Obama, Romney và lá bài Trung Quốc
Khi Trung Quốc trở thành một chủ đề lớn trong các cuộc tranh luận bầu cử giữa Barack Obama và Mitt Romney, thì người ta cũng nói tới khái niệm “chỉ trích Trung Quốc”.
Trên thực tế, bất kỳ điều gì mà hai người nói về Trung Quốc đều được hiểu trong các phương tiện truyền thông là “chỉ trích”.
"Lên án Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử có thể gặp phản ứng ngược", một biên tập của Bloomberg View cảnh báo. "Romney và Obama cố gắng cạnh tranh trong việc chỉ trích Trung Quốc", tờ Christian Science Monitor cho biết. "Chỉ trích Trung Quốc trở thành một lễ nghi trong các chiến dịch tranh cử tổng thống, tờ Kansas City Star than phiền.
Hãy xem các ứng viên Mỹ dùng lá bài Trung Quốc thế nào trong tranh cử.
Romney: Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ"
Romney đã nhiều lần nhắc lại rằng, Trung Quốc cần bị chỉ trích về việc giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp để thúc đẩy xuất khẩu, khiến cho nhập khẩu đắt đỏ và làm tổn thương tới các nhà sản xuất Mỹ. Vào "ngày nào đó" làm tổng thống, Romney hứa sẽ chính thức chỉ ra việc Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ, và rất có thể tiếp theo là việc đánh thuế vào hàng hoá Trung Quốc.
Về đa phần thì điều này đúng. Không nghi ngờ gì về việc Bắc Kinh giữ giá thấp đồng nhân dân tệ trong nhiều năm qua và ảnh hưởng lớn tới Mỹ. Viện CHính sách Kinh tế Mỹ ước tính rằng, từ giữa 2001 - 2010, chính sách tiền tệ của Trung Quốc khiến 2,8 triệu người Mỹ mất hoặc phải thay đổi việc làm. Và C. Fred Bergston của Học viện Peterson - nơi đưa ra những báo cáo đáng tin cậy về tiền tệ toàn cậu cho hay, nếu đồng nhân dân tệ được phép tăng giá trên thị trường tự do, nó có thể dẫn tới việc tạo ra từ 600.000 - 1,2 triệu việc làm Mỹ.
Hai ứng viên trong cuộc tranh luận. Ảnh: cbsnews |
Tuy nhiên, thao túng tiền tệ không phải là thách thức lớn nhất từ Trung Quốc. Trong báo cáo gần đây nhất, Viện Peterson cho biết, đồng nhân dân tệ hiện ở mức giá thấp chỉ là 7,7% thay vì gần 30% năm ngoái.
Và quan trọng hơn, có những lý do thực sự để nói về việc "một ngày nào đó" chính thức chỉ ra Trung Quốc cũng là sự khởi đầu một cuộc chiến thương mại hai bên gây nhiều tổn thất.
Obama: Chính quyền này "bảo vệ các công nhân Mỹ" bằng cách áp thuế với Trung Quốc khi "dòng lũ hàng hoá Trung Quốc" đổ vào thị trường.
Tổng thống Mỹ nhiều lần nói về quyết định áp thuế với mặt hàng lốp xe Trung Quốc năm 2009 và khẳng định nhờ đó 1.000 việc làm được cứu vãn. "Đó là Tổng thống Obama, người bảo vệ công nhân Mỹ", một quảng cáo gần đây ghi rõ. "Mitt Romney tấn công vào quyết định của Obama, làm sao Mitt Romney có thể chống lại kẻ gian lận khi ông đứng về phía họ?".
Câu chuyện bắt đầu từ việc trong năm 2009, một uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ đã phát hiện ra rằng, có quá nhiều lốp xe đến từ Trung Quốc và "gây ra hiệu ứng đổ vỡ thị trường". Tổ chức này yêu cầu áp thuế và Obama cuôố cùng đã nhất trí, ký vào biểu thuế kéo dài ba năm.
