1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Obama nhậm chức và sự ra đi của cả một thế hệ

(Dân trí) - Khi George W. Bush lên trực thăng rời Nhà Trắng trong Ngày nhậm chức (20/1), để dọn đường cho Barack Obama đến, nhiều người cho rằng ông không phải là người duy nhất khuất nẻo nơi phía cuối chân trời…

President-elect Barack Obama holds a child as he stops to eat ...

Đối với nhiều nhà phân tích xã hội, nhà sử học, các blogger và thường dân Mỹ, ngày 20/1 sẽ tượng trưng cho sự “ra đi” của cả một thế hệ: thế hệ những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số ở Mỹ sau thế chiến thứ II (baby boomer).

Thay đổi đối với cả thế hệ, đó là những từ người ta thường hay nhắc tới trong thời điểm lễ nhậm chức của Obama ngày một đến gần. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn ám chỉ đến tuổi tác còn trẻ của Obama, bởi vị tổng thống đắc cử 47 tuổi này chỉ xếp thứ 5 trong số các tổng thống trẻ nhất của Mỹ. Đúng hơn, nó cho thấy một kỷ nguyên văn hóa đang đến hồi kết, kỷ nguyên bị thống trị bởi những “baby boomer”. Nhiều người trong số họ đã được nếm trải vị đắng của sự chia rẽ do cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc đấu tranh dân quyền, thay đổi xã hội, tự do tình dục… tạo nên.

Về lý thuyết, những trải nghiệm này khiến thế hệ “baby boomer”, những người sinh ra từ năm 1946-1964, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi ý thức hệ và bị sa lầy trong những cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ. Còn Obama? Ông ấy là điển hình của một thế hệ mới theo chủ nghĩa thực dụng: có lý tưởng nhưng thực tế, sinh ra trong thời hậu chiến, không phải sống trong cảnh đất nước bất đồng quan điểm, có khát vọng và có thể đưa ra nhiều cách thức mới để giải quyết các vấn đề.

“Obama là một trong những người được lớn lên trong thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam”, Steven Cohen, giảng viên quản trị công tại Đại học Columbia cho biết. “Đó là sự thay đổi lớn đối với cả một thế hệ, một kiểu chính trị hoàn toàn khác. Ông ấy sẽ giải quyết vấn đề không phải theo cách gói ghém chúng trong ý thức hệ tả - hữu bên dưới chúng”.

Trên thực tế, Obama cũng là người sinh ra trong thế hệ “baby boomer”, năm 1961. Tuy nhiên, từ lâu ông đã tự tách mình ra khỏi thế hệ các chính trị gia sinh trưởng trước ông.

Các sử gia đã nói về sự thay đổi thế hệ tại Washington từ cách đây rất lâu rồi. 16 năm đã trôi qua kể từ khi Bill Clinton, tổng thống đầu tiên trong thế hệ “baby boomer” nhậm chức. Trước đó, các tổng thống từ John F. Kennedy đến George H.W. Bush, cả thảy 7 người, đều thuộc về thế hệ những người trong Thế chiến II, thế hệ được mệnh danh là “thế hệ vĩ đại nhất”.

Ở Mỹ Thế hệ X (hay còn gọi là thế hệ “baby bust" là thế hệ những người sinh ra trong thời kỳ tỷ lệ sinh giảm mạnh sau thời kỳ “baby boom”, đặc biệt là những người sinh vào những năm 1960 và 1970.

Vậy nếu Obama không phải là người của thế hệ “boomer” về mặt tư tưởng, thì ông là ai? Không hoàn toàn là thế hệ X, mặc dù thế hệ X và thế hệ tiếp theo, thế hệ Y (hay còn được biết đến thế hệ Thiên niên kỷ) đều muốn có ông và đã “đưa” ông lên làm tổng thống của nước Mỹ.

“Thế hệ X nổi tiếng là thế hệ hay hoài nghi, ít lạc quan”, nhà bình luận xã hội Jonathan Pontell cho biết. “Những người ở thế hệ X không viết sách với tựa đề có từ “hi vọng””.

Một số người gọi những người cuối thế hệ “boomer” như Obama là những người tiên phong - những người đầu tiên của một thế hệ mới. Một cuốn sách đã gọi họ là thế hệ thứ 13, giống như thế hệ thứ 13 kể từ thời kỳ thuộc địa, chào đời từ năm 1961-1981. Và Pontell, đồng thời cũng là một nhà tư vấn chính trị ở Los Angeles, đã trở nên nổi tiếng nhờ tìm ra một thuật ngữ mới: Thế hệ Jones, chỉ những người có khát vọng lớn, chào đời trong những năm 1954-1965.

Theo Pontell, những người ở thế hệ Jones thường là những người có lý tưởng, nhưng không có ý thức hệ cao như những người ở thế hệ “boomer”. Và Obama là một “hình mẫu sống về thế hệ Jones. Ông ấy là một người duy tâm thực dụng cổ điển”.

Và trong khi độ tuổi trung bình của quốc hội mới là 58,2 (nhóm đầu thế hệ boomer), tân tổng thống sẽ mang một số người thuộc thế hệ “jones” tới Nhà Trắng cùng với mình. Ví dụ như, Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner, 47 tuổi; Bộ trưởng giáo dục Timothy Geithner, 44 tuổi, hay Susan Rice, đại sứ Mỹ tại LHQ.

Dĩ nhiên, Obama cũng chọn những người thuộc thế hệ Clinton, mà nổi bật nhất là Hillary Rodham Clinton, 61 tuổi, làm ngoại trưởng. Ngoài ra còn có người phó Joe Biden, 66 tuổi, Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, một người của “triều đại Bush”, 65 tuổi. Tất cả họ đều là những người thuộc thế hệ tiền “boomer”.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, những lựa chọn cho bộ máy chính quyền mới của Obama cho thấy ông là tổng thống hậu “boomer” đầu tiên của nước Mỹ.

“Về thực chất, chúng ta phải gọi ông ấy (Obama) là một người thuộc thế hệ “boomer”, Douglas Warshaw, giám đốc báo chí New York, 49 tuổi, cho biết. “Nhưng về ý thức hệ ông ấy là một người thuộc thế hệ X. Riêng tôi nghĩ ông ấy thuộc thế hệ bắc cầu giữa hai thế hệ trên”.

Phan Anh
Theo AP