Texas, tờ Air Force Times đưa tin. Các quan chức quốc phòng cũng xác nhận thông tin này với hãng tin Fox News.
Giới chức Mỹ chưa tiết lộ sẽ có bao nhiêu máy bay B-52 sẽ được triển khai chống IS. Hiện cũng chưa rõ các máy bay ném bom lớn nhất của Mỹ sẽ hoạt động từ sân bay nào ở châu Âu.
Trong hơn 1 năm qua, các máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia tấn công IS tại IS đã cất cánh từ các sân bay quân sự tại Ả-rập Xê-út và Qatar - các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Từ tháng 8/2015, Mỹ đã sử dụng căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công các phần tử khủng bố tại Syria.
Mặc dù B-52 đã được ngừng sản xuất từ năm 1962 (tổng cộng 744 chiếc được chế tạo), Không quân Mỹ hiện vẫn có 58 chiếc B-52 đã được hiện đại hóa (18 chiếc dự trữ). Lần gần đây nhất B-52 được đưa vào chiếu đấu là trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Pháo đài bay B-52 dự kiến sẽ vẫn hoạt động trong Không quân Mỹ cho tới ít nhất năm 2040.
B-52, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, thường được triển khai khi Washington cần chứng tỏ sức mạnh quân sự.
Hồi tháng 1 năm nay, Mỹ đã triển khai một máy bay ném bom B-52 tới bán đảo Triều Tiên răn đe Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân của nước này. Hồi tháng tháng 12 năm ngoái, một máy bay ném bom B-52 cũng thực hiện một chuyến bay bên trên một đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Hôm 3/3, ba máy bay B-52 được triển khai tới châu Âu gần đây đã được thông báo sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự tại Na Uy. Mặc dù các máy bay B-52 đã được lên kế hoạch cho các cuộc tập của NATO nhưng một chỉ huy hàng đầu của Mỹ nói việc triển khai này là “không bình thường” và cho thấy sự lo ngại của các quốc gia châu Âu trước điều được xem là “sự gây hấn của Nga”.
An Bình