Viện Peterson nghiên cứu và nhận ra rằng, quyết định này trong thực tế đã cứu được 1.000 việc làm Mỹ. Nhưng cùng lúc đó, "lốp xe tăng giá khiến người tiêu dùng Mỹ phải giảm bớt chi tiêu các mặt hàng khác, và ảnh hưởng gián tiếp tới công nghiệp bán lẻ". Và Trung Quốc, đáp trả đã áp thuế mặt hàng gia cầm Mỹ, gây tổn thất liên quan trị giá khoảng 1 tỉ USD.
Romney: Trung Quốc "đang gian lận" bằng cách "ăn cắp các ý tưởng và công nghệ Mỹ".
Đặt sang bên câu hỏi về "ý tưởng Mỹ" chính xác gọi là gì, một quảng cáo của Romney nói Trung Quốc lấy cắp công nghệ Mỹ "ở tất cả mọi thứ từ máy tính tới máy bay chiến đấu". Không những thế, quảng cáo còn nói thêm rằng, Obama đã bỏ qua bảy cơ hội để "hành động" và "chống lại Trung Quốc".
Trong thực tế, các hacker Trung Quốc đã đột nhập vào nhiều hệ thống chính phủ Mỹ, kể cả chương trình máy bay chiến đấu trị giá 300 tỉ USD của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Tình báo công nghiệp thì tràn lan tới mức mà một sĩ quan an ninh mạng hàng đầu của Mỹ gọi mức độ ăn cắp trí tuệ là "sự chuyển dịch giàu có lớn nhất trong lịch sử".
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc đưa ra kết luận xa hơn: "Các 'diễn viên' Trung Quốc là những thủ phạm gián điệp kinh tế tích cực và dai dẳng nhất thế giới".
Và trong một cuộc thăm dò các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho thấy, 95% nói rằng họ rất hoặc có quan tâm về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước này.
Nhưng quảng cáo tranh cử của Romney có thể dẫn tới hiểu lầm sâu sắc. Bắc Kinh trong năm 2010 đã nhất trí hiệp ước ngăn chặn vi phạm bản quyền và làm hàng giả, chính quyền Obama vẫn tiếp tục đưa ra vấn đề này và không rõ Romney có ý định thúc đẩy thêm như thế nào.
Obama: Bảo hộ thương mại của Trung Quốc là "không đúng, nó đi ngược lại các quy định và chúng ta sẽ không để yên".
Trích dẫn này bắt nguồn từ một bài phát biểu gần đây của Obama khi ông nói về vụ việc chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Hồ sơ kiện Trung Quốc lên WHO cho rằng, Trung Quốc đã đổ 1 tỉ USD trợ cấp cho các nhà sản xuất ô tô để thúc đẩy xuất khẩu.
Động thái trên xuất hiện sau quyết định của Tổng thống trong việc cấm một công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở ở gần căn cứ hải quân, nhiều học giả cho rằng họ đang chứng kiến một Obama "cạnh tranh" với Romney "để xem ai sẽ cứng rắn hơn với người khổng lồ châu Á".
Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, ngày càng thấy rõ về cách tiếp cận "hám lợi" của Trung Quốc với thương mại toàn cầu: thiên về kiểu bảo hộ phạm vi lớn, buộc các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ với các đối thủ Trung Quốc, lợi dụng quy trình chậm trễ của WTO để coi thường các quy tắc.
"Kiểu của Trung Quốc tạo ra giao diện không tương thích giữa Trung Quốc và các hệ thống toàn cầu đã được thiết lập cho việc quản trị thương mại và đầu tư", James McGregor, nhà báo kỳ cựu viết về hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc trong một cuốn sách mới nói.
Thách thức của Trung Quốc đe doạ đẩy các hệ thống hiện tại tới chỗ nguy hiểm, nhưng Trung Quốc lại là nước hưởng lợi lớn nhất từ các thể chế hiện hành. Cả Obama và Romney dường như đều công nhận sự thách thức này ở mức độ nào đó.
Theo Nguyễn Huy
Tuần Việt Nam/alaskadispatch