1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Palestine sẽ nhận được số tiền viện trợ kỷ lục

(Dân trí) - Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ gần 4,5 tỷ USD cho người Palestine, một con số lớn hơn nhiều so với 2,8 tỷ USD mà phía Palestine mong đợi.

Palestine sẽ nhận được số tiền viện trợ kỷ lục - 1
Số viện trợ trên được các nhà tài trợ cam kết trong hội nghị quốc tế về Palestine ngày hôm qua tại Sharm El-Sheikh (Ai Cập). Khoảng một nửa số tiền, chủ yếu đến từ các quốc gia dầu lửa vùng Vịnh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ này, sẽ dành cho tái thiết Dải Gaza, khu vực mới đây đã bị Israel tấn công và tàn phá không thương tiếc.

 

Tuy nhiên, các nhà bảo trợ cũng nhấn mạnh số tiền này sẽ không được qua tay lực lượng Hamas, hiện đang cầm quyền ở Gaza.

 

Đến tham gia hội nghị trong khuôn khổ vòng công du Cận Đông và Châu Âu, ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton đã loan báo chi viện cho người Palestine 900 triệu USD, cùng với điều kiện trên. Bà nhấn mạnh sự hỗ trợ về tài chính của Mỹ không thể tách rời khỏi mục tiêu đạt được một “nền hoà bình toàn diện” trong khu vực.

 

Các đại diện quốc tế cũng kêu gọi sự đoàn kết giữa hai phe phái Fatah và Hamas ở Palestine và yêu cầu Israel dỡ bỏ ngay lập tức lệnh phong toả dải đất này. 

 

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ban đầu hy vọng nhận được 2,8 tỷ USD tài trợ để thúc đẩy một chương trình tái thiết và chấn hưng kinh tế to lớn, trong đó khoảng 1,3 tỉ được dành cho việc tái thiết Gaza, nơi đã bị tàn phá sau chiến dịch quân sự kéo dài 3 tuần của Israel chống lại phe Hamas. Phần còn lại là nhằm bù lại khoản thiếu hụt trong ngân sách của Palestine. 

 

Hàng nghìn ngôi nhà ở Gaza đã bị phá hủy hoặc bị hư hại trong chiến dịch tấn công của Israel. Chỉ trừ một số mặt hàng thiết yếu, hàng hóa vẫn bị Israel phong tỏa trên các ngả đường vào Gaza. 1.300 người Palestine, trong đó có 412 trẻ em, đã thiệt mạng trong chiến sự hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay. Israel và Hamas đã tuyên bố ngừng bắn hôm 17/1 sau ba tuần Israel tấn công.

 

Cản trở lớn nhất

 

Cản trở lớn nhất cho quá trình tái thiết Gaza là việc các điểm trung chuyển vào khu vực này vẫn còn đang đóng cửa. Để cải thiện điều kiện ở đây, Hamas cần công nhận Israel trong khi hàn gắn quan hệ với phong trào Fatah của ông Mahmoud Abbas.

 

Israel và Ai Cập có thể thừa nhận vai trò lãnh đạo của Hamas trong một chừng mực nào đó, nhưng trước hết Israel và Hamas phải có thỏa thuận ngừng bắn lâu dài để tạo ổn định ít ra là trung hạn.

 

Một rắc rối khác trong quá trình tái thiết là các nhà tài trợ không muốn tiền cấp viện rơi vào tay Hamas, vốn giành quyền kiểm soát khu vực này từ 2006 và bị cả Mỹ và EU xem như tổ chức khủng bố.

 

Tuy Bộ Tứ Trung Đông không chịu đàm phán với Hamas, các tổ chức của LHQ tại Gaza có quan hệ làm việc với chính quyền Hamas, nhưng chỉ trong các vấn đề liên quan tới phân phối hàng cứu trợ.

 

Hội nghị tài trợ lần này có sự tham dự của đại diện hơn 70 nước, nhưng không có đại diện của cả hai bên.

 

Nguyễn Viết

Theo AFP, Reuters, AP