1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Biden đến Đức thảo luận về điểm nóng Ukraine, Trung Đông

CTV

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Kier Starmer tại Berlin, trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc.

Ông Biden đến Đức thảo luận về điểm nóng Ukraine, Trung Đông - 1

Tổng thống Biden bắt tay Thủ tướng Đức Scholz tại Berlin ngày 18/10 (Ảnh: Reuters).

Nhà lãnh đạo Mỹ đã tới Đức ngày 18/10 để gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia hàng đầu châu Âu. Đây là một trong những chuyến công du nước ngoài quan trọng nhất của ông Biden trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, sẽ kết thúc vào đầu năm tới.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Đức, sau đó là cuộc họp chung với Thủ tướng nước chủ nhà, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev dự kiến là một trọng tâm của các cuộc thảo luận.

Ông Biden ban đầu có kế hoạch tham dự hội nghị mở rộng về Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức tuần trước. Tuy nhiên, ông buộc phải hoãn chuyến đi do tác động của siêu bão Milton.

Trước việc Tổng thống Biden chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 - cựu Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Kamala Harris, các chính phủ châu Âu đã lên kế hoạch cho 2 kịch bản. Và dù kết quả ra sao, các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rằng, châu lục này vẫn cần phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Bà Rachel Tausendfreund, chuyên gia xuyên Đại Tây Dương, đồng thời là nghiên cứu viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP), nhận định: "Kịch bản lạc quan của Pháp là cuối cùng mọi người sẽ đồng ý với Paris rằng châu Âu không thể mãi dựa vào Mỹ, và do đó cần thiết lập quyền tự chủ chiến lược. Điều này cũng có nghĩa là giảm bớt sự phụ thuộc vào các hệ thống của Mỹ".

Về tương lai của Ukraine, bà Tausendfreund cho rằng, nếu ông Trump thắng cử trong vòng chưa đầy 3 tuần, sự ủng hộ dành cho Ukraine có khả năng sẽ giảm. Bà tin ông Trump sẽ gây sức ép với Ukraine để tham gia các cuộc đàm phán gần như ngay lập tức, sử dụng hỗ trợ quân sự như một công cụ để gây sức ép lên Kiev.

Nếu bà Harris chiến thắng, một nhiệm kỳ tổng thống dưới thời bà có thể khuyến khích EU phối hợp để củng cố trụ cột châu Âu. "Nếu bà Harris thắng, bạn có thể mong đợi mức độ ủng hộ tương tự chúng ta đã có trong chính quyền Biden", bà Tausendfreund nhận định.

Dù kết quả ai chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ đi nữa, áp lực trang bị vũ khí cho Kiev khó có thể giảm bớt. Nếu không có sự hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia thành viên, Nga có thể tiếp tục hành động theo ý mình.

Các chuyên gia an ninh đang kêu gọi châu Âu cần có một cách tiếp cận thống nhất hơn trong việc sản xuất vũ khí, và họ cho rằng cần phải thúc đẩy việc đưa ra các quyết định khó khăn cho tương lai của NATO.

Ngoài vấn đề tương lai của NATO, sự hỗ trợ của liên minh này dành cho Ukraine, tình hình Trung Đông sẽ được thảo luận trong chuyến thăm lần này của ông Biden.

Kim Tiến

Theo Euronews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm