Ông Obama làm nhà văn trước khi bước vào "khách sạn 8 sao" Nhà Trắng
Kể từ thời Tổng thống Abraham Lincoln, chưa từng có vị Tổng thống Mỹ nào mà cuộc đời, tư cách và thế giới quan được định hình bằng việc đọc và viết sách như Tổng thống Barack Obama.
Nghiền ngẫm sách là cách “để thoát ly khỏi cái bong bóng Nhà Trắng”
Barack Obama trầm ngâm, chiêm nghiệm lại khoảng thời gian hai nhiệm kỳ trú ngụ trong Nhà Trắng - từng được các tổng thống Mỹ ví von là “khách sạn 8 sao và nhà tù quyến rũ nhất thế giới” - để cảm khái về vai trò không thể thay thế được của sách, người bạn đồng hành trung thành không chỉ trong hai nhiệm kỳ Tổng thống mà trong cả cuộc đời trước và sau khi làm chủ nhân Nhà Trắng của ông. Từ thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành, sách đã dạy cho Obama hiểu biết đủ điều, cho ông biết được mình là ai, mình nghĩ gì, và điều gì quan trọng đối với mình.
Trong 8 năm ở Nhà Trắng, giữa thời đại bùng nổ thông tin, ồn ào và quá tải, chính trị đảng phái cực đoan và những phản ứng hung hăng, dữ dội, sách vẫn là một nguồn ý tưởng và nguồn cảm hứng vô tận cho Obama, nó cho ông một sự cảm nhận tươi mới đối với những phức tạp và rắc rối của xã hội loài người. Obama tâm sự, đọc sách đã giúp cho ông có được khả năng thỉnh thoảng lắng đọng lại và có cái nhìn đa chiều, và khả năng đứng vào vị trí người khác để cảm thông, chia sẻ.
Đối với Obama, hai khả năng này là vô giá. Không biết chúng có làm cho ông trở nên vị tổng thống giỏi hơn vị tiền nhiệm nào đó hay không, nhưng có điều chắc chắn là chúng giúp ông giữ được trạng thái cân bằng trong suốt 8 năm qua.
Obama tìm thấy ở những tác phẩm văn viết của Lincoln, Mục sư Martin Luther King Jr, các vị lãnh tụ đáng kính Gandhi và Nelson Mandela là “đặc biệt bổ ích” khi chúng ta muốn tìm kiếm một ý nghĩa của sự đoàn kết thống nhất trong những lúc hết sức khó khăn.
Obama nhìn nhận, “làm tổng thống” là một công việc rất đơn độc. Có một bản di cảo viết tay về “Cuộc nói chuyện ở Gettysburg” trong phòng ngủ của Lincoln mà Obama luôn tò mò muốn đọc.
Cũng giống như cố Tổng thống Lincoln, Obama tự học viết văn, và đối với ông ngôn từ cũng đã trở thành một phương cách tự khẳng định mình và cũng để giao tiếp, trao đổi ý tưởng và lý tưởng với thế giới. Các nhà bình luận nhận xét rằng, có một mối dây liên kết giữa Obama với các vị tiền bối Lincoln và King.
Trong các bài phát biểu trước công chúng, sinh viên, học sinh, Obama đã học tập theo cách thức của các vị tiền bối này, mang vốn kiến văn, ngôn từ của mình ra thể hiện quan điểm, cái nhìn mang tính lịch sử đối với các cuộc đấu tranh của nước Mỹ hiện tại.
Obama cho biết, các tiểu sử tổng thống cũng có thể giúp ích để chống lại lối tư duy theo kiểu “mọi việc chỉ có thể thế này hoặc thế kia, chỉ có thể tốt hoặc xấu”. Ông nói, đọc sách về Roosevelt có cái hay giúp ông hiểu được cách bậc tiền bối ấy chèo lái nước Mỹ qua cuộc Chiến tranh thế giới lần II.
Trong quyển sách của mình xuất bản năm 1995 nhan đề “Những giấc mơ của cha tôi” (Dreams From My Father), Obama cho rằng, việc đọc sách là một công cụ hết sức quan trọng để lọc lựa ra những gì mình xác tín, ngay từ thời còn niên thiếu, vùi đầu vào đọc ngấu nghiến những tác phẩm kinh điển của Baldwin, Ellison, Hughes, Wright, DuBois và Malcolm X với tâm niệm “để nâng mình cao lên như một người da đen ở Mỹ”.
Sau đó, trong 2 năm cuối ở đại học, Obama tập trung toàn bộ thời gian cho việc học và tự chiêm nghiệm, đọc và nghiền ngẫm các nhà triết học nổi tiếng từ St. Augustine cho đến Nietzsche, Emerson đến Sartre và Niebuhr, để lột trần và thử thách niềm tin của chính mình.
Cho đến ngày nay, việc đọc sách vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của ông Obama. Gần đây, ông đã trao cho con gái Malia cả một vali sách mà ông muốn chia sẻ với cô (trong đó có những tiểu thuyết nổi tiếng của văn học thế giới như “Trăm năm cô đơn”, “Quyển sổ vàng” và “Nữ chiến binh”).
Và khi ở trong Nhà Trắng, hầu như đêm nào cũng vậy, Obama thường đọc sách khoảng một tiếng hoặc hơn vào lúc nửa đêm, đọc và suy ngẫm, từ những quyển tiểu thuyết đương đại cho đến tiểu thuyết cổ điển và cả những tác phẩm phi tiểu thuyết, bút ký, chính luận. Những quyển sách đó là một cách để Tổng thống Mỹ thư dãn, chuyển dần từ mớ giấy tờ, công văn, báo cáo khô khan, căng thẳng hằng ngày sang việc nghiên cứu, một cách “để thoát ly ra khỏi cái đầu của tôi” - Obama nói - một cách để thoát ly ra khỏi “cái bong bóng Nhà Trắng”.
Một số quyển tiểu thuyết đã giúp ông mường tượng tốt hơn những gì đang diễn ra trong cuộc sống người dân khắp nước Mỹ. Những quyển tiểu thuyết khác chỉ đóng vai trò là cơ sở để lý luận. Có những quyển tiểu thuyết đưa ra những lập luận mang tính triết lý rất cao khiến cho Obama đọc rồi mà vẫn còn suy nghĩ mãi về nó và về điều mà nó mang đến.
Sẽ sử dụng website Thư viện Tổng thống của mình để quảng bá về sách
Viết lách cũng đóng vai trò then chốt trong tiến trình tư duy của ông Obama. Viết được xem như một công cụ “sàng lọc nhiều dòng chảy trong cuộc sống của tôi - chủng tộc, giai cấp, gia đình. Và tôi thật sự tin rằng viết là một cách để tôi tổng hợp tất cả những mảnh ghép trong cuộc sống thành một thứ tương đối toàn diện” - Obama chia sẻ.
Tiểu sử của ông Obama viết rằng, ông đã tự học viết văn từ khi còn trẻ tuổi bằng cách viết báo và viết truyện ngắn khi làm công tác tổ chức các hoạt động xã hội ở Chicago. Obama viết văn tại nhà sau khi đi làm về, và ông viết lại những câu chuyện của những người ông gặp trong công việc. Nhiều câu chuyện ông viết mang chủ đề về người cao tuổi.
Vốn là một người “ngoại đạo” với văn chương, Obama có cha là người Kenya nhưng đã bỏ đi khi ông tròn 2 tuổi, và mẹ là một người ở Kansas, đã từng mang ông theo đến sinh sống ở Indonesia một thời gian. Do đó ông có thể liên hệ câu chuyện với nhiều người khác nhau mà ông gặp trong nhà thờ và trên các đường phố ở Chicago. Những người đó có thể bị mất phương hướng do sự thay đổi nhanh và sự cô lập trong cuộc sống. Và ông ghi tạc trong lòng bài học này: “Điều mang con người xích lại gần nhau để chia sẻ lòng can đảm để hành động vì cuộc sống của mình không chỉ là họ có những vấn đề như nhau, mà bởi vì những câu chuyện của họ đều giống nhau”.
Bài học này đã trở thành cột mốc trong cái nhìn của Tổng thống Obama về một nước Mỹ nơi những niềm ước vọng đơn sơ giống nhau có thể tạo cầu nối xóa nhòa những khác biệt và chia rẽ. Rốt cuộc, nhiều người nhìn thấy câu chuyện của họ trong câu chuyện của ông.
Trước khi bước vào Nhà Trắng, Obama đã là một nhà văn, và ông sẽ sớm quay trở về với nghề viết văn của mình sau khi rời Nhà Trắng. Khi đó, chắc chắn ông có kế hoạch viết hồi ký, và các bài báo, những bài viết ngắn ông lưu giữ trong Nhà Trắng sẽ được ông tập hợp lại để làm tư liệu viết sách.
Giới phê bình đánh giá Obama có sự nhạy cảm của một nhà văn - một tố chất đòi hỏi phải có của một nhà văn khi đứng riêng một mình quan sát sự vật, sự việc - có con mắt, cái tai của nhà văn để nghe và nhìn các chi tiết của cuộc sống trôi qua. Ngay sau khi đọc bài diễn văn chia tay Nhà Trắng vào tuần trước, Obama đã dùng bữa trưa với 5 nhà viết tiểu thuyết đương đại mà ông mến phục nhất - đó là Dave Eggers, Mr Whitehead, Zadle Smith, Mr Diaz và Barbara Kingsolver. Ông trò chuyện với họ về bối cảnh chính trị và truyền thông, trò chuyện với họ về các cuộc hội thảo, hỏi thăm về những chuyến quảng bá tiểu thuyết của họ.
