1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Obama trình quốc hội thỏa thuận hợp tác hạt nhân Việt - Mỹ

(Dân trí) - Quốc hội Mỹ ngày 8/5 đã bắt đầu xem xét một thỏa thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam được chính phủ của Tổng thống Obama đệ trình. Nhiều ý kiến nhận định thỏa thuận sẽ tạo ra hàng tỷ USD trao đổi thương mại giữa hai nước.

Thỏa thuận hợp tác hạt nhân hòa bình Việt - Mỹ được ký hôm 6/5 (Ảnh VNA)
Thỏa thuận hợp tác hạt nhân hòa bình Việt - Mỹ được ký hôm 6/5 (Ảnh VNA)

Theo hãng tin AFP, bản dự thảo thỏa thuận đã được chính phủ Mỹ đệ trình, với nội dung cho phép Mỹ chuyển giao các lò phản ứng hạt nhân và các công nghệ cho Việt Nam, nước hiện có kế hoạch đầy tham vọng phát triển một mạng lưới điện hạt nhân từ con số không, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một tăng và tái kích hoạt tăng trưởng kinh tế.

Thỏa thuận sẽ được thực thi sau khi quốc hội Mỹ có phiên thảo luận trong vòng 90 ngày làm việc. Điều đó có nghĩa là vào cuối năm 2014 thỏa thuận sẽ có hiệu lực, trừ khi các nghị sỹ bác thỏa thuận này.

Trong phiên điều trần về thỏa thuận trên hồi tháng 1, một số thượng nghị sỹ đã đề nghị quốc hội Mỹ nên phê chuẩn một đạo luật riêng về nhân quyền tại Việt Nam, để đi kèm với thỏa thuận hạt nhân.

Viện năng lượng hạt nhân Mỹ, đại diện cho ngành năng lượng hạt nhân Mỹ nói rằng thỏa thuận hạt nhân cần được thúc đẩy vì các lợi ích cho nước Mỹ, mà không liên quan tới vấn đề nhân quyền. Viện này tin rằng, thỏa thuận sẽ giúp Mỹ xuất khẩu từ 10 - 20 tỷ USD sang Việt Nam, và tạo ra hơn 50.000 việc làm cho người Mỹ.

Nếu quốc hội Mỹ bác thỏa thuận này, các quốc gia khác “sẽ sẵn sàng lấp chỗ trống”, với Nga và Nhật đã đạt được các thỏa thuận với Việt Nam, Viện năng lượng hạt nhân Mỹ cho biết.

Tuy vậy, một số nhà lập pháp, những người có thể ủng hộ thỏa thuận vẫn cho rằng thỏa thuận với Việt Nam không đáp ứng “tiêu chuẩn vàng” của các thỏa thuận gần đây của Mỹ với Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) và Đài Loan, vốn cấm họ tiến hành hoạt động làm giàu hạt nhân, hoặc tái chế nhạy cảm để sử dụng trong sản xuất vũ khí hạt nhân.

Về phần mình, Tổng thống Obama trong một bức thư gửi kèm bản dự thảo thỏa thuận khẳng định Việt Nam đã đưa ra “cam kết chính trị” về việc chỉ mua nhiên liệu hạt nhân trên thị trường quốc tế, và không tự thực hiện các công việc nhạy cảm.

Cam kết của Việt Nam được đề cập trong thỏa thuận nhưng nó không có tính ràng buộc pháp lý.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez thì tỏ ra lo ngại rằng khuôn khổ thời gian của thỏa thuận kéo dài tới 30 năm, và có thể được gia hạn thêm 5 năm khiến quốc hội bị giảm khả năng giám sát.

Dù vậy, ông Obama khẳng định trong bức thư của mình rằng sẽ “khuyến nghị mạnh mẽ” rằng chính quyền của những người kế nhiệm sẽ tham vấn quốc hội về thỏa thuận này.

Thanh Tùng
Theo AFP