Một điều cuối cùng Obama nói với cánh báo chí về sách, rằng ông hy vọng sẽ sử dụng website Thư viện Tổng thống của mình để quảng bá về sách, để lôi kéo, mở rộng đối tượng độc giả cho những quyển sách quý.
Những tác phẩm của “mọt sách” Obama
Ông Obama nổi tiếng là “con mọt sách” từ thời sinh viên khi ông đang học Đại học Occidental ở TP Los Angeles (California). Ông kể rằng, đã đọc ngấu nghiến “hàng tấn sách” tại trường đại học này và đọc rất nhiều thể loại. Ông ca ngợi cuốn Moral Man And Immoral Society: A Study in Ethics và Politics (Con người đức độ và xã hội vô luân: Một nghiên cứu về đạo đức và chính trị) của Reinhold Niebuhr xuất bản năm 1932).
Reinhold Niebuhr là một trong những triết gia mà ông hết sức ngưỡng mộ. Obama từng có lần tiết lộ với Jann Wenner, người đồng sáng lập tạp chí Rolling Stone rằng cuốn For Whom The Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) của văn hào Hemingway là một trong những cuốn sách truyền cảm hứng cho ông nhất.
Thời còn là sinh viên trường luật thuộc Đại học Harvard, ông đã được bổ nhiệm làm chủ nhiệm tạp chí luật Harvard Law Review. Năm 1995, ông xuất bản cuốn tự truyện “Dreams from My Father: A Story of Race and Inheritance” (Những giấc mơ của cha tôi: Một câu chuyện về chủng tộc và di sản) nói về những niềm vui, nỗi thất vọng và hối tiếc của ông vào thời học sinh ở Honolulu, bang Hawaii. Sách được tái bản năm 2004.
Năm 2011, cuốn tự truyện lọt vào danh sách 100 cuốn sách thể loại phi tiêu thuyết bằng tiếng Anh hay nhất và ảnh hưởng nhất kể từ năm 1923 do tạp chí Time bình chọn. Nhà văn từng đoạt giải Nobel văn học Toni Morrison đánh giá cuốn sách “rất xuất sắc” và gọi Obama là “một nhà văn mà tôi rất kính trọng”.
Tác phẩm thứ hai mà Obama chấp bút là cuốn “The Audacity of Hope: Thoughts on Reclaiming the American Dream” (Hy vọng táo bạo: Những suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ). Cuốn sách được phát hành năm 2006 và ngay trong năm đó trở thành cuốn sách bán chạy nhất do độc giả của The New York Times và trang web Amazon.com bình chọn. Cuốn sách nêu ra những quan điểm chính trị và tôn giáo cũng như những ý kiến của ông về các khía cạnh khác nhau của văn hóa Mỹ.
Năm 1997, khi còn là thượng nghị sĩ bang Illinois, Obama viết lời phê bình sách trên báo Chicago Tribune để ca ngợi cuốn “A Kind And Just Parent” (Một bậc cha mẹ công tâm và ân cần) của tác giả William Ayers. Ông cũng là một độc giả hâm mộ bộ truyện Harry Potter (của nữ nhà văn J. K. Rowling. Tháng 4-2009, bên lề hội nghị khối G-20 ở Anh, Obama đã gặp bà J. K. Rowling trong một bữa ăn tối và cho biết ông đã đọc hết bộ truyện cho 2 con gái của ông là Sasha và Malia.
Tháng 9-2008, Obama ra mắt cuốn sách “Change We Can Believe In” (Chúng ta có thể tin vào sự thay đổi) đặt ra tầm nhìn của ông cho nước Mỹ, trong đó ông nêu ra các ý tưởng cụ thể và táo bạo nhằm chấn chỉnh nền kinh tế đang suy yếu, củng cố tầng lớp trung lưu, chăm sóc y tế cho tất cả người dân và bảo vệ nước Mỹ an toàn trong một thế giới nguy hiểm.
Tháng 11-2010, nhà xuất bản Knopf Books for Young Readers phát hành cuốn sách trẻ em của ông có tựa đề “A Letter to My Daughters (Thư gửi các con gái). Cuốn sách tôn vinh 13 nhân vật đặt nền móng cho lịch sử nước Mỹ gồm George Washington, Abraham Lincoln, Martin Luther King, Neil Armstrong, Sitting Bull, Cesar Chavez, Billie Holiday, Maya Lin, Albert Einstein, Georgia OKeeffe, Jackie Robinson, Helen Keller và Jane Addams.
Lợi nhuận của cuốn sách này được hiến tặng cho một quỹ học bổng dành cho con cái của các quân nhân Mỹ bị thiệt mạng hoặc thương tật do chiến tranh.
Q.H. (tổng hợp)
Theo Trương Hùng/New York Times
An ninh thế giới